|
Một phần khu đô thị, nghỉ dưỡng "trùm mền" đã hai năm nay
|
Dân nghèo ôm nợ
Dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế do Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh cấp phép năm 2008, xây dựng trên tổng diện tích hơn 70 ha, với tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng. Đến thời điểm này, khu vực triển khai dự án vẫn chưa nên hình hài, chủ đầu tư đã rời đi mấy năm nay.
|
Năm 2010, khi dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế triển khai xây dựng, nhiều người dân làm thợ nề, hút cát, buôn bán vật liệu xây dựng, nhà thầu nhỏ… ở các xã Phú Thuận, Phú Thượng, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) “đầu quân” để phục vụ dự án. Sau hai năm, dự án “trùm mền”, thì cũng là lúc người dân ôm nợ khi họ cung ứng vật liệu, nhân công để xây dựng công trình mà chưa được công ty thanh toán tiền.
Ông Trần Văn Duế (thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận) bức xúc: “Đã 2 năm rồi, số tiền 40 triệu đồng Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam nợ gia đình tui vẫn chưa được thanh toán. Trong khi đó, tui thuê thuyền, nhân công hút cát phục vụ công trình thì phải đi vay mượn, bỏ tiền túi ra mà trả.” Nói đoạn, ông Duế mở tủ mang ra cả đống hồ sơ hợp đồng, chứng từ thanh toán từ những lần giao dịch với công ty này. “Nhiều lần tui gọi theo số điện thoại của công ty ghi trên hợp đồng có người nghe máy nhưng chỉ cần nói “tui ở Huế đây” là nhân viên họ cúp. Tiền lấy của công ty không được trong khi nợ thì họ tới đòi đầu ngõ” - ông Duế giãi bày.
Chị Hồ Thị Thu Thủy (thôn Hòa Duân), chủ cơ sở vật liệu xây dựng cho biết: “Từ năm 2011 đến cuối năm 2012, tui bán lẻ cho công ty tổng cộng 115 triệu đồng tiền gạch và xi măng, qua nhiều lần thanh toán, công ty mới trả cho tôi 69 triệu đồng, còn lại 46 triệu đồng từ khi công ty rời khỏi địa bàn đến nay thì không đòi được. Mỗi lần giao vật liệu, thanh toán tiền tui đều ghi và ký vào sổ sách hết. Nghĩ là một công ty lớn, mình tin tưởng, ai dè…”.
Theo chị Thủy, mỗi lần người dân phát hiện người của công ty trở lại địa phương đều chặn xe, cố gắng đòi tiền nhưng đều bị những người này khước từ không trả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có vài chục hộ dân ở một số địa phương nằm gần khu vực dự án bị công ty này nợ tiền. Trong đó, có cả công nhân lẫn nhà thầu nhỏ tại địa phương, bị “xù” nợ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Như anh Trần Thanh Việt (Nam Thượng, xã Phú Thượng) chở đá phục vụ xây dựng công trình cũng bị công ty nợ 150 triệu đồng chưa đòi được. Anh Đào Trọng Cường (thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An), nhận đóng cọc pha cho công trình cũng bị công ty này nợ 48 triệu đồng. Hoàn cảnh hơn, như anh Nguyễn Văn Dàng (thôn Hòa Duân), làm thợ nề xây dựng tại công trình từ năm 2012 và đứng ra gọi thêm các anh em làm, cũng bị nợ số tiền 48 triệu đồng. “Tui phải vay anh em bà con mỗi nhà từ 3-5 triệu đồng để trả cho nhóm thợ. Trong khi tiền của công ty thì mình không đòi được. Không biết giờ họ đi đâu mà đòi” - anh Dàng nói như mếu.
Chờ xử lý
|
Người dân xã Phú Thuận phản ánh việc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam nợ tiền người lao động (trong ảnh ông Trần Văn Duế và anh Nguyễn Văn Dàng)
|
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, khi dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế ngưng hoạt động, chủ đầu tư rời đi không chỉ nợ tiền nhân công, vật liệu xây dựng của hàng chục người dân trên địa bàn mà còn làm cho cuộc sống của 64 hộ dân ở thôn Hòa Duân nằm trong diện giải tỏa gặp khó khăn trong việc sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống, do dự án chưa chi trả được vì chưa có quỹ đất tái định cư. “Đến nay, địa phương vẫn chưa nhận được bất cứ một đơn thư của người dân trên địa bàn phản ánh về việc phía chủ đầu tư nợ tiền của họ. Người dân nên có phản ánh với chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan để khi làm việc với đại điện chủ đầu tư, có sơ sở xử lý vụ việc, đảm bảo quyền lợi của người lao động.”- ông Tùy nói.
Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, hiện dự án này vẫn đang tiếp tục được triển khai, Sở đang đề nghị phía chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Công nghệ Việt Nam làm báo cáo lại tiến độ và các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, vừa rồi có một số vướng mắc, liên quan đến số liệu của một số sở ngành, UBND tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng và UBND huyện Phú Vang, yêu cầu phía công ty có cam kết, làm lại đảm bảo tiến độ nếu không sẽ thu hồi. Tinh thần của phía chủ đầu tư là sẽ tiếp tục thực hiện dự án này. “Đến thời điểm này, Sở vẫn chưa nhận được thông tin chủ đầu tư nợ tiền hàng loạt người dân ở địa phương khi triển khai dự án. Vì thế, sắp đến chính quyền địa phương nên hướng dẫn người dân gửi đơn thư phản ánh về cho các ban ngành liên quan để trong quá trình làm việc với nhà đầu tư, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương có cơ sở yêu cầu họ xử lý những vấn đề đó” - ông Định nói.