ClockThứ Tư, 01/03/2017 22:57
ĐỐI THOẠI HẢI QUAN VỚI DOANH NGHIỆP:

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề

TTH - Mong muốn phục vụ, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN), người khai hải quan thực hiện đúng các quy định liên quan đến lĩnh vực hải quan là mục đích tại buổi đối thoại giữa Cục Hải quan tỉnh với các DN hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn diễn ra vào sáng 1/3.

Cán bộ hải quan trao đổi, giải thích những thắc mắc của DN ngoài lề hội nghị đối thoại

Thẳng thắn góp ý

Mở đầu cuộc đối thoại, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh- Hoàng Văn Hiển bày tỏ: “Tại buổi đối thoại này, ngành hải quan mong muốn các DN hợp tác, chia sẻ và thẳng thắn góp ý, kiến nghị để cùng tháo gỡ, đề ra giải pháp, đưa hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn phát triển”.

Đồng quan điểm với nhiều công ty may mặc trên địa bàn tỉnh, đại diện Công ty CP Dệt may Huế kiến nghị, để đảm bảo sự hợp lý giữa hai loại hình gia công xuất khẩu (XK) và sản xuất XK, Cục Hải quan tỉnh cần xem xét và có ý kiến lên cấp trên để DN được áp dụng việc xử lý nguyên liệu, vật tư nhập khẩu (NK) dư thừa loại hình sản xuất XK theo hình thức tiêu huỷ được áp dụng như loại hình gia công XK.

Đại diện Công ty CP Dệt may Huế, Công ty CP Thiên An Phát nêu, nếu theo quy định, đối với phần nguyên liệu tại thời điểm NK thuộc đối tượng không chịu thuế, tức chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế tại khâu NK, do đó khi chuyển tiêu thụ nội địa phải thực hiện nộp các khoản thuế: giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan. Quy định này đang làm khó nhiều DN ngành dệt may. Đối với việc xử lý nguyên liệu, vật tư NK sản xuất XK dư thừa, giá trị bán ra không được bao nhiêu. Nếu muốn đỡ tốn kém, DN buộc phải tiêu hủy nguyên liệu, vật tư NK dư thừa. Làm vậy chắc chắn không phải là hành động đẹp, gây lãng phí cho xã hội. Theo công ty, Cục Hải quan tỉnh xem xét và có ý kiến lên cấp trên để được áp dụng việc xử lý nguyên liệu, vật tư NK dư thừa dưới 3% khi chuyển tiêu thụ trong nước hoặc thực hiện như hàng nhập gia công thay vì theo quy định nộp thuế 3% trong tổng trọng lượng hàng nhập.

Liên quan đến những kiến nghị nêu trên, Cục Hải quan tỉnh đã từng đề xuất lên cấp trên, song vẫn chưa được nghiên cứu sửa đổi. Trước mắt, Cục Hải quan tỉnh ghi nhận và sẽ thông báo với DN sau khi Bộ Tài chính có hướng dẫn mới về việc tiêu huỷ nguyên liệu vật tư dư thừa thuộc loại hình sản xuất XK. Còn theo quy định hiện hành, Cục Hải quan tỉnh đề nghị công ty và những DN có liên quan thực hiện theo đúng quy định về thủ tục tiêu huỷ nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm thuộc loại hình sản xuất XK.

Vấn đề Công ty CP PISICO Huế hỏi khá thiết thực, cùng thắc mắc của hầu hết các DN XK dăm gỗ trên địa bàn liên quan đến việc nộp thuế trước khi xếp hàng lên tàu. Đơn vị hỏi, theo quy định, XK hàng dăm gỗ phải nộp thuế trước khi xếp hàng lên tàu mà không biết chính xác khối lượng nên số tiền thuế luôn có sự chênh lệch phải làm thủ tục lần thứ 2 là nộp thuế hay nhận hoàn thuế. Nên để tránh phải làm thủ tục 2 lần, DN đề nghị cho phép các đơn vị XK dăm gỗ sau khi xác định được khối lượng thực xuất làm thủ tục nộp thuế một lần.

Mặc dù được xem là đề xuất chính đáng, song theo quy định, người nộp thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng. Đây cũng là ý kiến hay để ngành hải quan ghi nhận đề xuất, kiến nghị cấp trên nghiên cứu sửa đổi, vận dụng hợp lý.

Liên quan đến việc thu thuế nhà thầu đối với đơn vị XK, đại diện Công ty CP Sợi Phú Bài cho rằng, quy định này thiếu hợp lý và gây thiệt hại rất lớn cho không chỉ công ty mà nhiều DN trong nước. Theo công ty này, cơ quan thuế nên thu thuế tại nhà thầu NK (có thể là công ty mẹ hoặc công ty con hoặc DN thứ 3) khi làm thủ tục NK là phù hợp hơn. Nếu áp thu thuế đối với đơn vị XK (cụ thể là Công ty CP Sợi Phú Bài) sẽ vừa thụ động, gây khó khăn cho DN trong việc phải chứng minh nhà thầu NK và gây thiệt hại cho DN XK trong nước nói chung; đó là chưa kể có thể tạo điều kiện cho DN đối tác lách thuế, trốn thuế.

Cảnh báo nhắc nhở thiện chí

Dịp này, Cục Hải quan tỉnh cũng lồng ghép thông tin, tuyên truyền các quy định pháp luật hải quan, nhất là các chính sách, thủ tục và quy trình thủ tục hải quan mới, nhằm giúp người khai hải quan, người nộp thuế, cá nhân, tổ chức có liên quan nắm bắt kịp thời, đầy đủ, đảm bảo tuân thủ chính xác, thuận lợi.

Khá đông DN cũng thắc mắc về chứng từ, thủ tục, quy trình để được hoàn thuế, đồng thời kiến nghị nên hoàn thuế sớm cho DN, vì thực tế số tiền được hoàn thuế có lúc đến vài tỷ đồng, một khoản không hề nhỏ đối với DN phải trả lãi vay ngân hàng.

Trên tinh thần hợp tác, ngoài ghi nhận và giải đáp những thắc mắc, vướng mắc của DN, đơn vị hải quan khuyến cáo, cảnh báo cho các DN nên chú ý, hạn chế thấp nhất việc khai sai, khai sửa, khai trùng thông tin. Điều này sẽ gây bất lợi cho DN trong việc hưởng chế độ thông quan theo phân luồng, ảnh hưởng đến thời gian thông quan, giải phóng hàng hoá.

Chỉ cần DN khai không chính xác, khai sửa, hệ thống điện tử sẽ tự động tích điểm rủi ro của DN. Khi đủ điểm rủi ro, hệ thống sẽ tự nâng luồng khai báo lên, như từ luồng xanh (miễn kiểm tra) lên luồng vàng, luồng đỏ (thuộc diện kiểm tra hàng hoá).

Với cảnh bảo, nhắc nhở đầy thiện chí và giá trị này, nhiều DN rất hoan nghênh và hứa sẽ lưu ý, khắc phục khi thực hiện thủ tục khai hải quan, cung cấp thông tin DN định kỳ.

Kết thúc buổi đối thoại, ông Hoàng Văn Hiển ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN, nhất là những kiến nghị liên quan đến chế độ chính sách hợp lý, đúng định hướng phát triển chung để trình cấp trên nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Return to top