Nghe giới thiệu về ứng dụng, giải pháp số tại Triển lãm công nghệ số
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số (CĐS)- Huế 2022; với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành; lãnh đạo các sở, ngành và các công ty, tập đoàn; doanh nghiệp (DN) SMEs trên địa bàn.
Tạo lập môi trường đầu tư tốt hơn
Thừa Thiên Huế hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó, hơn 91% là DN SMEs, 300 DN công nghệ số. Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, DN đã tích cực, chủ động trong tìm hướng đi mới, tiếp cận các sàn giao dịch điện tử, vận dụng nền tảng CĐS để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp, thích ứng kịp thời trong trạng thái bình thường mới. CĐS đối với DN là nhu cầu cần thiết để tồn tại và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh cũng như xu thế phát triển chung của toàn cầu.
Tín hiệu đáng mừng với người dân và DN Thừa Thiên Huế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 6,92% (cao hơn mức tăng cùng kỳ là 5,72%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 13,2% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 742,8 triệu USD, tăng 18,6%. Tỉnh cũng đã cấp phép cho 21 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 8.244,71 tỷ đồng (gồm 02 dự án FDI vốn đăng ký 59,5 triệu USD); có 513 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 4.500 tỷ đồng, tăng 33,2% về lượng và tăng 42,7% về vốn so với cùng kỳ.
Đến nay, đã cơ bản hoàn thành xây dựng Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế. Triển khai một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ; triển khai đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh: “Tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực để tạo lập một môi trường đầu tư tốt hơn. Năm 2021, Thừa Thiên Huế xếp vị thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đứng đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và đứng thứ 4 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX); giữ ngôi vị thứ 2 về chỉ số CĐS (DTI); đến nay, 100% DN, tổ chức kinh tế, hộ cá nhân kinh doanh đã triển khai hóa đơn điện tử, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước”.
Nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp SMEs
Trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0, CĐS vẫn luôn là một từ khóa làm nóng các diễn đàn kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh các DN vừa và nhỏ phải đối mặt với những thách thức lớn từ tác động tiêu cực của COVID-19, CĐS là một trong những chiến lược then chốt mà các DN đã và đang đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới, cũng như phục hồi sau đại dịch.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh, Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận với các chính sách của Nhà nước, tiến đến tháo gỡ các rào cản, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN hoạt động SXKD. Trong đó phải kể đến là các chính sách hỗ trợ DN sử dụng chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử được triển khai thực hiện kể từ năm 2019 ngay khi Chính phủ khởi động Đề án “CĐS Quốc gia”; chính sách hỗ trợ “100 DN CĐS trong 100 ngày”, hỗ trợ DN tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử...
Trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại Tuần lễ chuyển đổi số Huế 2022
Đến nay, đã có hơn 1.100 DN được hỗ trợ chữ ký số và hoá đơn điện tử; hơn 150 DN được hỗ trợ chi phí thuê và dùng phần mềm kế toán; 50 DN được hỗ trợ giải pháp xây dựng website; giới thiệu 5 giải pháp CĐS hỗ trợ cho các DN. Qua đó, một số DN sau các chương trình đào tạo về CĐS đã có sự tăng trưởng về doanh thu đến hơn 50%.
Để hỗ trợ DN CĐS, ngày 7/1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu Hỗ trợ thúc đẩy CĐS trong DN thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN.
Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH &ĐT) thông tin, để thúc đẩy CĐS thành công cho nền kinh tế, cho địa phương thì CĐS cho DN SMEs có vai trò rất quan trọng. “Qua theo dõi hoạt động hỗ trợ DN của các địa phương, chúng tôi rất ấn tượng với các cam kết của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế”, bà Thuỷ nói.
Thừa Thiên Huế cũng là tỉnh đi đầu trong rất nhiều ý tưởng, giải pháp hỗ trợ DN, nhất là hỗ trợ DN CĐS, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Qua Tuần lễ CĐS, các DN được hỗ trợ, tiếp cận những thông tin từ các cơ quan liên quan, từ Bộ KH&ĐT, Thông tin và Truyền thông với nhiều chính sách đang triển khai.
“Chúng tôi đang kết nối với rất nhiều nguồn lực của các nhà tài trợ, ngân sách trung ương, nguồn lực của Thừa Thiên Huế để giúp các DN SMEs địa phương. Với nỗ lực của các cơ quan, bộ ngành và sở ban ngành địa phương, hy vọng các DN sẽ lựa chọn được các giải pháp, nguồn lực phù hợp và đưa những ứng dụng, giải pháp về cho DN mình để phát triển SXKD”, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp Bùi Thu Thuỷ bày tỏ.
Hiện Cục phát triển Doanh nghiệp đang có các gói hỗ trợ CĐS, giúp DN từng bước thay đổi hoạt động SXKD, trong đó, sẽ hỗ trợ một phần kinh phí (20 triệu đồng) cho DN siêu nhỏ mua các gói giải pháp để xâu chuỗi các hoạt động. Với DN nhỏ có gói giải pháp kinh phí cao hơn (khoảng 50 triệu đồng) giúp DN bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, giúp quản lý kho, quản lý chuỗi. Nhóm DN có tham gia xuất khẩu cần nền tảng giúp DN bứt phá được, sẽ có gói hỗ trợ về quản lý hành vi khách hàng, phân tích Data khách hàng, quản lý kinh doanh... |
Bài, ảnh: Liên Minh