ClockThứ Tư, 26/04/2017 21:40

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường

TTH - Với mong muốn giúp doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh kết nối sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, sáng 26/4, Sở Công thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh (HHDN), Hội Doanh nhân trẻ tỉnh (HDNT) tổ chức “Gặp mặt, đối thoại DN triển khai Chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường đặc sản năm 2017 của tỉnh”.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương trả lời kiến nghị, thắc mắc của DN tại buổi đối thoại

Trong nhiều năm qua, đã có những hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trong tỉnh, trong nước và quốc tế, song hiệu quả đem lại cho DN vẫn chưa cao, chưa tạo nên mạng lưới vững chắc.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho rằng, tiềm năng, tiềm lực của các DN trong tỉnh là có, nhưng sản xuất, tiêu thụ theo hình thức nhỏ lẻ, còn loay hoay, giẫm chân tại chỗ.

Ông Nguyễn Mậu Chi, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh thẳng thắn nêu ra những thiếu sót không chỉ của chính mỗi DN mà kể cả vai trò của tổ chức hội, của cơ quan quản lý nhà nước.

Đặc điểm của đa số DN trên địa bàn tỉnh là nhỏ, lẻ, lại có đặc tính “ngại ra gió”, ngại vươn ra thị trường lớn, không dám giúp đỡ nhau vì thấy mình nhỏ bé. Chính điều này đang làm hạn chế sự phát triển của chính mỗi DN, không chỉ đứng tại chỗ mà khiến DN ngày càng “teo” lại.

Đại diện DN nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ, đối thoại

Với sự đổi mới về khâu tổ chức, tại buổi gặp gỡ, đối thoại này, nhiều DN đã nêu những khó khăn, vướng mắc, tồn tại khách quan và chủ quan; đồng thời có những đề xuất kiến nghị sát sườn liên quan đến hoạt động XTTM, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ...

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó Chủ tịch HHDN, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân nữ, Giám đốc Công ty TNHH Volga Việt- Nga không ngần ngại khi chỉ ra những rào cản về nguồn vốn hỗ trợ cho DN. Thực tế, tỉnh có Quỹ phát triển và hỗ trợ DN, nhưng số DN muốn tiếp cận nguồn vốn này quá khó. Đồng tình với ý kiến của bà Dương, bà Nguyễn Thị Quang Hiền, Tổng giám đốc Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Hoàng Viết Thắng cho rằng, có rất nhiều DN đang “khát” vốn, đã đến lúc quỹ này nên “mở ra”. Đã gọi là quỹ hỗ trợ thì nên chấp nhận rủi ro cho DN vay vốn và nên giảm bớt các điều kiện gây khó cho DN.

Đại diện của Quỹ Phát triển và hỗ trợ DN, ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HDNT cho rằng, còn khá nhiều ràng buộc và tiêu chí khắt khe khi xét đối tượng vay vốn từ nguồn quỹ. Hiện nay, tỉnh đang nghiên cứu sửa đổi lại một số tiêu chí để phù hợp với điều kiện thực tại, tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận vốn vay hỗ trợ.

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất tinh dầu Hoa Nén trăn trở, tinh dầu tràm là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh, nhưng thời gian qua, việc tìm kiếm, khai thác thị trường hầu như chỉ dựa vào nội lực của DN. Do đó, DN rất mong muốn được kết nối, được cung cấp thông tin về các chương trình hội chợ thương mại trong, ngoài tỉnh để có cơ hội tham gia, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Đại diện DN này cũng cho rằng, chúng ta vẫn còn “tràn lan hóa” sản phẩm đặc sản, nhưng chưa đề cập đến việc nên chọn những đặc sản nào thực sự xứng đáng, có chất lượng, uy tín, thể hiện được đặc trưng của Huế. Việc tái tạo, phục hồi vùng nguyên liệu để phát triển sản phẩm đặc sản địa phương cần được quan tâm xúc tiến. Để làm được điều này, DN không thể độc hành mà cần sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Công thương, HHDN và các sở, ngành liên quan.

Cùng ý kiến liên quan đến việc giới thiệu, phát triển thị trường đặc sản Huế, đại diện một DN kinh doanh sản phẩm đặc sản Huế tại sân bay Phú Bài đề xuất, mặc dù sản phẩm Huế được bán tại sân bay này được nhiều khách du lịch, người tiêu dùng lựa chọn, nhưng hiện nay, số lượng DN giới thiệu sản phẩm Huế trên cổng thương mại điện tử Sản phẩm Huế vẫn còn sơ sài, chưa cập nhật nhiều sản phẩm mới, nên chưa thu hút, kích cầu sản phẩm đặc sản Huế đến du khách, trong khi đó, số sản phẩm đặc sản của địa phương rất phong phú.

Ghi nhận đề xuất trên, ông Nguyễn Lương Bảy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại- Sở Công thương cho rằng sẽ làm việc và đề xuất các DN tích cực tham gia cũng như cập nhật mới thông tin sản phẩm để làm phong phú, đa dạng thị trường sản phẩm đặc sản Huế.

Hoạt động về lĩnh vực lâm nghiệp, nhưng quan tâm đến tình hình thị trường sản phẩm nông sản, ông Phan Văn Nam, Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Nam Hòa đặt câu hỏi đến Sở Công thương, hiện nay, sản phẩm nông sản sạch được bày bán ở nhiều cửa hàng trên địa bàn thành phố, nhưng vẫn chưa đáng tin cậy vì chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận. Đây cũng là thực trạng chung của cả nước. Sản phẩm hữu cơ có giá cao, nên chỉ phục vụ cho một bộ phận nhỏ người dân Huế, do đó chắc chắn khó sản xuất đại trà. Ngoài vai trò của ngành nông nghiệp, ngành công thương cũng cần có chiến lược dài hơi trong giải quyết đầu ra.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương cho rằng đây là khó khăn chung khi cơ quan nhà nước chưa theo kịp nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho DN yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản sạch, với vai trò giám đốc Sở Công thương, ông Thanh cam kết sẽ đứng ra chứng nhận về tín chấp trên cơ sở kết hợp thực hiện đề án “Phát triển hàng nông sản sạch để phát triển trên thị trường” được Bộ Công thương hỗ trợ triển khai.        

Một số DN cũng thừa nhận, nỗ lực của DN là chính, nhưng rất cần Nhà nước hỗ trợ, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm ra ngoại tỉnh và khu vực lân cận; hiến kế xây dựng các chương trình, hoạt động, hình thành các sản phẩm du lịch, dịch vụ, thương mại có sức thu hút người tiêu dùng, đem lại giá trị ngày càng cao. Chẳng hạn như phố chợ đêm Huế trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu còn quá trầm lắng, chưa nói là “nửa sống, nửa chết”. Nên chăng các ngành chức năng cần kích cầu, huy động các trường nghệ thuật, nhạc viện, hay các cơ sở kinh doanh ẩm thực (có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm)... cùng tham gia để làm sống lại khu chợ đêm này.

Bài, ảnh: Hoài Thương

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top