DN FDI báo lỗ kỷ lục mới
Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2017, vốn FDI đăng ký mới đạt 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với mức năm 2016 và có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua; 2.591 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Không chỉ là số vốn đăng ký, số vốn đầu tư trực tiếp cũng tăng lên 17,5 tỷ USD, một con số ấn tượng trong bối cảnh FDI toàn cầu đang suy yếu. Năm 2017, vốn FDI toàn cầu giảm 16%; đầu tư nước ngoài vào Hoa Kỳ giảm 1/3, thu hút FDI ở Vương quốc Anh giảm 90% do hậu quả của Brexit.
Tỷ lệ DN FDI báo lỗ tăng đáng kể nhưng nhiều DN vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện tất cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều đã có doanh nghiệp nước ngoài hoạt động. Trong đó, có những địa phương đạt thành tựu nổi bật hơn. TP. Hồ Chí Minh thu hút được 6,5 tỷ USD, chiếm hơn 18% số vốn FDI của cả nước. Đứng thứ hai và thứ ba là Bắc Ninh và Thanh Hóa, với số vốn FDI đăng ký lần lượt là 3,4 tỷ USD và 3,17 tỷ USD.
Năm 2017 cũng đánh dấu sự trở lại của các dự án FDI lớn vào Việt Nam, đặc biệt là trong sản xuất và phân phối năng lượng. Đó là dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 tại Thanh Hóa theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) trị giá 2,79 tỷ USD, dự án BOT nhiệt điện Vân Phong 1 ở Khánh Hòa trị giá 2,58 tỷ USD, và dự án BOT nhiệt điện Nam Định 1 trị giá 2,07 tỷ USD. Tập đoàn Samsung đã đầu tư thêm 2,5 tỷ USD vào dự án Samsung Display Vietnam của họ tại Bắc Ninh. Tại Kiên Giang, các nhà đầu tư Nhật Bản hợp tác với PetroVietnam và PetroVietnam Gas để xây dựng Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, trị giá 1,27 tỷ USD.
Các doanh nghiệp (DN) FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu của khu vực FDI trong năm vừa rồi lên tới 155,24 tỷ USD, chiếm 73% xuất khẩu của cả nước. Tương tự, giá trị nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt mức 126,44 tỷ USD, chiếm 60% tổng nhập khẩu vào nền kinh tế.
Dù đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang làm dấy lên những quan ngại trong các nhà hoạch định chính sách. Đó là tình trạng nhiều DN FDI thường xuyên báo lỗ trong nhiều năm và đóng góp rất ít vào ngân sách nhà nước trong khi vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Năm 2017, tỷ lệ DN báo lãi giảm xuống còn 54,3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong khi đó, 37,9% DN báo lỗ - cũng là một con số kỷ lục mới. Chưa rõ liệu những con số này chỉ là một sự suy giảm tạm thời hay là một xu hướng dài hạn hơn.
Mặc dù tỷ lệ báo lãi có giảm, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Có hai chỉ số thể hiện sự lạc quan này: Tỷ lệ DN tăng vốn đầu tư năm 2017 là 13,2%, tăng nhẹ so với 11% năm 2016. Thêm nữa, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam tăng từ 50% lên 60%.
Cắt giảm thủ tục, chi phí không chính thức giảm nhẹ
Theo điều tra PCI 2017, các DN FDI cho rằng, các thủ tục thuế (28%) và hải quan (29%) vẫn là những lĩnh vực thủ tục bị đánh giá là phiền hà và gây tốn kém nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp đó, lĩnh vực bảo hiểm xã hội, từng đứng thứ hai trong danh mục phiền hà năm 2016, năm nay đã có sự cải thiện đáng kể. Thành tựu này được cho là nhờ những nỗ lực cải cách hành chính gần đây khi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cắt giảm còn 32 thủ tục hành chính và giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện.
Thời gian chờ để hoàn tất thủ tục giấy tờ cần thiết và chính thức đi vào hoạt động đối với DN FDI ở Việt Nam có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây, sau một vài trở ngại trong năm 2015. Để nhận được giấy phép đầu tư ban đầu, thông thường một DN FDI từng phải mất 58 ngày trong năm 2010, 47 ngày trong năm 2016 và hiện chỉ còn 37 ngày trong năm 2017. Thời gian cần thiết để nhận được Giấy chứng nhận đăng ký DN cũng giảm từ 35 ngày năm 2010 xuống 20 ngày năm 2016 và hiện còn 18 ngày năm 2017. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận đối với các thủ tục cấp mã số thuế và thời gian xin điều chỉnh giấy phép đầu tư gần nhất.
Những thủ tục hành chính được DN FDI đánh giá là phiền hà nhất.
Cảm nhận chung của các doanh nghiệp FDI là tình trạng chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm. Năm 2015 có đến 59% DN cho rằng cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ các quy định pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức từ DN, con số này đã giảm xuống còn 50% năm 2016 và chỉ còn 45% trong năm 2017.
Tình trạng hối lộ cũng được ghi nhận giảm trong các hoạt động khác: Năm 2016, có 46% DN cho biết đã từng chi trả chi phi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra. Năm nay, số DN FDI chia sẻ nhận định này đã giảm nhẹ xuống còn 45%. Vào năm 2015 có một tỷ lệ lớn các DN FDI (66,5%) cho biết đã có hành vi chi trả chi phí không chính thức để thúc đẩy việc thực hiện thông quan. Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách hành chính trong thời gian qua dường như đã có tác động tích cực đến vấn đề này. Năm 2016, chỉ 56,4% DN thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan và con số này chỉ còn 53% trong năm 2017, cho thấy lĩnh vực này có xu hướng cải thiện bền vững. Tình trạng chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai cũng giảm xuống 17,5% từ 22,6% trong năm 2016. Đáng lưu ý là, các DN nội địa cũng cho biết xu hướng giảm ở các lĩnh vực này.
Gánh nặng về khoản chi cho các chi phí không chính thức cũng có chiều hướng giảm nhẹ, tỷ lệ DN FDI có khoản chi bằng 0% trên thu nhập hàng năm dành cho chi phí không chính thức tăng từ 25,9% năm 2016 lên 31,3% trong năm 2017.
Trong số các DN tham gia điều tra PCI - FDI đã chi trả chi phí không chính thức trong năm 2017, có 50,3% cho biết công việc được giải quyết, tăng so với 45,3% vào năm ngoái.
Có thể thấy rằng chi trả chi phí không chính thức có chiều hướng giảm trong những năm gần đây, đặc biệt ở những lĩnh vực thủ tục về đất đai và thông quan, nhờ có những cải cách hành chính triệt để trong những lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn cần phải theo dõi để xem liệu đây có phải là những cải thiện mang tính bền vững dài hạn.
Đối với những lĩnh vực không có nhiều cải cách quy mô lớn như thanh, kiểm tra và mua sắm đấu thầu với cơ quan nhà nước, tình trạng chi trả chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến trong môi trường kinh doanh. Mặc dù các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam có thể chấp nhận tình trạng này như một phần của cuộc chơi, tuy nhiên tham nhũng có thể là một trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai. Điều này đặc biệt đúng với những nhà đầu tư đến từ các quốc gia nghiêm cấm các hành vi tham nhũng như Hoa Kỳ và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây cũng có thể là một trong những lý do khiến số lượng các doanh nghiệp FDI từ các nước phương Tây đến Việt Nam vẫn còn tương đối thấp trong thời gian qua.
Theo Báo Tin tức