Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc - Phan Công Mẫn
Tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến nay đã cấp phép đầu tư cho 49 dự án (DA), với vốn đầu tư đăng ký 81.915 tỷ đồng, trong đó có 12 DA có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhiều DA sản xuất công nghiệp quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, ít ảnh hưởng đến môi trường đã đến đầu tư.
Nghị quyết 54-NQ/TW đã xác định việc xây dựng đô thị Chân Mây và ưu tiên phát triển các đô thị nghỉ dưỡng ven biển. Phú Lộc đã có những động thái nào cho mục tiêu này, thưa ông?
Trong đồ án phát triển đô thị của Phú Lộc đã xác định đô thị mới Vinh Hiền là vệ tinh quan trọng, từng bước xây dựng đạt các tiêu chí đô thị loại V, trở thành thị trấn trung tâm tiểu vùng, có chức năng là trung tâm thương mại, du lịch, cầu nối giao lưu hàng hóa giữa các xã ven biển với các trọng điểm kinh tế trên địa bàn huyện. Đây đồng thời là đô thị phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với phát triển các ngành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, hậu cần nghề cá và phát triển dịch vụ du lịch biển.
Riêng quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị Chân Mây được UBND tỉnh phê duyệt có phạm vi ranh giới thuộc địa bàn 3 xã Lộc Thủy, Lộc Tiến và Lộc Vĩnh, diện tích quy hoạch khoảng 3.440ha. Đô thị Chân Mây được định hướng là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây đồng thời là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.
Sân golf Laguna Lăng Cô đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: MC
Góp phần hỗ trợ tích cực việc xây dựng, phát triển đô thị Chân Mây đạt đô thị loại III vào năm 2030 theo đúng định hướng quy hoạch, UBND huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai thực hiện các DA. Trong đó, quan tâm giải quyết nhanh, kịp thời các yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là các DA có quy mô lớn như DA Laguna giai đoạn 2, DA Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn, DA Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế...
Chính quyền địa phương luôn phối hợp cùng Ban quản lý Khu kinh tế và công nghiệp tỉnh, tạo điều kiện hoàn thành các đồ án quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã được phê duyệt. Cụ thể như quy hoạch phân khu xây dựng Khu đô thị du lịch sinh thái biển Cảnh Dương, Khu trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối... Đồng thời, phối hợp tăng cường quản lý quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng, góp phần đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững đô thị trong tương lai.
Là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch, dịch vụ, trong định hướng phát triển, lĩnh vực du lịch, dịch vụ được xác định là mũi nhọn của Phú Lộc. Theo ông, bước đột phá nào để khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh này?
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Phú Lộc xác định chuyển dịch kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn và công nghiệp sẽ tạo bước đột phá cho nền kinh tế. Địa phương ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao như tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, tư vấn pháp luật, dịch vụ công, y tế, giáo dục đào tạo. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ vận tải, dịch vụ logistic tại cảng Chân Mây và phát triển mạng lưới tổ chức tín dụng, dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời, chú trọng phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao. Phối hợp xây dựng khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương thành trung tâm du lịch tổng hợp đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Có giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng Vườn Quốc gia Bạch Mã và các dịch vụ trên biển, đầm phá để thu hút du khách. Phấn đấu tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 63% trong giai đoạn mới.
Những mục tiêu được xác định là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang tính đặc trưng, có đẳng cấp và tính cạnh tranh cao. Ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế; xã hội hóa việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tăng cường liên kết, hợp tác du lịch giữa Phú Lộc và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...
Cùng với dịch vụ, ưu tiên tạo điều kiện đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Hỗ trợ điều kiện để triển khai các DA sản xuất lắp ráp ô tô, nhà máy điện khí hydro, dệt may... Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng như chế biến thủy, hải sản, nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ, khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng... Mở rộng các khu công nghiệp trên địa bàn huyện với tổng diện tích dự kiến hơn 700ha tại Khu Công nghiệp La Sơn và quy hoạch mới 3 vị trí thành lập cụm công nghiệp với tổng diện tích 127ha. Phấn đấu lao động công nghiệp sẽ chiếm 34% lao động xã hội trên địa bàn.
Quá trình phát triển, việc quản lý quy hoạch đô thị là một trong những yếu tố then chốt. Công tác này đã được địa phương triển khai như thế nào?
Bên cạnh công tác lập, phê duyệt quy hoạch, công tác quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý trật tự xây dựng đô thị cũng được tăng cường. Huyện đã cung cấp thông tin quy hoạch, chứng chỉ quy hoạch cho các tổ chức và cá nhân khi có yêu cầu; thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời những sai phạm trong xây dựng và phát triển đô thị nhằm kiểm soát sự phát triển đô thị theo đúng quy hoạch. Tăng cường công tác cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra việc tuân thủ giấy phép xây dựng tại các đô thị.
Một vấn đề nữa không thể thiếu trong quá trình phát triển, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển, ông có thể cho biết những chuẩn bị của địa phương trong giai đoạn mới?
Trong bối cảnh các địa phương cùng với tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi NQ 54-NQ/TW, nguồn nhân lực chất lượng cao càng được coi trọng. Huyện cũng đã triển khai các chính sách của tỉnh trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
Huyện chú trọng xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ công chức quản lý hành chính chuyên nghiệp; quan tâm đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức xã, thị trấn. Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng phối hợp tham gia đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nghiên cứu triển khai các chính sách của Nhà nước về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Cùng đó, huyện thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo, theo dõi biến động về nguồn nhân lực và cung – cầu lao động, cũng như các vấn đề liên quan để có quyết sách đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội.
Khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng phối hợp đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu sử dụng lao động, tức là đào tạo theo đơn đặt hàng, tạo chủ động trong cung ứng nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu về nhân lực lao động cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, các DA đầu tư lớn trên địa bàn để định hướng đào tạo nghề, chuẩn bị đủ số lượng và chất lượng nhân lực đón đầu khi các DA lớn đi vào hoạt động.
Xin cảm ơn ông!
Bá Trí (thực hiện)