ClockThứ Bảy, 11/09/2021 15:28

Di dân, hạn chế tối đa thiệt hại do bão

TTH.VN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chỉ đạo như vậy trưa 11/9 sau khi có buổi làm việc với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN) tỉnh.

Vừa phòng chống bão số 5 vừa phòng chống dịchBão số 5 cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 230kmĐầu tư sửa chữa, nâng cấp; vận hành an toàn hồ đập trong mưa bãoTriển khai phương án sơ tán dân ứng phó bão số 5Lên phương án sơ tán dân ứng phó bão số 5Bão số 5 giật cấp 12, cách quần đảo Hoàng Sa 220kmBão số 5: Kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn

Theo Ban chỉ huy PCTT& TKCN, dự báo từ chiều đến đêm nay, trên đất liền có gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 7-8; vùng ven biển cấp 7, giật cấp 8- 10, chú ý đề phòng dông, lốc khi bão vào. Từ 11-13/9, tại Thừa Thiên Huế có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa 150- 300mm, có nơi trên 400mm, cần đề phòng ngập úng cục bộ, lũ quét, sạt lở đất. Sau khi nghe báo cáo nhanh tình hình mưa bão và công tác phòng chống lụt bão của các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT& TKCN cấp huyện và các sở, ban, ngành triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 14 ngày 10/9 của UBND tỉnh về triển khai ứng phó với cơn bão số 5, hoàn thành trước 17h ngày 11/9/2021.

Các huyện, thị xã, TP. Huế và Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh tuyên truyền cảnh báo người dân, công nhân viên hạn chế ra đường khi có gió mạnh từ chiều 11/9/2021.

Bí thư Thành uỷ Phan Thiên Định (bìa trái) kiểm tra công tác PCLB, di dời dân cư và kêu gọi tàu thyền tránh trú bão ở các xã ven biển TP. Huế

TP. Huế đã sớm triển khai các biện pháp cấp bách để ứng phó với bão. Trong đó, 36 xã, phường trên địa bàn kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thành lập các đội xung kích, triển khai lực lượng để giúp dân giằng chống nhà cửa, thu hoạch nông sản và thủy sản.

Tại xã Hương Phong, diện tích nuôi trồng thủy sản là 219 ha, đến thời điểm sáng 11/9 đã thu được 80%... Về số lượng tàu cập cảng tránh bão tại phường Thuận An có 57 tàu ngoại tỉnh (316 lao động) được chính quyền địa phương bố trí nơi ăn ở an toàn. Ngoài ra, 337 tàu (1.815 lao động) của Thuận An neo đậu tránh trú bão an toàn. Các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh, TP. Huế là những cơ sở kiên cố và có lực lượng quân đội, công an nên đảm bảo an toàn.

Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và thành phố về phòng chống bão số 5; sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”, phát huy “tự quản tại chỗ”, lưu ý các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương thực hiện đảm bảo phòng, chống dịch COVID- 19 và sơ tán dân an toàn ứng phó bão số 5 (nếu có), đặc biệt là các địa phương đang áp dụng giãn cách, cách ly theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, đồng thời tang cường công tác phòng chống sạt lở ven biển. Đến 16 giờ chiều 11/9 phải hoàn thành di dời dân cư vùng xung yếu ở các địa phương vùng biển và trước 9 giờ sáng mai (12/9) với các phường trung tâm. .

Trước đó, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP, Huế Phan Thiên Định đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão (PCLB) và chủ động ứng phó thiên tai tại các phường, xã ven biển trên địa bàn TP. Huế.

Di dân, kêu gọi tàu thuyền về neo đậu

Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân giằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ

Tại xã Phong Hải, 74 hộ dân với 355 nhân khẩu thuộc hai thôn Hải Thành và Hải Nhuận đã được di dời đến địa điểm an toàn; hoàn tất giằng chống, gia cố 12 nhà ở vùng nguy hiểm; di chuyển 70 thuyền đánh cá của người dân vào neo đậu ở vùng an toàn. Bên cạnh đó, xã cũng đã chuẩn bị 100 thùng mì tôm, 3 tấn gạo, các nhu yếu phẩm khác chuẩn bị cung cấp cho người dân khi bão đổ bộ.

Tại xã Điền Lộc, trong sáng 11/9, các lực lượng chức năng cũng đã giúp người dân giằng chống 33 nhà; di dời 25 ghe thuyền thuộc hai thôn vùng biển Mỹ Hòa, Tân Hội và 96 ghê thuyền lớn nhỏ hoạt động trên sông Ô Lâu vào nơi tránh trú an toàn. Xã cũng tuyên truyền, yêu cầu người dân không tham gia đánh bắt tôm cá ở vùng sông Ô Lâu trong thời gian bão đổ bộ; chuẩn bị 800kg gạo, 100 thùng mì tôm, 200 lít xăng và nhiều vật dụng khác để chống bão.

UBND huyện Phong Điền yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5, thông báo cho các chủ phương tiện ghe thuyền phải chủ động neo đậu ghe thuyền vào các khu neo đậu, âu thuyền để đảm bảo an toàn trước 17h ngày 11/9. Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi bao gồm cả số ghe thuyền các xã ven đầm phá, dọc sông Ô Lâu, sông Bồ...; gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, cơ sở giáo dục, trường học, y tế, các chốt kiểm soát y tế, công sở, các khu công nghiệp… Phong Điền cũng dự trữ 44 tấn gạo, 600 thùng mì tôm, sẵn sàng phân bổ đến các địa phương.

Lực lượng biên phòng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Phú Hải

Chính quyền xã Phú Thuận và xã Phú Hải (huyện Phú Vang) phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, đã kêu gọi, đưa toàn bộ gần 120 tàu và gần 300 ghe, gọ vào nơi neo đậu, trú ẩn an toàn, trước con bão số 5.

Trước đó, ngày 20/8, UBND huyện Phú Vang đã ban hành Kế hoạch sơ tán di dời dân đến nơi an toàn khi có thiên tai xảy ra năm 2021. Theo đó, dự kiến số hộ trên toàn huyện cần phải sơ tán, di dời để đối phó với bão kết hợp với nước dân do bão, lũ lụt là 1.097 hộ; số khẩu cần sơ tán, di dời khẩn là 3.455; số khẩu cần sơ tán tại chỗ (đến nhà hàng xóm kiên cố) là 2.608; số khẩu cần di dời đến các khu vực tập trung là 847.

Địa phương chỉ đạo Công an huyện, Bộ Chỉ huy Quân sự huyện tổ chức lực lượng xung kích sẵn sàng ứng cứu, túc trực thường xuyên ở đơn vị mình để ứng cứu kịp thời, đặc biệt các vùng xung yếu. Thực hiện các biện pháp cưỡng chế, bắt buộc di dời các hộ dân ra khỏi vùng xung yếu, thấp trũng, vùng sạt lở ven sông, ven biển, đầm phá đối với các hộ dân không chấp hành lệnh di dời của tỉnh, huyện, cố tình trì hoãn việc di dời.

Người dân ven biển Quảng Điền giằng chống nhà

Quảng Điền có khoảng 268 chiếc thuyền vùng bãi ngang ven biển (Quảng Công 110 chiếc, Quảng Ngạn 158 chiếc) và hàng trăm ghe đò trên phá Tam Giang đã vào các âu thuyền, bến bãi tránh trú bão an toàn. Các ban ngành, địa phương triển khai phương án ứng phó bão số 5, kết hợp phòng chống dịch COVID-19, nhất là phương án bảo vệ an toàn các khu vực phong tỏa, giãn cách, khu cách ly.

Mỗi xã, thị trấn dự trữ tối thiểu một tấn gạo, 5 ngàn gói mì ăn liền, 100 lít dầu diezel, xăng phục vụ cứu trợ. Cấp huyện cũng có nguồn dự trữ gạo, mì ăn liền cứu trợ cho Nhân dân khi cần thiết. Người dân tranh thủ thu hoạch rau, củ, quả nhằm hạn chế thiệt hại, đồng thời phục vụ lương thực, thực phẩm cho các khu cách ly, vùng giãn cách, phong tỏa do dịch COVID-19.

Đến ngày 11/9, tất cả diện tích sắn trên địa bàn huyện Quảng Điền đã thu hoạch xong, kịp thời trãnh bão, lũ.

Tại A Lưới, tổng số hộ cần di dời là 1.862 hộ/6.664 khẩu, trong đó số hộ, số khẩu cần di dời để đối phó với bão là 331 hộ/1.258 khẩu; số hộ, số khẩu cần di dời để đối phó với lụt 115hộ/435 khẩu; số hộ, số khẩu cần di dời để đối phó với bão kết hợp lũ lụt 650 hộ/2.556 khẩu; số hộ, số khẩu cần di dời để đối phó với lũ quét, sạt lở đất là 766 hộ/2.415 khẩu.

Lực lượng Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân thu hoạch lúa giúp dân trước bão

Nguy cơ sạt lở có thể xảy ra trên tuyến đường Hồ Chí Minh: Sạt lở tại đèo Pê Ke xã Hồng Thuỷ, dốc A Năm xã A Roàng, địa bàn xã Hồng Kim, đoạn giáp xã Hương Phong - Lâm Đớt; nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 49; sạt lở bờ sông Tà Rình qua nhiều xã và sạt lở đất đá tại nhiều xã.

Các ban, ngành, đơn vị chức năng và các địa phương đang lên phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các vùng thấp trũng, ngập úng, ven suối để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Công an huyện, Hạt Quản lý đường bộ, Phòng Kinh tế - Hạ tầng cũng rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông khi có mưa lũ, gió mạnh xảy ra.

Nhằm kịp thời giúp dân, lực lượng biên phòng Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (đóng trên địa bàn huyện A Lưới) thu hoạch lúa “chạy bão” 6 sào lúa trên địa bàn các xã Trung Sơn, Hồng Vân, Hồng Thủy. “Ruộng của những hộ dân này nằm dưới sâu, dễ bị thiệt hại, nên cần sự hỗ trợ, thu hoạch kịp trước lúc cơn bão đổ bộ. Đồng thời đơn vị đã chuẩn bị kỹ các phương án giúp dân như giằng chống nhà cửa, ứng cứu  kịp thời, chuẩn bị sơ tán dân đến nơi an toàn…”- Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết.

Vừa chống bão vừa chống dịch

Giúp dân sơ tán ứng phó bão số 5

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai ứng phó với bão số 5 và hoàn thành trước 17 giờ ngày 11/9. Người dân hạn chế ra đường khi có gió mạnh trong chiều và đêm nay; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh sẽ ban hành lệnh cấm ra đường khi có gió mạnh, dự kiến trong đêm 11 và sáng ngày 12/9.

Hiện, nhiều địa phương đang giãn cách xã hội theo chị thị 16, chị thị 15 của Chính phủ. Ở các khu vực giãn cách, phong tỏa, việc di dân, giúp dân thu hoạch thủy sản đối với các xã vùng ven biển, đầm phá đang đối diện với tình trạng khó khăn.

Ông Nguyễn Tam, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền (Phú Lộc) cho hay, toàn xã có 86 hộ dân vùng xung yếu, các gia đình F2, F3 đang đã bố trí ở những khu vực kiên cố, phù hợp nhằm sơ tản dân ứng phó mưa lũ nhưng vẫn đảm bảo 5K. Việc sơ tán dân tiến hành chậm hơn do mỗi một lượt đi xã bố trí 2 người di chuyển đến khu vực trường học, nhà văn hóa thôn… để tránh trú bão. Đối với các F1 đã nằm trong khu cách lý có lực lượng hỗ trợ nên rất an toàn. “Một khó khăn hiện nay là công tác giúp dân thu hoạch thủy sản trên đầm Cầu Hai đến kỳ thu hoạch. Địa phương đã bố trí lực lượng công quan, quân đội giúp dân thu hoạch thủy sản nhưng khó khăn ở chỗ việc tiêu thụ chỉ trong khu vực, các thương lái cũng không thể vô vùng phong tỏa để thu mua được. Đến nay vẫn có 3/15 phương tiện tàu thuyền đang chờ triều lên để vào bờ tránh trú do mực nước đang cạn”, ông Tam cho biết thêm.

Trong khi đó, xã Lộc Trì (Phú Lộc) nơi đang thực hiện Chỉ thị 16 đang bắt tay vào việc di dời dân đảm bảo phong chống dịch và an toàn trong bão. Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì thông tin, địa phương đang căng mình tìm phương án hiệu quả nhất. Theo ông Như, hiện địa phương chia ra những khu vực nguy cơ bởi dịch COVID-19 để có phương án cụ thể, xã xác định tại khu vực ít nguy cơ thì những nhà thấp trũng, yếu sẽ được di dời đến nhà kế bên cao hơn (cùng nguy cơ như nhau); còn đối với những khu vực có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao sẽ di dời lên các trụ sở trường học, nhà văn hóa nhưng đảm bảo việc giãn cách. Trong đó, sẽ ưu tiên những trường hợp yếu thế như người già, trẻ em, phụ nữ mang bầu… để có những phương án hỗ trợ.

Ngoài ra, hiện Lộc Trì có nhiều chốt kiểm soát y tế, các chốt này đều được làm tạm bợ. Trong đó, có hai lều trại của lực lượng lượng làm việc tại chốt bị mưa gió làm hư hỏng, lực lượng chức năng đã khắc phục, đồng thời ở những chốt gần những trung tâm cộng đồng thì sẽ tính phương án di chuyển. Nếu trong hợp bão đổ bộ vào bờ thì sẽ có phương án bảo đảm an toàn cho những người làm việc tại đây.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ dự báo và vận hành hồ đập; hệ thống camera theo dõi xả lũ qua các cống, đập về hạ du. Đến nay các hồ chứa thủy lợi, thủy điện gồm Tả Trạch, A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, A Roàng, Thượng Lộ, A Lin Thượng, Alin B1, Alin B2, Rào Trăng 4 và Thượng Nhật đã truyền hình ảnh camera về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh tỉnh, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa ứng phó bão số 5.


Tin, ảnh: Nhóm PV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top