ClockThứ Năm, 29/10/2020 13:45

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cần gì? – kỳ 2: Nội lực và trợ lực

TTH - Bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp, những khó khăn, điểm nghẽn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đòi hỏi có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cần gì? Kỳ I: Những điểm “nghẽn”

Doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ sẽ được hỗ trợ đăng ký bảo hộ sản phẩm, bán hàng trực tuyến

Cần “nhanh và mạnh”

COVID-19, các DNVVN- SME được cho là thành phần kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đây vốn là những DN hạn chế về nguồn vốn, nhân lực và thị trường.

Hiện các SME đều có nhu cầu tiếp cận các chính sách, hỗ trợ từ nhà nước. Tuy nhiên, “các chủ trương, chính sách để đến với DN cực kỳ khó và nếu có, DN cũng không tiếp cận được. Trước đó, Luật hỗ trợ DNNVV ra đời từ 2017, sau 3 năm, vẫn chưa đi vào cuộc sống”, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Trần Đức Minh thẳng thắn.

Riêng các gói hỗ trợ của Chính phủ cho nền kinh tế, DN nói chung, như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, gói bảo hiểm, giãn thuế và gói tín dụng của ngân hàng, nếu có, cần phải được đẩy mạnh và kịp thời. “DN khó về vốn, tỉnh không can thiệp được. Khó về nguồn lao động, tỉnh nên định hướng để có sự đào tạo sát với nhu cầu thực tế của DN. “Vướng về thủ tục hành chính nhưng trong phạm vi thẩm quyền, luật cho phép thì tỉnh cần linh động xử lý nhanh. Đừng “trên trải thảm, dưới rải đinh”, ông Minh đề xuất.

Giám đốc Công ty Hồng Đức Trần Minh Đức cho rằng, trong các điểm nghẽn, cơ chế chính sách của tỉnh chỉ một phần, chính sách vĩ mô của Trung ương mới quan trọng.

Các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp cần sự liên kết

“Chính phủ, tỉnh và các cơ quan chức năng cần có các quyết sách mạnh mẽ, định hướng rõ ràng, giải pháp hỗ trợ nhanh. Họ cần được hậu thuẫn để vượt qua, đi tiếp”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Dương Tuấn Anh nói. Bởi sức chống chịu của phần lớn DNVVN, siêu nhỏ hiện giờ rất “mỏng”, trong khi khó khăn về thị trường, dòng tiền… đang khiến DNVVN ở thế kẹt.

Gần như không có DN nào không nói về khó khăn. Hiện, hầu hết các kiến nghị của DN đều tập trung vào việc đề xuất Chính phủ, tỉnh xem xét, quyết định các biện pháp miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản chi.

Cụ thể, đó là các khoản nộp BHXH, BHYT, BHTN; các khoản thuế và tiền thuê đất năm 2020; các kinh phí công đoàn. DN cũng chờ đợi có gói vay ưu đãi mới với lãi suất thấp.

“DN mong mỏi chính sách ban hành phải được thực thi nhanh và thuận tiện, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh trực tuyến các quy trình thủ tục hành chính… Từ đó mới tạo cơ hội để DN và nền kinh tế bật lên sau đại dịch”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Theo khảo sát của HHDN tỉnh, khi được hỏi các giải pháp nào DN chuẩn bị để vượt qua khó khăn lúc này để duy trì kinh doanh, có 73% DN trả lời chủ yếu là tự lực cánh sinh, cắt giảm chi phí; trong đó, 27% DN dự kiến sẽ cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô hoặc sang trạng thái “án binh bất động” một thời gian.

Khó chồng khó, các SME vẫn đang nỗ lực “vượt lên chính mình”, tính cơ hội phục hồi, tái cơ cấu để bắt kịp xu thế phát triển. Đồng thời, đã và đang có nhiều mô hình các DN thay đổi theo xu hướng tốt: quan tâm hơn đến việc quản trị DN, quản trị rủi ro, từ đó, tạo sức “đề kháng” cho DN. Có những DN trước đây hô hào kết nối chia sẻ dùng chung sản phẩm nhưng chưa làm được thì nay đã “ngồi lại” với nhau tìm hướng “vượt khó”, kết nối cộng đồng DN cùng phát triển.

Những suất quà tặng người dân khó khăn do thiên tai của Hội Doanh nhân trẻ Huế

Giám đốc Công ty Du lịch DMZ Lê Xuân Phương cho rằng, quan trọng là bảo toàn “sức khoẻ” của DN. Bởi trong “nguy” vẫn có “cơ”. “Dịch bệnh đã “chặn” nguồn khách quốc tế, buộc chúng tôi phải thay đổi và linh hoạt hơn”, ông Phương nói.

Cắt bỏ những hoạt động không cần thiết, tinh gọn DN, chuyển hướng kinh doanh, xoay vần từ giải pháp ngắn hạn đến những chiến lược dài hơi là bước đi khôn ngoan của những doanh chủ trong trạng thái “bình thường mới”.

Giám đốc Công ty MotorCycle Nguyễn Xuân Kiên chia sẻ, “sẽ nhân cơ hội này cải tổ DN”. Trước đây, dù biết công ty tồn tại một số vấn đề về quản trị, nhân sự nhưng chưa thay đổi, nay sẽ điều chỉnh, tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, không đầu tư dàn trải để “bật dậy” trong thời gian tới”, ông chủ 8X lạc quan.

Chủ động và thích ứng

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được từ những chính sách, cơ chế mà chính quyền tỉnh đã, đang và sẽ luôn nỗ lực nhằm hỗ trợ cộng đồng DN một các thiết thực và hiệu quả nhất, thì trên thực tế vẫn song song tồn tại các khó khăn, vướng mắc trong quá trình SXKD của DN. Tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phải tích cực, chủ động vào cuộc, hỗ trợ, tháo gỡ những vấn đề DN còn khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, tạo lập môi trường đầu tư, SXKD thông thoáng, minh bạch, thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN.

Sau khi có Luật hỗ trợ DNVVN, năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ DNVVN và DN thành lập mới. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hoàng Việt Trung thông tin, mới đây, khi Sở KH&ĐT rà soát, sàng lọc lại chính sách hỗ trợ DNVVN đã đề xuất tỉnh bỏ bớt một số trùng lặp, chỉ tập trung những chính sách thiết yếu như hỗ trợ DN đưa thông tin lên website, xác nhận chất lượng, hỗ trợ DN bán hàng online để đưa sản phẩm lên các “sàn” quốc tế, đăng ký bảo hộ sản phẩm hay hỗ trợ về thủ tục, dịch vụ thuế, các phần mềm miễn phí để hướng dẫn cho DN…

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nhìn nhận: “Trên thực tế, tỉnh theo Trung ương nên những chính sách hỗ trợ có diện tương đối rộng, mức độ đi vào cuộc sống chưa cao, chưa sát nhu cầu DN dẫn đến việc triển khai thực hiện khó”.

“Chắc chắn đâu đó, người dân, DN vẫn cảm thấy chưa hài lòng, thủ tục hành chính cũng ở mức độ chưa đáp ứng kỳ vọng, vì vậy, tỉnh vẫn thường xuyên, liên tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt nhất nhu cầu của tổ chức, DN”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu toàn bộ hệ thống hành chính trong năm 2020 phải cải cách triệt để. Tuy vậy, ông Trung cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các DN cần chủ động thích ứng với hoàn cảnh và tìm lối đi phù hợp cho DN mình, trong đó cần nắm bắt các chính sách của nhà nước để được tiếp cận với hỗ trợ.

Qua các hội thảo tháo gỡ khó khăn cho DN trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cũng đề xuất các DN chú trọng hơn việc quản trị DN, “bồi bổ” sức khoẻ cho bản thân cũng như DN, xây dựng kịch bản thực sự để có sự chủ động trong bị động, tư duy lại sản phẩm mới, phù hợp với thị trường, xây dựng chiến lược ứng phó… Qua đó, cùng nhau tạo được cộng đồng DN tốt , có sức đề kháng thực sự tốt để vượt qua khó khăn.

Về phía tỉnh, “sẽ có những chính sách chung mang tính chất vĩ mô như cơ chế thanh tra, kiểm tra, miễn giảm thuế… Tuy vậy, vượt khó phải từ chính nội lực của DN, còn hỗ trợ từ phía Nhà nước, chỉ mang tính chất tương đối chứ không thể có hỗ trợ lớn, nhất là hỗ trợ trực tiếp về kinh tế”, ông Định cho hay.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp

Không phủ nhận những tín hiệu khởi sắc trong việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong thời gian gần đây, song nhiều trở lực khiến DN gặp khó trong việc mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp
Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top