ClockThứ Ba, 15/02/2022 13:30

Đầu tư khai thác vùng biển lộng: Chưa tương xứng tiềm năng

TTH - Hải sản vùng lộng đang có xu hướng ngày càng phục hồi nhưng còn thiếu đa dạng nghề khai thác nên hiệu quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Vững chãi biên cươngHồi sinh vùng lộng“Nuôi” cá giữa biển

Ngư dân Phú Vang trúng ghẹ đầu năm

Sau các đợt không khí lạnh và nghỉ tết, mấy ngày qua một số thuyền bãi ngang bắt đầu xông biển đầu năm bằng những chuyến biển đánh bắt hải sản vùng lộng. Dù chưa là thời điểm vụ mùa khai thác hải sản, lượng hải sản đánh bắt được còn khiêm tốn nhưng đây được xem là lộc biển đầu năm, hy vọng một năm bội thu.

Lão ngư Trần Được ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền) bày tỏ, những chuyến xông biển đầu năm, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, một vụ mùa bội thu là cần thiết đối với ngư dân vùng biển. Khác hẳn với thời trước, những năm gần đây, ngư dân xông biển đầu năm chưa thật sự khí thế. Nghề biển vùng lộng đang phục hồi nhưng chưa đạt tới “ngưỡng” như cách đây vài chục năm.

Ông Được kể, hồi trước nghề biển đa dạng lắm. Mùa nào nghề đó, thậm chí có mùa có đến nhiều nghề. Ngư dân suốt ngày bám biển. Buổi sáng đánh bắt cá nục, chiều tối cá trích, cá cơm, buổi tối câu mực… Hết mùa cá này, ngư dân có sẵn nghề chuyển sang khai thác cá khác. Mực ở vùng lộng cũng dồi dào, nhiều đêm ngư dân câu hàng chục kg đến cả tạ.

Cách bờ chừng vài hải lý, ngư dân vùng biển Ngũ Điền, Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền)… còn có nghề “tre lói”. Những hòn “lói” nặng vài tạ nằm ở độ sâu hàng chục mét, níu giữ những gốc tre, giữ cho thân tre thẳng đứng trên mặt biển. “Lói” được kết bằng rơm, tàu lá chuối làm tổ, nhữ tôm, cá về trú ngụ, sinh sôi. Trừ mùa biển động, hầu như ngày nào ngư dân cũng đánh bắt đủ các loại cá bằng nghề này.

Nghề “lói” hay các nghề khai thác biển khác, ngư dân đều phải thức khuya dậy sớm, vất vả mới có được những chuyến biển đầy ắp cá, ổn định cuộc sống và nuôi con ăn học. Cũng vì quá vất vả mà một thời nhiều như dân Phong Hải và một số nơi bỏ nghề biển, thậm chí cả nghề “lói” được xem là linh hồn của nghề khai thác vùng lộng, chuyển sang nuôi tôm trên cát, một bộ phận nuôi thuê.

Nghề nuôi tôm chân trắng trên cát cũng không phải dễ, ngư dân không đủ năng lực, trình độ kỹ thuật nên nhiều vụ thất bại, thua lỗ. Được sự vận động, định hướng của chính quyền địa phương, nhiều ngư dân quay lại nghề biển. Người dân mua sắm thuyền công suất lớn, lưới cụ quy mô hơn, kết hợp một số nghề câu cá, mực, bủa khuyết…

Tuy nhiên, so với cách đây vài chục năm trước, các nghề khai thác gần bờ còn thiếu đa dạng rất nhiều. Ngư dân cũng chưa mạnh dạn vươn khơi cách bờ hàng chục hải lý như trước. Các nghề một thời nổi tiếng như “lưới thanh ba”, lưới cá thiều, nghề “lói”… ở Ngũ Điền, hay Quảng Công, Quảng Ngạn hiện nay hầu như không còn. Những mẻ lưới cá tho, thiều, chủa, thu, cam… có giá trị kinh tế nay vắng hẳn.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu khẳng định, nguồn lợi hải sản vùng lộng đang có xu hướng phục hồi. Mấy năm gần đây, ngư dân liên tục được mùa cá trích, nục, cơm, cá khoai, rò, khuyết. Một số loài có giá trị kinh tế như cam, thu, chủa, thiều… bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện trở lại. Tuy nhiên các loài cá này thường di chuyển, trú ngụ ở vùng biển khơi. Trong khi đó, ngư dân chưa khôi phục nghề này, lại thiếu mạnh dạn vươn khơi.

Từ những ngày sau tết, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động và hướng dẫn ngư dân đầu tư khôi phục một số nghề chính, mua sắm, đa dạng hóa các loại ngư lưới cụ, mạnh dạn vươn khơi, bám biển. Với những hộ có nhu cầu đầu tư mua sắm ngư cụ nhưng thiếu khả năng, hoặc không có điều kiện về vốn sẽ được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn từ các nguồn quỹ, kênh hội, đoàn thể, ngân hàng chính sách.

Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, ông Nguyễn Đăng Phúc chia sẻ, địa phương có hai thôn 10, 11, phần lớn người dân dựa vào nghề khai thác biển, chế biến mắm, nước mắm. Nghề biển cũng là một hướng phát triển kinh tế của địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích và hỗ trợ ngư dân đầu tư đa dạng trang thiết bị, lưới cụ hiện đại để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, hỗ trợ chỉ là một phần nhỏ, điều quan trọng là vận động ngư dân chủ động, mạnh dạn đầu tư nghề biển để ổn cuộc sống.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Trương Văn Giang đánh giá, thời gian gần đây, nguồn lợi thủy sản gần bờ từng bước phục hồi, nghề đánh bắt vùng lộng tương đối hiệu quả nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài các địa phương ở Phú Vang, Phú Lộc có sự đầu tư khá bài bản, đa dạng nghề, còn lại phần lớn ngư dân vùng Ngũ Điền, Quảng Điền chưa có sự đầu tư thỏa đáng cho nghề đánh bắt gần bờ. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tiếp tục có sự định hướng, vận động ngư dân đa dạng nghề, mạnh dạn vươn khơi. Đồng thời, nghiên cứu các biện pháp, đề xuất các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nghề đánh bắt hải sản gần bờ tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 1.900 chiếc thuyền, gọ hoạt động khai thác vùng biển lộng, trong đó tập trung ở các vùng bãi ngang từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc. Có khoảng 6.000-7.000 lao động trực tiếp nghề khai thác biển gần bờ. Một lượng lớn hải sản vùng lộng như cá trích, nục, cơm… phục vụ ngành nghề chế biến mắm, nước mắm, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế

Để đảm bảo Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế được thực hiện đầy đủ các hạng mục theo quy mô đầu tư được duyệt, hoàn thành tất cả mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn vay, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư DA với thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2025.

Cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải thiện môi trường nước TP Huế
Đột phá công nghệ mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 13/12 công bố báo cáo “Tương lai của năng lượng địa nhiệt” cho hay, trong bối cảnh nhu cầu điện toàn cầu dự kiến tăng mạnh, các công nghệ mới đang mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt để cung cấp năng lượng sạch 24/7 tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Đột phá công nghệ mở ra tiềm năng to lớn của năng lượng địa nhiệt
Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1: Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”

Huế được mệnh danh là “Thành phố vườn” với gần 100 nhà vườn, nhà rường cổ (gọi chung là nhà vườn Huế). Mỗi ngôi nhà vườn như một “Bảo tàng sống” chứa đựng những giá trị về văn hóa và đời sống lễ nghi, hương vị ẩm thực và phong cách ứng xử của người dân. Phát triển du lịch gắn với trùng tu và chống xuống cấp là giải pháp tối ưu nhằm giữ lại nhà vườn, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy giá trị di sản Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mở cửa cho các “Bảo tàng sống” của Huế - Kỳ 1 Nhà vườn Huế vẫn “kín cổng cao tường”
Return to top