ClockThứ Năm, 12/11/2015 11:19

Đẩy mạnh ngầm hóa

TTH - Thời gian qua, Huế đã triển khai nhiều dự án chỉnh trang đô thị, nhưng hình ảnh các loại dây cáp viễn thông, dây thuê bao cùng “ôm” nhau trên một cột điện, hay các con đường, giăng đầy “tơ” vẫn hiện hữu, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
“Mạng nhện” chằng chịt sà xuống đường, gây nguy hiểm cho người đi đường (ảnh chụp ở ngã 3 Lương Văn Can - Duy Tân)

Mặc dù các ngành chức năng và các đơn vị liên quan đã nỗ lực bó gọn hàng loạt các “mạng nhện”, nhưng xem ra các biện pháp này vẫn chỉ như “muối bỏ bể” bởi nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, truyền hình của người dân ngày càng tăng cao.

Bủa vây mọi tuyến đường

Có thể liệt kê hàng loạt con đường vẫn tồn tại những cột điện nặng trĩu các loại dây cáp viễn thông, truyền hình, dây thuê bao... như Đặng Huy Trứ, Duy Tân, Nguyễn Trãi, Nhật Lệ... Bác Nguyễn Văn Hòa, ở đường Hàm Nghi bức xúc chỉ cho chúng tôi xem những đoạn dây cáp, dây thuê bao bị đứt lơ lửng ngay trên đầu người đi đường: “Chỉ một đoạn đường ngắn thôi mà có đến 2 sợi dây thòng xuống, chưa kể các loại dây khác được móc nối chằng chịt và mất trật tự ở khắp các trụ điện”.

Ngay cả những tuyến đường chính như Phan Chu Trinh, Trần Phú, Phan Bội Châu và các tuyến đường mới được sửa chữa, nâng cấp, khang trang như: Lý Thường Kiệt, Đống Đa, Điện Biên Phủ, tình trạng này cũng đang tái diễn. Nhiều loại cáp được treo, mắc rất cẩu thả nên thường xảy ra tình trạng dây bị đứt hoặc bung ra ngoài, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và những hộ dân sống xung quanh. Thậm chí, khi cột điện không còn đủ chỗ để treo cáp, các doanh nghiệp đã “phát minh” ra nhiều kiểu như vắt cáp lên cành cây hay “mạnh dạn” hạ cáp từ trên trụ điện xuống rải dọc lề đường, gây bức xúc cho người dân.

Nhiều nơi, người dân đành đưa “tơ nhện” lên cao bằng cách sử dụng những cây sào dài để chống chứ không biết kêu ai. Một số nơi khác, bà con phải buộc vải vào những đầu dây bị đứt chứ không ai dám cắt hay tháo dỡ vì không biết đó là dây điện hay cáp viễn thông.

Một đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, vì có nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cùng treo chung một chỗ, nên rất khó xác định được của “nhà” nào, khiến cho việc phối hợp phân loại, bó gọn và tháo dỡ cáp vô chủ gặp nhiều khó khăn.

Chờ quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động

“Tổ nhện” ôm cột điện

Hạ tầng cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu do 3 DN cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và Internet, gồm: Viễn thông (VNPT) Thừa Thiên Huế, Viettel Chi nhánh Huế và Chi nhánh Viễn thông FPT và 2 DN cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) và Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam- VTVcab) xây dựng và quản lý. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 147/665 tuyến đường có hạ tầng cột treo cáp (chiếm 22%) và 331/665 tuyến đường có hạ tầng cống bể cáp (chiếm 50%).

Tuy nhiên, việc ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi tại các khu vực vẫn còn nhiều bất cập. Cùng một tuyến đường nhưng có đoạn cáp đi ngầm, có đoạn cáp treo; có đoạn cáp ngầm 1 bên, có đoạn cáp ngầm 2 bên đường... Hạ tầng cống bể cáp tại một số khu vực, một số tuyến trong tình trạng không sử dụng được (tuyến cáp chết, hạ tầng cống bể nằm dưới lòng đường, nằm dưới các công trình xây dựng... không còn khả năng cải tạo, sửa chữa). Ngoài ra, hầu hết dung lượng cáp ngầm của các tuyến đường, phố chính, khu vực tập trung đông dân cư... đều đã được sử dụng hết.

Thực tế, sau khi hoàn thành việc sắp xếp, cải tạo dây thuê bao tại 72 tuyến đường trên địa bàn (giai đoạn 2013-2014) theo QĐ 1968 về quy định tạm thời treo dây thuê bao trên cột tại TP Huế, trung tâm thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh và KH 37 của UBND tỉnh về thực hiện sắp xếp dây thuê bao treo trên cột; một thời gian sau, tình trạng lộn xộn đâu lại vào đấy. Nguyên nhân chính do nhu cầu của người dân rất lớn, lợi ích của DN cao dẫn đến DN bất chấp các quy định, quyết định của UBND tỉnh. Ngoài VNPT tuân thủ khá tốt các quy định của tỉnh các DN còn lại treo không đúng quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn đã ban hành.

Theo Phó Giám đốc Kỹ thuật Viettel Chi nhánh Huế Nguyễn Văn Vũ: Việc ngầm hóa cáp viễn thông theo chủ trương của UBND tỉnh, các DN đều phải thực hiện. Tuy nhiên, vì kinh phí rất lớn, nên trước mắt, chúng tôi có kế hoạch thực hiện từng giai đoạn. Cụ thể, bên cạnh một số tuyến đường trọng điểm của thành phố đơn vị hiện sử dụng chung hạ tầng với DN viễn thông khác, Viettel đã hoàn thành việc bó dây thuê bao tại 40 tuyến phố chính. Triển khai việc cải tạo, sắp xếp dây thuê bao các tuyến đường đúng quy định theo công nghệ quang GPON; đồng thời, Viettel cũng đã khảo sát, lập dự toán thiết kế ngầm hóa ở 3 tuyến Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An và Võ Thị Sáu...

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết: “Trong lúc chờ Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động- là công cụ quản lý các DN viễn thông được ban hành, Sở TT&TT hiện đang thực hiện kế hoạch sắp xếp dây thuê bao theo mô hình những tuyến đường không dây (từ diện rộng sang diện hẹp). Trước mắt, đối với những tuyến đường tập trung nâng cấp đã được thông báo, các DN phải có trách nhiệm thu hồi và phải đi ngầm toàn bộ các tuyến cáp của mình. Sở cũng yêu cầu Viettel sắp xếp lại dây thuê bao từ trạm BTS ra thay bằng công nghệ GPON để giảm thiểu lượng dây thuê bao trên đường phố. Nếu DN nào vi phạm, sẽ tiếp tục xử lý và khi quy hoạch được ban hành thì các chế tài sẽ mạnh mẽ hơn”.

Liên Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô

Huế sở hữu những con đường xanh và nhiều “công viên xanh”. Điều này khiến du khách gần xa mỗi khi đến Huế điều có cảm giác thư thái, dễ chịu, tận hưởng không gian xanh mát giữa lòng thành phố, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng oi bức.

Những con đường xanh mát giữa lòng Cố đô
Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo mới đô thị Huế
“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn
Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững

Các dự án (DA) nâng cấp hậu cần nghề cá, chỉnh trị cửa biển đã và đang triển khai góp phần quan trọng vào giảm thiểu bồi lắng, xâm thực cửa biển, đảm bảo giao thông đường thủy, nâng cao hiệu suất khai thác của cảng cá và khu neo đậu, tránh trú bão ở các địa phương.

Nâng cấp hậu cần nghề cá, phát triển ngành thủy sản bền vững
Return to top