Không phải là tuyên bố suông
Sau khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký Quyết định 3610a/QĐ-BCT về việc sẽ cắt giảm khoảng 675 điều kiện kinh doanh thuộc ngành Công Thương, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá đây là sự tiên phong, nhưng việc thực hiện loại bỏ giấy phép con sẽ còn rất khó khăn.
Đừng để “giấy phép con” làm khó doanh nghiệp. Ảnh minh họa: KT
Thực ra, không dễ để có được tin tốt này từ Bộ Công Thương, khi các kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương thường là nóng nhất, bị kêu ca nhiều nhất và cũng thuộc diện lâu phản hồi nhất.
Nhớ lại hồi tháng 6/2016, khoảng 20 doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng phải tụ họp nhau, tìm đến luật sư, để cùng kiến nghị sửa đổi các điều kiện kinh doanh vô lý của Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 về kinh doanh khí. Sau đó 1 năm, vẫn nhóm doanh nghiệp này, vẫn những kiến nghị cũ và trong tờ trình Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí, Bộ Công Thương thừa nhận, các quy định điều kiện về sở hữu bồn chứa khí, chai LPG là quá lớn và đã có phương án thay đổi, nhưng nhiều doanh nghiệp đã không đủ nguồn lực để chờ đợi, buộc phải “đứt gánh giữa đường”.
Viện trưởng CIEM chia sẻ sự tin tưởng vào kế hoạch mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã công bố vì nó có mục tiêu và phương án rõ ràng. “Đây không phải là lời tuyên bố suông vì có cơ sở để doanh nghiệp, truyền thông và cả xã hội giám sát”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Phải thừa nhận, điểm mạnh nhất trong Quyết định 3610a/QĐ-BCT không phải là các con số kỳ vọng mà là những nguyên tắc thực thi. Trong đó, đơn cử: chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh; việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính... Đặc biệt, các lĩnh vực nóng đều được điểm mặt, chỉ tên như các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực xăng dầu; khí; thực phẩm; điện; nhượng quyền thương mại; logistic...
Lợi ích cho doanh nghiệp, hãy chờ thực tiễn trả lời
Sau Bộ Công Thương cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Y tế cũng được nhắc đến với những cam kết gỡ bỏ một loạt quy định liên quan đến an toàn thực phẩm.
Đó là, với 5 nhóm mặt hàng phải kiểm tra an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp chỉ cần 3 lần kiểm tra liên tục được chấp nhận, thì từ lần thứ tư sẽ không phải kiểm tra nữa. Về thủ tục xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm, công bố hợp quy theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cam kết sửa đổi Nghị định này theo hướng cho doanh nghiệp tự công bố, không cần xác nhận của cơ quan nhà nước nữa.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, với các kế hoạch này, sẽ giảm được tới 90% số lượng hàng hóa phải kiểm tra.
Nhưng chính yếu tố buộc lòng này đang đánh đố lòng tin của cộng đồng kinh doanh với các cam kết của Bộ Y tế.
Ngay cuộc làm việc với giữa Bộ Y tế và doanh nghiệp về Dự thảo sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản (VASEP) cũng đã bình luận không thể nói trước điều gì nếu không nhìn thấy các cam kết này trong những điều khoản cụ thể.
Ông Nam cho biết, trên thực tế, doanh nghiệp bị yêu cầu bổ sung rất nhiều thông tin chẳng hề liên quan gì tới an toàn thực phẩm khi làm thủ tục, nhưng vẫn buộc phải làm thì mới xong hồ sơ. Nỗi thống khổ của doanh nghiệp là quy trình, thủ tục không rõ ràng, nên sẽ không thể giải quyết được nếu không quy định rõ công chức được quyền làm gì, bị cấm gì, doanh nghiệp được quyền gì. Tốn phí thời gian, công sức và cơ hội là rất lớn, chưa nói đến chi phí bằng tiền.
Vậy nên, sau những động thái ban đầu về dọn dẹp giấy phép con, một điều kiện quan trọng nữa để có thể kỳ vọng nó mang lại hiệu quả trong thực tiễn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đó là trách nhiệm người đứng đầu. Từ người đứng đầu ngành, cơ quan, đơn vị phải thực sự nỗ lực thực thi công vụ minh bạch, không gây phiền hà, không "đẻ" thêm những rào cản mới. Đồng thời, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc giám sát quá trình thực thi đó thì may ra kết quả cải thiện môi trường kinh doanh mới được như kỳ vọng.
Theo VOV