Đầm Lập An. Ảnh: Nguyễn Phong
Cũng bởi đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng mà quanh rìa Bạch Mã từ nhiều đời nay xuất hiện nhiều sản vật nổi tiếng .
Về nông sản, ở Nước Ngọt có cam, quýt Thủy Yên, Thủy Cam. Xứ Truồi nổi danh “ngọt mít và thơm dâu”. Về thủy sản, đầm Cầu Hai là nơi hội tụ nhiều loại đặc sản nước lợ và bổ sung cho nó là đầm Lập An với các món ăn được chế biến từ hàu.
Dãy Bạch Mã tuy tạo ra mưa nhiều gây bất lợi cho các hoạt động dịch vụ và sinh hoạt, nhưng cũng nhờ có bức tường thành vững chãi này che chở nên ở đây ít khi có bão, lũ (sông ở đây hẹp và ngắn) và do vậy mà cá, tôm thường được khai thác quanh năm, mặc dù ngoài kia vào kỳ biển động, tàu thuyền không ra khơi được.
Không phải ngẫu nhiên mà Chân Mây - Lăng Cô được chọn để lập khu kinh tế. Với hạ tầng đã và đang xây dựng và nỗ lực của các ngành, các cấp, tôi tin trong thời gian tới, khu kinh tế này sẽ chuyển mình thu hút thêm nhiều nhà đầu tư.
***
Nhấn mạnh yếu tố địa lý để thấy, Phú Lộc không phải là địa phương có nhiều đất đai để trồng trọt vì ruộng, vườn ít nên những thổ sản vừa nêu khó mà trở thành hàng hàng hóa, bà con nông dân khó làm giàu. Với sơn thủy hữu tình, trong tiến trình phát triển có phải đã đến lúc ngành du lịch khảo sát, góp ý xây dựng giúp Phú Lộc phục tráng những vườn dâu, vườn mít của Truồi thành điểm đến vì nó gần với Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.
Trước khi có cầu Trường Hà và Tư Hiền, muốn sang bên tê phá người ta thường tìm về bến tàu Đá Bạc. Nay bến tàu ấy không còn nên chăng ngành du lịch tiếp tục khảo sát (gắn kết với tuyến đường tây phá Tam Giang) đề xuất xây một bến thuyền du lịch giúp du khách tham quan vùng non nước đầm Cầu Hai, nơi có chùa Túy Vân, chợ Tư Hiền và hoạt động đánh bắt, nuôi trồng đặc sản nước lợ điển hình.
Từ khi mở hầm đường bộ Hải Vân, ta có thêm tuyến đường mới chạy ven đầm Lập An. Muốn thưởng thức đặc sản nước lợ, du khách từ Đà Nẵng chỉ cần hai mươi phút là đã có mặt.
Tuy nhiên, do thiếu cơ chế và chính sách (trong đó, có quy hoạch xây dựng) nên dịch vụ ở ven đầm Lập An phát triển chưa tương xứng.
Với tuyến đường có sẵn, ngành du lịch kết hợp với giao thông khảo sát để trước mắt xây dựng các bãi đỗ xe, kèm theo đó là dịch vụ bảo dưỡng; kết hợp với ngành xây dựng quy hoạch và đề xuất mô hình xây dựng phù hợp với cảnh quan, bảo vệ môi trường nhằm biến Lập An thành trung tâm ẩm thực đặc sản nước lợ, vì khí hậu ở Lập An đủ điều kiện để khai thác quanh năm.
Chuyện thu phí qua hầm Hải Vân cũng là vấn đề cần quan tâm, vì ở đây là nơi thu phí hộ cho 2 hầm Phú Gia và Phước Tượng nên khá cao, giảm hấp lực để thu hút xe từ Đà Nẵng ra. Muốn mở mang dịch vụ, tôi nghĩ chính quyền Thừa Thiên Huế nên kết hợp với Đà Nẵng để cùng khai thác và tìm cách tháo gỡ và khi thấy hợp lý hẳn Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính sẽ đồng tình.
Đó là suy nghĩ và đề xuất của tôi, một con dân của quê nhà Phú Lộc.
Phạm Hữu Thu