CCB, bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn luôn hết mình vì người bệnh
Thành công
Theo giới thiệu của CCB Nguyễn Đức Thuận – Trưởng ban liên lạc quân tình nguyện Việt - Lào, chúng tôi tìm đến Phòng khám Đa khoa Thanh Sơn (35/1 Tản Đà, phường Hương Sơ, TP. Huế) của CCB Nguyễn Thanh Sơn đúng lúc ông đang khám bệnh cho một cụ bà. Cụ chia sẻ: “Lớn tuổi rồi, mắc đủ thứ bệnh. Tôi đi khám nhiều tới nỗi cả nhân viên và bác sĩ đều quen mặt. Biết tôi nghèo nên bác sĩ Sơn hay “khuyến mại” thêm thuốc bổ ngoài bảo hiểm”. Vừa là giám đốc vừa là bác sĩ chính nên công việc của CCB- bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn khá bận rộn. Sau 7 năm làm nhiệm vụ bác sĩ quân y của Trung đoàn 19 đóng quân ở tỉnh Salavan (Lào), năm 1988, CCB Sơn cùng đơn vị rút quân về nước và tiếp tục công tác tại Sư đoàn 968. Năm 2001, ông chuyển về Bệnh viện Quân y 268 và về hưu năm 2014, với quân hàm đại tá.
Lửa nghề còn nóng nên CCB Nguyễn Thanh Sơn quyết định mở phòng khám đa khoa để tiếp tục được theo nghề. “Khi mới có ý định mở phòng khám, gia đình tôi phản đối nhiều. Một phần là kinh phí đầu tư, phần nữa là người thân muốn tôi được nghỉ ngơi sau bao nhiêu năm công tác. Với tôi, còn sức khỏe, có kinh nghiệm và chuyên môn thì cứ cống hiến”- bác sĩ Sơn bộc bạch.
Với đội ngũ nhân viên 32 người, cơ sở vật chất hiện đại, mỗi tháng phòng khám tiếp nhận và điều trị hơn 2.500 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân khám bảo hiểm chiếm gần một nửa. Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, Phòng khám đa khoa Thanh Sơn thường xuyên phối hợp với Hội CCB khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các CCB có hoàn cảnh khó khăn.
Từng là người lính của Sư đoàn 384, tham gia xây dựng kinh tế giúp nước bạn Lào, năm 1983, khi trở về từ quân ngũ, điều CCB Nguyễn Ngọc Thanh (sinh năm 1962, ở Phú Lộc) canh cánh trong lòng là quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính sức lực, khả năng của mình. Nhận thấy mảnh đất Phú Lộc có nhiều tiềm năng về du lịch, sau một thời gian tìm hiểu, được sự ủng hộ và giúp đỡ của gia đình, bạn bè, năm 1996 ông thành lập cơ sở Thanh Tâm (xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc). “Thời gian đầu là những năm tháng vô cùng khó khăn do vốn liếng ít. Với ý chí, nghị lực của một người lính, tôi chưa bao giờ cho phép mình bỏ cuộc. Vốn không nhiều nên cái gì mình làm được thì tự tay làm, mà trên hết là phải học hỏi cách làm của những người đã thành công. Làm dịch vụ du lịch là phải biết học, áp dụng những cái mới, cái lạ vào thực tiễn”, ông Thanh chia sẻ.
Với số vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng (năm 2000), đến nay, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Thanh Tâm đã trở thành khu du lịch có điều kiện cơ sở vật chất hơn 100 tỷ đồng, với doanh thu 18 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 90 lao động (20% là con em CCB).
Xuất phát từ khó khăn nên khi thành công CCB Nguyễn Ngọc Thanh luôn sẵn sàng giúp đỡ những người có chung hoàn cảnh, chí hướng. Ông được tín nhiệm giữ chức Chi hội trưởng Doanh nhân Chủ trang trại CCB Phú Lộc. Không những làm kinh tế giỏi, thời gian qua, đơn vị của ông còn luôn quan tâm đến công tác từ thiện xã hội, xoá đói, giảm nghèo, tham gia quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở địa phương.
“Doanh nhân vẫn là người lính”
Là người đứng đầu của một tập đoàn kinh tế có tiếng ở Huế, lãnh đạo hơn 400 con người, nhưng trong căn phòng làm việc của CCB Đinh Xuân Long (Chủ tịch Tập đoàn Kinh tế Cửu Long, ở số 10 Chu Văn An, phường Phú Hội, TP. Huế) chỉ có một chiếc bàn chữ H đơn giản, cùng những cuốn sổ tay ghi chép lịch trình công việc và những tấm ảnh lưu niệm chụp chung với những đồng đội một thời xông pha trận mạc. Tuổi đã ngoài 80, nhưng ông Long vẫn rất nhanh nhẹn và trong từng lời nói dứt khoát, luôn toát lên vẻ nghiêm nghị nhưng cũng không thiếu phần hóm hỉnh của một người lính. Hỏi về quá trình làm kinh tế và bí quyết thành công của mình, ông cười bảo: “Doanh nhân vẫn là người lính”.
Sau 5 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, năm 1960, ông trở về nước và chuyển sang ngành thương nghiệp. Với nhiều kinh nghiệm trong công tác đối ngoại cũng như thương nghiệp, năm 1982, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Thương nghiệp liên doanh Việt - Lào và nhiều chức vụ cao khác trong ngành thương nghiệp.
Tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm kinh tế và từng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế nên để thử sức mình trong lĩnh vực kinh doanh, ông đã thành lập và phát triển Công ty Du lịch dịch vụ và thương mại xuất khẩu Cửu Long (sau này là Tập đoàn Kinh tế Cửu Long) với 6 công ty con. Công ty của ông hoạt động trong các ngành nghề chính như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch... Làm kinh tế, nhưng ông luôn dạy con cái, nhân viên của mình về tính kỷ luật, đoàn kết sáng tạo, cũng như giữ uy tín trong kinh doanh. Ông luôn hăng hái tham gia các hoạt động tại địa phương cũng như Hội CCB các cấp.
CCB Nguyễn Đức Thuận, Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện Việt - Lào cho biết, hiện tại, ban liên lạc có 92 CCB tham gia sinh hoạt thường xuyên, trong đó có rất nhiều người thành đạt. Không những được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng những tấm huân, huy chương chiến công trong kháng chiến, mà về với đời thường những CCB ấy là những tấm gương làm kinh tế giỏi, được Trung ương Hội CCB Việt Nam ghi nhận. Là những doanh nhân thành đạt, họ không quên san sẻ với những đồng đội khó khăn bằng những việc làm thiết thực như: thăm hỏi, giúp đỡ nhau khi ốm đau, tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, ủng hộ xây dựng nhà đồng đội…
Bài, ảnh: THẢO VY