Từ nguồn vốn khuyến công, Công ty TNHH TMV Sản xuất tinh dầu Kim Vui đã trang bị hệ thống chiết rót tinh dầu tự động, nâng cao năng suất
Động lực để huy động vốn
Không phải là nghề gia truyền, song anh Châu Văn Bắc trú tại xã Quảng Thành (Quảng Điền) theo nghề sản xuất bún, phở khô và mì lát hơn 20 năm nay. Xuất thân từ gia đình thuần nông, năm 2000, anh Bắc quyết định chuyển sang sản xuất các loại bún, phở khô để phục vụ bà con trong làng với quy mô nhỏ. Dần dần, sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng, các hộ kinh doanh đặt hàng ngày càng nhiều nên anh thuê thêm nhân công để sản xuất với số lượng lớn.
Sau thời gian sản xuất và được khách hàng đón nhận, doanh số bán hàng ngày càng nhiều, trong khi sản xuất thủ công không đủ số lượng hàng để cung ứng nên năm 2021, cơ sở mạnh dạn lập đề án xin hỗ trợ vốn KC để mở rộng sản xuất, đồng thời sản xuất thêm miến gạo khô phục vụ thị trường. Hạng mục hỗ trợ gồm 1 máy đùn 2 nòng model 70kg, 1 máy giũ mỳ model 300kg, tổng kinh phí thực hiện đề án 225 triệu đồng, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 87 triệu đồng.
Nói về hiệu quả của đề án, anh Châu Văn Bắc chia sẻ: “Được tiếp sức từ nguồn vốn KC, cơ sở mạnh dạn vay mượn, huy động các nguồn lực trong gia đình để đầu tư trang bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển thêm sản phẩm mới. Nếu như không được hỗ trợ vốn KC, cơ sở khó xoay vốn để đầu tư thiết bị”.
Thời gian qua, các hoạt động KC góp phần nâng cao nhận thức và hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm trong khu vực nông thôn và khôi phục nghề, LNTT. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 20 LNTT, 10 làng nghề và 15 nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận; có 37 nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ được UBND tỉnh phong tặng, trong đó có 3 nghệ nhân nhân dân và 12 nghệ nhân ưu tú. Một số sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt như dầu tràm, trà rau má, trà vả, mè xửng, tôm chua, nước nắm…
Theo lãnh đạo Sở Công thương, giai đoạn 2010- 2022, tổng kinh phí KC hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nghề, làng nghề, LNTT hơn 9 tỷ đồng thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, thiết kế mẫu... Trong đó, một đồng vốn KC bỏ ra đã thu hút được hơn 2 đồng vốn của DN, cơ sở đầu tư máy móc thiết bị. Ngoài ra, vốn KC còn hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng cho các cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.
Máy sản xuất miến gạo khô của Cơ sở Châu Văn Bắc do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ một phần kinh phí phát huy hiệu quả
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Thời gian qua, công tác bảo tồn, khôi phục và phát triển các nghề, LNTT có nhiều chuyển biến tích cực một phần nhờ vào sự đầu tư hỗ trợ từ các đề án KC. Nhiều làng nghề phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Tuy nhiên, sự phát triển của các nghề, LNTT vẫn còn chậm, chưa đồng bộ. Trong đó, sản phẩm làng nghề có thương hiệu còn ít, thị trường còn hạn hẹp; quy mô các DN, cơ sở sản xuất đa số còn nhỏ, công nghệ và thiết bị chậm đổi mới; tính liên doanh, liên kết trong ngành nghề, làng nghề còn hạn chế. Mặt khác, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng đã được quan tâm chế tác, đưa ra thị trường nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của du khách do mẫu mã đơn điệu, bao bì chưa đẹp mắt. Nguồn vốn KC được phân bổ hàng năm chưa đảm bảo so với nhu cầu của các DN, cơ sở; việc thực hiện lồng ghép nguồn vốn KC với các nguồn vốn khác để tập trung nguồn lực hỗ trợ cơ sở CNNT phát triển sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
Để phát huy hiêu quả nguồn vốn KC, sắp tới Sở Công thương tiếp tục xây dựng các đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và đầu tư các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ - thiết bị mới và tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư để đầu tư máy móc thiết bị.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, xác định nguồn vốn KC có vai trò quan trọng, là “vốn mồi” nhằm khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, sắp tới sở tập trung hỗ trợ phát triển CNNT gắn với các nhiệm vụ, giải pháp của đề án phát triển CNNT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Bởi, phát triển CNNT chính là phát triển các cơ sở sản xuất trong nông thôn, gắn với quá trình hình thành và phát triển của các nghề, LNTT.
Mặt khác, tập trung hỗ trợ các đề án KC theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, có sự lan tỏa tạo bước chuyển rõ rệt nhằm nâng cao chất lượng trong việc lựa chọn các DN, cơ sở CNNT được thụ hưởng các chương trình KC để tập trung hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực theo hướng phát huy tốt lợi thế so sánh, nguồn lực có sẵn về tài nguyên, nguyên liệu, thị trường lao động của địa phương; hạn chế xây dựng các đề án dàn trải, phân tán, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.
Bài, ảnh: Thanh Hương