|
Trụ sở và nhà xưởng của Công ty được xây dựng khang trang tại xứ sở Triệu Voi.
|
Đó là thành quả và tâm sức của ông Nguyễn Minh Lợi, vị giám đốc có “duyên nợ” với nước bạn Lào trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Lào của Thừa Thiên Huế.
Bài học từ xứ sở Triệu Voi
Kể về lý do chọn Lào để đầu tư, ông Lợi chia sẻ: “May mắn là tôi khá am hiểu về văn hóa Lào. Thêm vào đó, lâu nay, cộng đồng người Huế sang Lào làm ăn nhỏ lẻ rất đông, nhưng để đầu tư bài bản thì khá hiếm. Đồng thời, Lào hiện đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư “hấp dẫn”, với nhiều ưu đãi, như: DN được miễn tiền thuê đất trong 10 năm; miễn thuế thu nhập DN trong 8 năm đầu tiên; miễn 100% thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu; giá điện được bao cấp...
Nhưng sang rồi mới biết, Lào có quá nhiều khác biệt so với Việt Nam. Khác biệt từ tác phong công nghiệp của người lao động (thích là nghỉ mà không báo trước, đặc biệt vào những dịp có lễ hội). Đến chính sách chưa nhất quán, ví như không có việc hoàn thuế VAT; nhân sự tại chính quyền địa phương liên tục thay đổi gây khó khăn cho DN... dẫn đến quá trình hoàn thiện thủ tục rất gian nan. Thêm vào đó, địa bàn vào đầu tư còn thiếu thốn trăm bề với chi phí sinh hoạt đắt đỏ; điện, nước sạch đều chưa có, ngôn ngữ bất đồng trong khi chúng tôi phải hướng dẫn cho công nhân tất cả các khâu... Theo ông Lợi, những khó khăn này sẽ cản trở những nhà đầu tư Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng tiếp cận thị trường láng giềng này.
|
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nhựa Việt Lào
|
Nguồn vốn đầu tư cũng là một vấn đề. Ngoài vốn tự có và từ DN liên kết, đơn vị phải vay thêm ngân hàng (NH). Nhưng mang hồ sơ đến nhiều chi nhánh NH Việt Nam tại Lào đều bị từ chối vì... NH chưa am hiểu về lĩnh vực sản xuất (hạt nhựa) nên ngại rủi ro. Trong lúc bế tắc, bất ngờ NH Việt Lào đồng ý chỉ sau 15 phút xem hồ sơ và thẩm định. Bởi lý do NH đã từng cho vay dự án tương tự nên tin tưởng... Vì nhiều nguyên nhân như vậy, nên mặc dù được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài từ năm 2010 nhưng mãi đến năm 2014, DN mới khởi công xây dựng được.
Quá trình xây dựng nhà máy (phải san lấp cả quả đồi trên diện tích 5 ha), vì chủ quan, không để ý dòng chảy của nước nên sau khi xây móng xong, chỉ một cơn mưa lớn với lượng nước ồ ạt đã cuốn trôi 1/2 phần móng vừa hoàn thành. “Cũng may, trời mưa sớm, nếu sau khi xây dựng hoàn chỉnh... mới mưa thì chưa biết thiệt hại đến mức nào. Sau “bài học” vì chủ quan, chúng tôi đã kịp thời điều chỉnh thiết kế phù hợp với điều kiện địa hình hiện có. Tuy nhiên điều bất ngờ hơn cả là bất đồng về ngôn ngữ. Ban đầu sang làm việc, chúng tôi đều có phiên dịch. Nhưng sau khi nhận thấy nhiều văn bản, giao tiếp không được dịch đúng, phía lãnh đạo các bộ phận liên quan từ thuế, công an... của Lào đều yêu cầu chuyển sang giao tiếp bằng... tiếng Việt cho tiện. Từ đó về sau, hầu như đến bất cứ đơn vị nào chúng tôi đều thoải mái giao tiếp bằng tiếng Việt như ở nhà. Hỏi ra mới biết, đa phần cán bộ các ban, ngành quan trọng của Lào kể cả lãnh đạo cấp cao đều sang Việt Nam theo học tại các trường đại học. Hiện, Huế vẫn có 450 lưu học sinh Lào sang theo học các ngành nghề”, ông Lợi kể
Thành quả cho tương lai
Sau 1 năm rưỡi đi vào hoạt động, hiện nhà máy sản xuất đã đi vào ổn định với 180 lao động chủ yếu là người Việt Nam. Dự kiến năm 2016 sẽ tăng số lượng công nhân lên 450 người, quy mô nhà máy cũng sẽ mở rộng lên gấp đôi. Ngoài ra, DN cũng đã làm việc với chính quyền địa phương các huyện Phong Điền, Quảng Điền để tuyển dụng thêm lao động sang.
Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Việc Thành Lợi đầu tư nhà máy sản xuất tại Lào có nhiều ý nghĩa quan trọng. Không chỉ đơn thuần ở khía cạnh mở rộng SXKD, đó còn là “cầu nối” hữu hiệu để cùng các DN địa phương tham gia đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài; góp phần đẩy mạnh hợp tác kinh tế, bồi đắp mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước nói chung và Thừa Thiên Huế với nước bạn Lào nói riêng.
|
Đi trước “mở đường” nên Giám đốc Nguyễn Minh Lợi nói rằng “mình có khá nhiều kinh nghiệm “nhớ đời” trong đầu tư tại nước bạn Lào và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những cá nhân, DN có nhu cầu tìm hiểu, đầu tư SXKD tại đây”. Ví như giới thiệu về thủ tục làm giấy tờ hay đơn giản là lái xe sang Lào bắt buộc phải mua bảo hiểm tại đây nếu không muốn bị phạt nặng. Hay DN đầu tư phải hợp lệ và phù hợp với luật pháp quy định... Mới đây là CT Phương Minh (Tứ Hạ) và trước đó là CT Phú Đạt Gia cũng đã được tôi tư vấn, hướng dẫn khi có ý định. Qua đó, Phú Đạt Gia đã kết nối được các DN tại Lào trong phát triển các tour du lịch”.
Thành quả là gì ? Ông Lợi vui vẻ: “Thành quả là cho tương lai. Vì bao nhiêu vốn liếng, tiền bạc, công sức và cả tâm sức để “đổ” vào đây. Trước mắt, lợi nhuận không đáng kể, nhưng chắc chắn sẽ rất hiệu quả”. Chia sẻ về mong muốn của mình, Giám đốc Xí nghiệp Thành Lợi cho rằng: “Chúng tôi mong tỉnh có chính sách dù nhỏ để động viên, quan tâm DN và nên có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các DN đã và sẽ “bôn ba” đầu tư nước ngoài qua nhiều kênh như: Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ, đại sứ quán... để Huế có thêm nhiều DN hơn nữa mạnh dạn “đem chuông đi đánh xứ người”.
Bài, ảnh: Liên Minh