ClockThứ Bảy, 30/12/2023 07:11

Đất cằn tỏa tinh hương

TTH - Được ví là nơi "khô cằn sỏi đá", người dân vùng gò đồi Phong Sơn - Phong Xuân - Phong Mỹ ở phía tây huyện Phong Điền từng bán tín bán nghi khi một doanh nhân đem hàng chục tỷ đồng về quê xây nhà máy sản xuất tinh dầu dược liệu. Và giờ họ đã tin, đã vui khi đón làn "gió đồng ngát hương" của mùi dược liệu.

Ngăn chặn nạn khai thác ồ ạt tràm tự nhiên

Vườn dược liệu bạc hà 

Khai mở kho vàng dược liệu

Trương Như Mùi sau nhiều năm lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh dành dụm được mấy chục tỷ đồng, anh "ôm" về Huế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tinh dầu. Là người con vùng đất bán sơn địa Phong Sơn, huyện Phong Điền, với tình yêu và mong muốn được gắn bó, cống hiến cho quê hương, anh Mùi đã chọn thôn Công Thành, xã Phong Sơn để mở nhà máy, lập công ty với tên Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công Thành và giữ cương vị Tổng Giám đốc. Tham vọng của anh khi quay về Huế là xây dựng được mô hình khép kín từ nuôi, trồng dược liệu đến sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu.

Qua hơn 4 năm từ ngày đầu tư nhà máy sản xuất tinh dầu tại thôn Công Thành, công ty do anh làm chủ từng bước lớn mạnh nhờ ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế với nhãn hiệu NEO.

Nhớ lại thời gian đầu hoạt động, do chưa chủ động nguồn nguyên liệu nên công suất sản xuất còn cầm chừng. Có lúc đơn hàng cần thì các nồi chưng cất không thể "mở điện" vì thiếu nguyên liệu. Cứ tưởng chỉ cần đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô, công nghệ hiện đại với hệ thống chưng cất, chiết xuất tinh dầu "đóng", không bị ô xy hóa... là sẽ có được sản phẩm như mong muốn, nhưng những người trong cuộc đã nhầm. Sau quá trình tìm hiểu, tính toán, nếu với sản lượng tinh dầu dược liệu bình quân hàng năm ở Phong Điền khoảng 12 nghìn lít, mà diện tích vùng nguyên liệu chỉ 183ha thì sẽ không đủ để cung cấp cho các cơ sở hoạt động thường xuyên, trong đó có đơn vị Công Thành.

Một nghịch lý nữa mà đơn vị nhận thấy nhưng dễ khắc phục là tiềm năng phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu ở Phong Sơn, Phong Xuân còn rất lớn, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng với một số cây dược liệu. Thế là ban lãnh đạo công ty bàn đến chuyện thuê đất và hợp tác với người dân trong vùng để trồng một số loài dược liệu như tràm gió, bạc hà, sả. Cách làm của Công Thành khác với các hộ sản xuất nhỏ lẻ truyền thống là đầu tư hệ thống sản xuất quy mô, bài bản và khoa học để tăng hiệu suất vượt trội trên diện tích canh tác. Rồi lần lượt nhiều diện tích bạc hà, sả... trồng theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp với truy xuất nguồn gốc phân lô sản xuất được hình thành và mở rộng.

Đóng gói thành phẩm tinh dầu được chiết xuất 100% từ dược liệu tự nhiên 

Tiên phong đón đầu xu hướng

Không dừng lại ở nguồn nguyên liệu, sản phẩm tinh dầu dược liệu đơn thuần, công ty đã tham gia vào dự án KH&CN cấp bộ với đề tài "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng và sơ chế dược liệu cà gai leo và sa nhân tím tại Thừa Thiên Huế" giai đoạn 2023 - 2025. Qua tiếp nhận 5 quy trình công nghệ từ Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Bắc Trung Bộ, công ty triển khai dự án tại huyện Phong Điền với việc nhân giống cây dược liệu cà gai leo để cung cấp 1 triệu cây giống/năm; trồng thương phẩm cây cà gai leo 10ha/2 năm theo tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) cho năng suất 1 tấn dược liệu khô/ha và trồng thương phẩm cây sa nhân tím 10ha/3 năm cho năng suất 0,25 tấn dược liệu khô/ha. Từ nguồn nguyên liệu có được cộng thêm đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở am hiểu sâu và thực hành thành thạo các kỹ thuật nhân giống, trồng và thu hoạch, công ty tiến hành sơ chế dược liệu cà gai leo và sa nhân tím với công suất 500 - 1.000kg/ngày để cho ra các sản phẩm cao cà gai leo, trà túi lọc cà gai leo và sa nhân tím sấy thô cung cấp cho các công ty hóa dược phẩm.

Cùng với cà gai leo và sa nhân tím, công ty dự kiến phát triển diện tích lên hơn 270km2 ở các vùng gò đồi Phong Sơn (hơn 115km2) và Phong Xuân (hơn 156km2) để gây trồng thêm ba kích tím, sâm cau, đinh lăng, tía tô, tràm Huế, quế, bạc hà, sả Java…

Từ ứng dụng những tiến bộ KHCN vào trồng và sản xuất, đến nay công ty đã cho ra thị trường các sản phẩm tinh dầu thiên nhiên, các loại cao cà gai leo, sa nhân tím và các loại nước rửa chén, nước lau sàn… với chất lượng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam.

Đưa dược liệu Huế lên "bản đồ thế giới"

Một cán bộ Sở KH&CN tiết lộ, tinh dầu tràm Huế và một số sản phẩm dược liệu của tỉnh đang nằm trong tầm ngắm nâng cấp lên sản phẩm chủ lực quốc gia. Nếu theo dự liệu này, quả rằng ngành dược liệu sẽ "lên ngôi" và thành hàng "hot". Nhưng để tránh tình trạng chạy theo "trào lưu", thiếu bền vững, có nguy cơ "chết yểu", trong chiến lược phát triển ngành dược liệu, tỉnh cũng rất kỹ lưỡng khi đặt ra yêu cầu và nhiều giải pháp để làm sao phải chủ động vùng nguyên liệu và phát triển các sản phẩm dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa.

Theo xu hướng, chiến lược này, nhiều địa phương trong đó có huyện Phong Điền cũng đang bắt nhịp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống và phát triển ngành nghề dược liệu tại địa phương. Diện tích cây dược liệu trên đất Phong Điền hiện có khoảng 183ha, gồm: tràm gió, sả, nghệ, atiso..., phân bố ở vùng cát nội đồng các xã Phong Hòa, Điền Hương, Phong Chương, Phong Hiền và vùng gò đồi các xã Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ. Diện tích dược liệu sẽ được địa phương quy hoạch mở rộng tăng lên vì ngoài trồng cây lương thực, thực phẩm, cây lâm nghiệp..., trồng cây dược liệu đem lại kinh tế khá cao. Bình quân 1ha cây dược liệu cho thu nhập từ 100 - 130 triệu đồng/năm trở lên, cao hơn rất nhiều lần so với cây trồng khác. Cây dược liệu cũng tạo ra thu nhập cho người lao động, từ 40 - 50,5 triệu đồng/người/năm.

Chị Hoàng Thị Ngọc Lý, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư phát triển Công Thành chia sẻ thêm, sở dĩ Công Thành chọn Phong Sơn để xây dựng nhà máy chiết xuất, sơ chế và trưng bày sản phẩm dược liệu là vì muốn có sự song hành, thấu hiểu của người dân bản địa trong hành trình phát triển bền vững thương hiệu dược liệu NEO. May mắn từ khi công ty đưa về trồng những loại cây dược liệu mới đã giúp tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, tô vẽ thêm bức tranh cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Phong Sơn nói riêng và huyện Phong Điền nói chung. Công ty vẫn sẽ liên kết cao hơn về tài chính, công nghệ và thị trường, xây dựng đội ngũ quản lý, kinh doanh và chuyên gia giỏi.

"Đón được một nhà đầu tư đầy tâm huyết, tiên phong ứng dụng các thành tựu công nghệ mới vào sản xuất dược liệu như Công ty Công Thành là điều đáng ngưỡng mộ cho ngành dược liệu của tỉnh. Đây còn là "bầu sữa" tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn là chất lượng, đa dạng của sản phẩm dược liệu NEO sẽ góp phần hạn chế dược liệu bẩn, không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, giúp chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân", Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng tâm đắc.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Thi đua sản xuất giỏi

Trên địa bàn tỉnh hiện có 60 Câu lạc bộ (CLB) Nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD), với tổng số khoảng 700 thành viên. Các CLB được thành lập đã góp phần tạo không khí thi đua sôi nổi, thúc đẩy sản xuất, giúp hội viên, nông dân (HVND) vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Thi đua sản xuất giỏi
Gam sáng trong sản xuất công nghiệp

Nhiều dự án công nghiệp (CN) trọng điểm đi vào hoạt động, cùng với đó là tín hiệu khởi sắc từ các ngành CN truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy sự đóng góp rất tích cực của ngành CN vào sự tăng trưởng chung.

Gam sáng trong sản xuất công nghiệp
PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

TIN MỚI

Return to top