ClockThứ Sáu, 15/03/2024 07:33

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

TTH - Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Du lịch Hương Thủy: Đánh thức tiềm năng từ liên kết trong du lịchXuất khẩu thuỷ sản chưa cắt được đà giảm dù có tín hiệu phục hồiPhát huy lợi thế xuất khẩu rau quả

Người dân ở thị trấn Sịa (Quảng Điền) chăm sóc thủy sản nuôi 

Vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai một thời đưa vào nuôi nhiều loại thủy sản, đặc biệt là nuôi chuyên tôm sú mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người từng biết đến vùng ven phá Quảng Điền là nơi bắt đầu phong trào nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh. Chỉ vài vụ nuôi, nhiều hộ ở Quảng Công, Quảng An, Quảng Thành… phất lên làm giàu. Từ đó, phong trào nuôi tôm sú lan rộng khắp trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Cũng từ khi phong trào nuôi tôm sú phát triển ồ ạt, tự phát, thiếu quy hoạch cộng với biến đổi khí hậu dẫn đến môi trường vùng đầm phá bị phá vỡ, ô nhiễm, tôm nuôi thường xuyên dịch bệnh, chết khiến nhiều hộ thua lỗ triền miên. Điều đó bắt buộc các địa phương, người dân phải thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi, đa dạng các đối tượng nuôi phù hợp nhằm ứng phó với thời tiết diễn biến thất thường.

 Cá đặc sản vùng đầm phá

Mô hình nuôi tôm sú xen ghép với cua, cá từ đó bắt đầu xuất hiện cho thấy sự phù hợp, thích nghi với điều kiện môi trường đầm phá hiện nay. Nuôi thủy sản xen ghép tuy mang lại thu nhập không cao so với chuyên tôm (khi còn hiệu quả), nhưng mỗi ha cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng, giúp người dân đầm phá phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

Ông Võ Văn Chương ở xã Quảng Công (Quảng Điền), một hộ có nhiều năm kinh nghiệm nuôi thủy sản trên đầm phá khẳng định, nuôi tôm xen ghép cua, cá thật sự phù hợp với điều kiện môi trường, khí hậu hiện nay. Trong quá trình nuôi, có lúc thủy sản vẫn xảy ra dịch bệnh nhưng dễ kiểm soát, xử lý dễ hơn nuôi chuyên tôm. Hoặc khi một trong số các đối tượng nuôi bị bệnh, thiệt hại thì có đối tượng nuôi khác hiệu quả bù lại nên ít khi bị lỗ. Hơn nữa, nuôi xen ghép ít tốn chi phí hơn nuôi chuyên tôm nên khi gặp rủi ro, dịch bệnh thì thiệt hại cũng ít hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh thông tin, từ năm 2010 đến nay, nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai phát triển ổn định, bền vững. Nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế như chẽm, mú, nâu, dìa, cua, kình, đối, chình… được đưa vào sản xuất và đa dạng hóa đối tượng nuôi. Diện tích nuôi chuyên tôm trên đầm phá giảm hẳn, trong khi đó tăng diện tích nuôi xen ghép thân thiện với môi trường.

Một vài năm gần đây, TTKN triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả thiết thực. Đáng kể đến là các mô hình ươm giống cá nước lợ dựa vào cộng đồng, nuôi thủy sản theo hướng bền vững tại rừng ngập mặn, nuôi cá nâu theo hướng an toàn, nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với tiêu thụ sản phẩm…

Mô hình nuôi cá chình ở Quảng Điền 

Mô hình nuôi thủy sản bền vững tại rừng ngập mặn ở xã Hương Phong (TP. Huế) được triển khai từ năm 2021 đến nay với các đối tượng tôm, cua, cá đối theo hướng thân thiện môi trường, duy trì hệ sinh thái và tạo sinh kế bền vững. Mô hình này được đánh giá phù hợp với tiềm năng, lợi thế và tư duy sản xuất với người dân bản địa, không chỉ mang lại hiệu quả mà còn góp phần bảo vệ rừng ngập mặn, hướng đến mô hình nuôi sinh thái, kết hợp dịch vụ du lịch.

Lâu nay, nuôi cá đặc sản như cá nâu thường được nhắc đến tại các vùng đầm phá Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc… song mới đây, TTKN còn thực hiện thành công tại xã Điền Hương (Phong Điền) mở ra cơ hội mở rộng diện tích nuôi loại cá này trên vùng Ngũ Điền và một số địa phương lân cận. Mở rộng diện tích nuôi cá nâu là mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh nhằm hướng đến hình thành vùng nuôi tập trung, quy mô lớn, tạo ra nguồn sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và xây dựng thương hiệu “cá nâu Thừa Thiên Huế”.

Nuôi cua nói chung trên vùng đầm phá được biết đến từ nhiều năm nay, song ngành nông nghiệp không dừng lại ở đó mà còn nghiên cứu đưa vào nuôi một số loại cua phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong giai đoạn 2021 đến nay, TTKN triển khai thành công mô hình nuôi cua gạch, đang được người dân hưởng ứng, tích cực mở rộng diện tích, quy mô nuôi. Mô hình nuôi cua gạch không chỉ mang lại hiệu quả so với cua thịt mà còn được sản xuất theo chuỗi giá trị, người dân được bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên yên tâm đầu ra. Bình quân mỗi ha ước thu nhập 120-130 triệu đồng/vụ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn có nhiều tiềm năng để đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế. Để tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, ngành nông nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu đưa một số đối tượng mới vào sản xuất tại các địa phương.

Cuối năm vừa qua, TTKN triển khai mô hình ươm giống tôm càng xanh nhằm chủ động nguồn giống để tổ chức sản xuất trên các diện tích trồng lúa mang lại hiệu quả thấp tại huyện Quảng Điền. Theo đó, mô hình được triển khai tại xã Quảng Công với quy mô 1.000m2. TTKN phối hợp với Công ty TNHH Thủy sản Toàn Cầu ở tỉnh Bến Tre tiến hành thả giống tôm càng xanh vào ngày 20/12/2023 với số lượng 20 ngàn con. Quá trình ươm giống tôm càng xanh phát triển ổn định như kỳ vọng của ngành nông nghiệp với tỷ lệ sống trên 60%, trọng lượng tôm thu hoạch đạt 500 con/kg.

Không chỉ cá dìa, mú, chẽm, nâu, cua gạch… và mới nhất là tôm càng xanh, mà hy vọng sẽ còn nhiều đối tượng thủy sản mới được đưa vào sản xuất trong thời gian đến, góp phần làm tăng giá trị cho vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng hình thức lan tỏa văn hóa đọc

Diễn ra trong vòng hơn 6 tháng, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 được Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh trên toàn tỉnh tham gia, với con số vô cùng ấn tượng hơn 16.300 bài dự thi đến từ 120 trường.

Đa dạng hình thức lan tỏa văn hóa đọc
Dạy học thích ứng với mùa mưa lũ

Trong tình hình mưa lũ, các trường học ở vùng thấp trũng cần tính đến phương án dạy học linh hoạt để “sống chung” vói điều kiện thời tiết.

Dạy học thích ứng với mùa mưa lũ
Châu Á - Thái Bình Dương: 88 triệu người mất an ninh lương thực do những cú sốc khí hậu

Theo báo cáo Triển vọng Toàn cầu năm 2025 vừa được Chương trình Lương thực thế giới (WFP) công bố, nạn đói tiếp tục gia tăng, với 343 triệu người trên khắp 74 quốc gia đang phải trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng 10% so với năm ngoái. Trong đó, tại châu Á - Thái Bình Dương, 88 triệu người đang phải vật lộn với nạn đói do thảm họa liên quan đến khí hậu gây ra.

Châu Á - Thái Bình Dương 88 triệu người mất an ninh lương thực do những cú sốc khí hậu

TIN MỚI

Return to top