ClockThứ Sáu, 28/09/2018 09:00

Doanh nghiệp nhà nước cần thay đổi tư duy và cung cách làm việc

Nhiều chuyên gia nhận định, muốn tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước phải nhấn mạnh tính công khai, minh bạch, tuân thủ nguyên tắc thị trường.

Dù chiếm chưa đến 1% tổng số lượng doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp nhà nước lại đang giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước và đóng góp rất lớn vào GDP với tỷ trọng gần 30%.

Ngoài ra, khu vực kinh tế này còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh… Tuy nhiên, hiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa tương xứng nguồn lực đang nắm giữ. Nhiều chuyên gia nhận định, muốn tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước phải nhấn mạnh tính công khai, minh bạch, tuân thủ nguyên tắc thị trường.

Trong hơn 20 năm qua, có khoảng 92% tổng số doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá nhưng thực tế mới có khoảng 10% lượng vốn Nhà nước được thay thế bằng nguồn vốn của tư nhân. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hoá và theo đó phải thực hiện các quy chế hoạt động theo kinh tế thị trường.

Trong hơn 20 năm qua, có khoảng 92%  doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá nhưng thực tế mới có khoảng 10% lượng vốn Nhà nước được thay thế bằng nguồn vốn của tư nhân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp còn xin cơ chế từ Nhà nước hay các Bộ, ngành vẫn còn “bao bọc” doanh nghiệp nhà nước. Từ đó tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Cùng với đó, tiến độ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm, tình trạng lỗ hàng nghìn tỷ đồng vẫn diễn ra.

Câu chuyện về 12 dự án ngành công thương có vốn đầu tư lớn nhưng thua lỗ kéo dài luôn được dư luận quan tâm. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai xử lý, các dự án này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, trong 12 dự án, có 4 dự án bắt đầu khôi phục và hoạt động sản xuất, có 2 doanh nghiệp hóa chất đã có lãi; 3 dự án trước đây dừng hoạt động sản xuất đến nay bắt đầu khởi động lại... Tuy nhiên, xử lý 12 dự án này vẫn còn rất khó khăn bởi chúng ta cương quyết làm theo thị trường, đối với những dự án bán không được phải chấp nhận phá sản; có những dự án không bán được, không khởi động được thì phải chuyển sang hình thức khác.

"Thời gian tới, quan trọng nhất các doanh nghiệp, các Bộ ngành, lãnh đạo doanh nghiệp phải nói thẳng, nói thật, công khai tình hình minh bạch ra. Hàng năm nên báo cáo tiến độ, có như vậy các bộ ngành, các chuyên gia kinh tế, Quốc hội, Chính phủ mới đưa ra được giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ này. Ngay vấn đề giải thể, phá sản cũng là một giải pháp tích cực, nếu chúng ta duy trì lại không hiệu quả. Đó là những thông điệp của Chính phủ cũng như lãnh đạo các Bộ, ngành đang kiên quyết như vậy"- ông Đặng Quyết Tiến nêu ý kiến.

Công khai, minh bạch là điều kiện cần thiết nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, muốn phát triển phải có sự bình đẳng đối với các thành phần doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, để cổ phần hóa doanh nghiệp trước hết phải đảm bảo tính minh bạch và rất cần sự tham gia các tổ chức chuyên nghiệp... (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp nhà nước cần phải thay đổi cách làm việc, không nên dựa vào các ưu đãi như trước đây mà phải dựa vào chính nội lực của mình để cứu chính mình trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hiện Chính phủ và các Bộ, ngành và người dân trông cậy vào khu vực nhà nước hiệu quả, do đó khối doanh nghiệp này phải minh bạch thông tin để kêu gọi nhà đầu tư đích thực, gắn bó với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: "Mập mờ thông tin là căn bệnh cố hữu của các doanh nghiệp nhà nước nói chung. Trong bối cảnh hội nhập cùng với việc tuân thủ các luật lệ quốc tế, hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không nhấn mạnh vào vấn đề công khai, minh bạch và quản trị hiệu quả là không đúng yêu cầu đặt ra.

Do đó, các doanh nghiệp nhà nước cần thay đổi tư duy và cung cách làm việc chưa cổ phần hóa hay đã cổ phần hóa thì càng cần công khai minh bạch. Có như vậy mới tạo ra các hoạt động kinh doanh lành mạnh, công ty phát triển hiệu quả và bền vững".

Để giải quyết được những bất cập, tồn tại này, cần đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hoá, thoái vốn là giải pháp quan trọng. Nhằm đạt hiệu quả, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải được đẩy nhanh hơn bởi càng kéo dài thì giá cổ phần sẽ giảm đi.

Cùng với đó, phải tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư về hiệu quả hoạt động. Do đó, phải minh bạch thông tin để kêu gọi nhà đầu tư đích thực, gắn bó với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải lên thị trường chứng khoán để cộng đồng các nhà đầu tư, nhà nước và xã hội giám sát thì sẽ làm cho việc hoạt động hiệu quả hơn.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng cho rằng, để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, mấu chốt là phải thực hiện vấn đề một cách công khai, minh bạch. Yêu cầu doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán là vấn đề bắt buộc, song hiện có hơn 700 doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá vẫn chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ông Phùng Văn Hùng chỉ rõ: "Việc bắt buộc doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần phải niêm yết trên thị trường chứng khoán là quan trọng. Khi đã niêm yết thì tính công khai minh bạch được nhấn mạnh. Trên thị trường chứng khoán thì sức khỏe của doanh nghiệp được đo đếm công khai, giám sát bởi các cơ quan nhà nước, bởi các tổ chức kinh tế, người dân theo dõi trên thị trường chứng khoán để có thể đầu tư hoặc không đầu tư vào doanh nghiệp đó. Đây là kinh nghiệm của thế giới mà ta hội nhập thì phải tuân thủ".

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh
Return to top