ClockThứ Tư, 28/12/2022 15:19

Đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh trà Huế

TTH.VN - Đáp ứng mong muốn của người trồng và người tiêu dùng cũng như khẳng định tính đặc hữu của sản phẩm đặc trưng riêng của Huế, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý "Thanh trà Huế" là cần thiết.

Gỡ “nút thắt” trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản tại nước ngoàiXây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng maiNghiên cứu phát triển chỉ dẫn địa lý cho thanh trà HuếMùa thanh trà xứ Huế

Thanh trà ở Huế sẽ được nâng tầm giá trị một khi được xây dựng chỉ dẫn địa lý

Đó là mục tiêu được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội thảo "Cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm thanh trà của tỉnh" do Viện Thổ nhưỡng Nông hóa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 28/12.

Nâng tầm sản phẩm

Hiện nay, tổng diện tích trồng giống bưởi thanh trà trên toàn tỉnh khoảng 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các vùng phù sa ven sông, nhất là ven sông Hương (chiếm 48,5%), sông Bồ (khoảng 28%), sông Ô Lâu (khoảng 18%), sông Truồi (khoảng 2,6%) và rải rác ở một số nơi khác.

Những năm qua, thanh trà đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của hàng ngàn hộ nông dân ở Thừa Thiên Huế. Nhiều người trồng thanh trà cho biết, trái thanh trà hiện nay được giá nhiều lần so với trước đây, với giá bán tăng dần qua các năm, từ 5.000 đồng/trái năm 2008, những năm sau tăng dần lên 20.000 - 30.000 đồng/trái, thậm chí có những trái bán được giá 40.000 đồng. Nhờ đó, 1 ha trồng thanh trà cho thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm, cao gấp 5-7 lần so với các loại cây ăn quả khác.

Ngoài giá trị về mặt kinh tế, thanh trà còn có những giá trị khác đối với đời sống con người, nhất là người dân Thừa Thiên Huế như: giá trị dinh dưỡng, giá trị về mặt y học, giá trị công nghiệp, giá trị kinh tế - xã hội - môi trường.

Nhận thức được giá trị nổi bật của thanh trà xứ Huế, từ năm 2005, phường Thủy Biều (TP. Huế) đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho loại trái cây đặc sản này. Sau 4 năm kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng, đến năm 2009, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ KH&CN đã chính thức cấp nhãn hiệu "Thanh trà Thủy Biều Huế" do HTX Nông nghiệp Thủy Biều là đơn vị chủ trì, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể "Thanh trà Huế". Từ đó, thanh trà Huế đã trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế rất cao.

Đặc biệt, năm 2014, thanh trà Huế đã lọt vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam. Từ đây, sản phẩm thanh trà đã được tiêu thụ ở các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang... Ngoài ra còn được tiêu thụ rất tốt ở hệ thống các siêu thị như CoopMart, Go! Fivimart và đang được bán ở 14 đại lý, siêu thị ở các tỉnh, thành phố lớn.

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, thanh trà Huế đã được xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhưng để nâng tầm thương hiệu, giá trị sản phẩm lên cao hơn, quy mô rộng hơn, việc xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm quả thanh trà của tỉnh là xu hướng tất yếu. Khi chỉ dẫn địa lý sản phẩm quả thanh trà Huế được bảo hộ sẽ kéo theo nhiều lợi thế, hiệu quả đem lại cho địa phương, nhà quản lý và ngay chính người trồng.

Thanh trà của tỉnh được đưa đi tiêu thụ ở nhiều thị trường lớn với giá trị ngày càng tăng

Xác định danh tiếng cho thanh trà Huế

Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững bưởi thanh trà, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 159 về việc phát triển vùng nguyên liệu bưởi thanh trà đến năm 2025. Với mục tiêu mở rộng diện tích vùng gieo trồng đến năm 2025 là hơn 1.058 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm khoảng 880 ha, năng suất đạt 17 - 18 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 10.900 - 11.500 tấn quả/năm. Theo đó, các địa phương trong vùng tập trung ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi thanh trà, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân nhằm hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất...

Để xác định được cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm quả thanh trà của tỉnh, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tiến hành xác định đặc thù về tính chất, chất lượng của quả bưởi thanh trà trên địa bàn tỉnh. Xác định được các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, con người vùng lãnh thổ có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng quả thanh trà. Xác định được vùng đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Huế" trên địa bàn tỉnh. Xây dựng bản đồ vùng tương ứng với chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm quả thanh trà của tỉnh.

Nên quy hoạch diện tích xây dựng chỉ dẫn địa lý theo hướng "tinh" để nâng tầm chất lượng trái thanh trà ra thị trường

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho rằng, cần xác định tên gọi là "thanh trà" hay "bưởi thanh trà" để không bị "lấn cấn" với tên gọi của những vùng miền khác, qua đó xác định được danh tính đặc trưng của sản phẩm thanh trà Huế. Cũng theo ông Khoa, dự án cần phân tích về các chỉ tiêu tinh dầu có trong vỏ thanh trà như thế nào và khác với bưởi hay các sản phẩm có múi khác, cũng như cần xác định rõ thêm một số phương pháp trị bệnh trên thanh trà để giúp bà con phòng chống, trị các bệnh liên quan cho loại cây này.

Theo ông Nguyễn Cửu Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy), mấy năm nay, địa phương đang rất loay hoay với việc xây dựng thương hiệu thanh trà cho địa phương, mặc dù sản phẩm thanh trà Dương Hòa được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Vì thế, nếu đăng ký được chỉ dẫn địa lý thanh trà Huế sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng. Ông Tuấn cũng đồng quan điểm với một số ý kiến là nên sử dụng tên gọi "bưởi thanh trà" để xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Có kinh nghiệm hơn 40 năm trồng thanh trà, ông Nguyễn Văn Lịch, Giám đốc HTX Thanh trà Phong Thu (Phong Điền) chia sẻ tại hội thảo, trồng thanh trà để cho ra quả ngon, chất lượng không phải dễ. Vì thanh trà rất khó trồng, khó chăm sóc, dễ sâu bệnh và phụ thuộc vào "thiên thời", "địa lợi". Ngoài ra, người trồng còn rất vất vả khi phải "cam" việc đăng ký, duy trì và phát huy nhãn hiệu thanh trà sao cho hiệu quả. Ông Lịch cũng thẳng thắn đề xuất không nên đưa vào diện tích quy hoạch chỉ dẫn địa lý quá nhiều, mà cần tập trung đầu tư về "chất" để giữ được giá trị, thương hiệu trái thanh trà ngon, ngọt, thanh khi ra thị trường.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nuôi lớn” nhãn hiệu tập thể

Toàn tỉnh hiện có 72 văn bằng chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể (NHTT) được cấp cho các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là con số không nhỏ, khẳng định sự phong phú, chất lượng cũng như tiềm lực phát triển các thương hiệu sản phẩm của Thừa Thiên Huế trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm sau khi có bằng chứng nhận để phát triển tài sản trí tuệ mang tính tập thể này.

“Nuôi lớn” nhãn hiệu tập thể
Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hoàng mai Huế"

Sáng 2/2, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam tổ chức công bố ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế và tập huấn về các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế
Cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho Hoàng mai Huế

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoàng mai Huế lần II - 2024, ngày 1/2, đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho Hoàng mai Huế

TIN MỚI

Return to top