ClockThứ Năm, 16/07/2015 15:51

Đặc sản địa phương tìm đường vào siêu thị

TTH - Với con số hàng trăm, thậm chí hàng ngàn loại nông sản, thực phẩm và đặc sản mang thương hiệu “made in Huế” nổi tiếng trong và ngoài nước, song tính đến thời điểm này, số lượng hàng có mặt tại siêu thị chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chưa kể, có nhiều sản phẩm vào rồi lại ra, do số lượng hàng không đủ cung cấp cũng như “áp lực” từ các khoản phí.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tham quan gian hàng giới thiệu đặc sản Huế tại Hội nghị Kết nối cung - cầu

Những con số quá khiêm tốn

Là một trong những nhà cung cấp (NCC) cung ứng hàng cho hai siêu thị Big C và Co.op Mart gần chục năm nay, cơ sở thủy hải sản Hồ Thị Xuân ở xã Phú Dương (Phú Vang) thực sự xem đây là cơ hội làm ăn tốt và hiệu quả cao, nguồn thu ổn định và lâu dài. Trung bình mỗi tháng, hai siêu thị tiêu thụ trên 3 tấn thủy hải sản các loại. Để có nguồn hàng ổn định cung cấp cho siêu thị, ngoài nguồn đánh bắt của gia đình, chị Xuân hợp đồng với nhiều hộ đánh bắt trong xã và thực hiện cam kết hàng hóa đảm bảo chất lượng và an toàn.

"Tôi đưa hàng vào siêu thị từ những ngày đầu khai trương đến nay. Doanh số bán hàng đều tăng lên mỗi ngày. Tuy nhiên, để tồn tại và có chỗ đứng tại hệ thống siêu thị, trước hết hàng hóa phải đảm bảo chất lượng. NCC phải đầu tư vốn để đặt hàng và thu gom sản phẩm, sau đó thực hiện các thủ tục đăng ký chất lượng, kiểm nghiệm để cung ứng”, chị Xuân chia sẻ.

Mỗi tháng, hai siêu thị Big C và Co.op Mart Huế tiêu thụ trên 20 ngàn gói mè xửng các loại của hai cơ sở Thiên Hương và Thuận Hưng; khoảng 3 ngàn gói trà cung đình của cơ sở Đức Phượng, TP Huế và 15 chủng loại hàng hóa do các nhà cung cấp địa phương đưa vào, gồm trứng gia cầm, thịt heo, bò, rau mầm, và các loại mắm Huế. Không chỉ làm đầu mối tiêu thụ hàng địa phương, đơn vị đã triển khai kiểm nghiệm, hoàn tất các thủ tục cần thiết để đưa đặc sản này vào tiêu thụ tại hệ thống Sài Gòn Co.op và Big C Việt Nam.

Hoa lý, rau mầm, ném..., những đặc sản đang được xúc tiến vào kênh phân phối hiện đại. Ảnh: Võ Nhân

Tuy nhiên, đây chỉ là những con số quá nhỏ so với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Với gần 5 ngàn DN vừa và nhỏ cùng với hàng trăm cơ sở sản xuất, hộ cá thể đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn thì con số 30 địa chỉ cung ứng hàng cho kênh siêu thị là quá khiêm tốn. Chưa kể đến nhiều NCC cứ đưa hàng vào siêu thị rồi lại bỏ hợp đồng do không đủ số lượng hàng theo yêu cầu và lợi nhuận không đủ để chi trả cho các khoản phí. 

Tìm kiếm cơ hội

Bộ Công thương vừa phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị “Kết nối cung- cầu hàng hóa giữa cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối” khu vực miền Trung. Tại đây, 5 nhà phân phối quy mô lớn là Co.op Mart miền Trung, Big C Huế, Lottle Việt Nam Shopping, Công ty Thương mại Hà Nội khu vực miền Trung và Xí nghiệp Thành Lợi đã giới thiệu quy trình đưa hàng vào cung ứng tại hệ thống, đồng thời ký kết tiêu thụ sản phẩm cho trên 10 NCC trên địa bàn tỉnh.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương:
 
“Thời gian tới, đề nghị Sở Công thương phối hợp với các ngành liên quan dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu, tăng cường hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua kênh phân phối tại siêu thị. Các DN kinh doanh siêu thị có trách nhiệm quảng bá sản phẩm và đưa hàng địa phương vào cung ứng tại hệ thống của DN trên toàn quốc nhằm thực hiện mục tiêu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và kích cầu tiêu dùng hàng nội địa.

Bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart khu vực miền Trung cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điệu kiện thuận lợi để thu mua các sản phẩm địa phương vào phân phối tại hệ thống Sài Gòn Co.op, trong đó có hệ thống gần 10 siêu thị đóng tại khu vực miền Trung, với điều kiện hàng phải có giấy kiểm nghiệm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phải đủ số lượng hàng theo cam kết. Đối với khâu thủ tục, DN ở địa phương nào cũng có thể liên hệ với Co.op Mart ở địa phương đó để thực hiện với phương châm DN và Nhân dân cùng phối kết hợp nhằm mang lại hiệu quả cho cả hai bên và đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng”.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Lộc Mai - ông Mai Quốc Bảo phấn khởi: “Sản phẩm trà vả lâu nay cung ứng ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước và được nhiều khách hàng sử dụng với doanh số bán hàng chiếm trên 200 triệu đồng/tháng, song hiện DN vẫn chưa đưa vào siêu thị do chưa nắm bắt các thông tin và thủ tục liên quan. Sau hội nghị kết nối cung - cầu này, chúng tôi sẽ trực tiếp liên hệ với các siêu thị và thực hiện các thủ tục cần thiết để sản phẩm trà vả được quảng bá rộng rãi ở kênh phân phối này.”.

Đối với sản phẩm trà rau má của HTX Quảng Thọ II, hội nghị đã mở ra cơ hội tốt và “gỡ rối” trong việc đưa sản phẩm vào siêu thị. Chủ nhiệm HTX- ông Nguyễn Lương Trí cho rằng: “Hợp tác xã đang hoàn tất thủ tục, giấy kiểm nghiệm để đưa sản phẩm trà rau má vào cung ứng tại siêu thị. Trước đây, HTX lo ngại lợi nhuận bán trà không đủ để chi cho các khoản phí kiểm nghiệm và tái kiểm nghiệm sau 6 tháng. Song, qua hội nghị, Siêu thị Co.op Mart cam kết sẽ hỗ trợ từ 50-100% khoản phí này nên HTX yên tâm và mạnh dạn đưa hàng vào bán.”.

Theo báo cáo của các DN, hiện có gần 10 NCC địa phương đang hoàn tất các thủ tục để đưa hàng vào siêu thị, như HTX Quảng Thọ II (Quảng Điền) với sản phẩm trà rau má; Đan viện Thiên An ở xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) với sản phẩm cam sành; các hộ kinh doanh ở huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà với các sản phẩm củ ném, ớt bột, bông lý, rau và quýt Hương Cần… Đây là tín hiệu mừng và cơ hội tốt để hàng địa phương có mặt nhiều hơn tại các siêu thị nhằm giúp các cơ sở mở rộng và phát triển sản xuất, đồng thời mở ra hướng đi mới trong việc liên kết để hàng địa phương xuất hiện ngày càng nhiều tại các kênh phân phối hiện đại.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ:
 
Hình thành mô hình hợp tác xã kiểu mẫu
 
Sắp tới tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, đồng thời vận động các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cải tiến mẫu mã, đăng ký thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để thu hút khách. UBND tỉnh cũng sẽ đặt vấn đề với Tập đoàn Big C Việt Nam, hệ thống Co.opMart và các nhà bán lẻ quy mô lớn về việc đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt các rào cản để các cơ sở sản xuất dễ dàng giao dịch và tiếp cận. Sẽ vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hình thành mô hình hợp tác xã kiểu mẫu làm đầu mối thu gom sản phẩm, sau đó đóng gói bao bì, đăng ký chất lượng và đưa đi kiểm nghiệm để hàng địa phương có mặt tại các kênh phân phối lớn, góp phần quảng bá và nâng cao giá trị kinh tế.
 
Giám đốc Sở Công thương Ông Võ Phi Hùng:
 
Sát cánh doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
 
Sau hội nghị kết nối cung- cầu do Bộ Công thương tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, Sở đang triển khai giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và làng nghề.
 
Thông qua nguồn vốn từ chương trình phát triển và khôi phục nghề, làng nghề truyền thống; chương trình khuyến công địa phương, trong năm 2015, Sở đã hỗ trợ vốn để trang bị máy móc tiên tiến, tập huấn cải tiến mẫu mã, đăng ký thương hiệu cũng như đào tạo nghề để nâng cao chất lượng sản phẩm cho hàng chục DN, cơ sở, HTX trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các DN đầu tư máy móc hiện đại, hình thành các cơ sở làm đầu mối thu gom sản phẩm để đưa vào siêu thị. Ngoài 2 nhà bán lẻ là Big C và Co.opMart, Sở đã liên kết với các tập đoàn lớn ở khu vực miền Trung là Lottle Việt Nam Shopping và Công ty thương mại Hà Nội- miền Trung để các cơ sở địa phương dễ dàng lựa chọn đối tác, thuận tiện trong việc đưa hàng vào cung ứng.
 
Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Huế Lê Thanh Tú:
Hỗ trợ phí tái kiểm nghiệm cho các nhà cung cấp địa phương
 
Với phương châm tạo cơ hội và hỗ trợ tối đa cho các NCC địa phương trong việc đưa hàng vào cung ứng tại hệ thống Co.opMart, Ban Giám đốc đã họp bàn và đưa ra giải pháp sẽ hỗ trợ từ 50- 100% phí tái kiểm nghiệm. Qua tìm hiểu thì lâu nay, cái khó lớn nhất đối với các NCC địa phương trong việc đưa hàng vào siêu thị là do phí kiểm nghiệm cao, thời gian tái kiểm nghiệm ngắn (6 tháng) trong khi đa số các NCC đều sản xuất quy mô hộ gia đình, số lượng ít nên gặp nhiều khó khăn trong việc đưa hàng vào siêu thị. Sắp tới DN sẽ đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ liên quan cũng như hỗ trợ kinh phí để NCC thực hiện quy trình tái kiểm nghiệm theo quy định của Nhà nước nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
 
 
Khánh Thư - Huy Thắng (thực hiện) 

 

Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu

Năm 2024, TP. Huế tập trung chỉ đạo hoàn thành 18 đồ án QH, quy chế, bao gồm 11 QH phân khu, 1 quy chế quản lý kiến trúc thực hiện để phủ kín QH phân khu các phường, xã và 6 đồ án QH lập, điều chỉnh để phù hợp QH chung đô thị tỉnh. Đến nay, các đồ án điều chỉnh QH các phường thuộc phạm vi thành phố trước khi mở rộng đã cơ bản hoàn thành trình thẩm định theo kế hoạch; các đồ án QH các phường, xã sáp nhập vào thành phố đã hoàn thành trình thẩm định, phê duyệt và đảm bảo phủ kín 100% QH phân khu trên địa bàn thành phố.

Đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch phân khu
Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

TIN MỚI

Return to top