Tham quan mô hình hỗ trợ giống cam ở Nam Đông
Bà đỡ cho nông nghiệp sạch
Chỉ tính riêng hoạt động hỗ trợ xây dựng các mô hình hỗ trợ ứng dụng phương pháp thực hành nông nghiệp tốt đã tạo dấu ấn quan trọng. Từ những mô hình đơn lẻ, giá trị thấp đến nay trên địa bàn đã có hơn 1.200 ha lúa, 114 ha rau sản xuất theo hướng VietGAP. Nhiều mô hình sản xuất lúa hữu cơ được triển khai thực hiện với quy mô diện tích 386 ha, trong đó lúa 214 ha, rau 172 ha. Các mô hình thủy canh, trồng rau nhà lưới, nhà kính cũng đã bắt đầu phát triển với 36 nhà lưới với tổng diện tích hơn 52.000 m2 tạo dấu ấn quan trọng trong nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Chỉ tính riêng nguồn hỗ trợ qua kênh Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLTS) đã giúp định hình nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm, thủy sản lớn với khâu sản xuất ban đầu được chứng nhận VietGAP. Có thể kể như: 40 ha sản xuất rau má tại xã Quảng Thọ, 35 ha sản xuất 8 loại rau tại xã Quảng Thành, 17 ha hành lá tại phường Hương An, 2,4 ha trồng khổ qua tại TX. Hương Thủy, 8,7 ha thanh trà tại Thủy Biều… được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 2 cơ sở chế biến thủy sản áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP…
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLTS thông tin, Chi cục triển khai thí điểm ứng dụng Tem điện tử QR code vào 22 sản phẩm nông sản (gạo, rau, thịt) bày bán có truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất ban đầu đến khâu bày bán. Hỗ trợ các chủ cửa hàng bày bán và các đầu mối liên quan để chứng nhận cho 15 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 21 sản phẩm được công nhận.
Các mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ bắt đầu định hình tạo nên chuỗi cung ứng thực phẩm có giá trị gia tăng cao. Với sự hỗ trợ từ các nguồn vốn khác nhau, nhiều mô hình đã hoàn thành xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với yêu cầu sạch từ sản xuất đến tận bàn ăn.
Mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Vũ Văn Tú, phường Thủy Phương (Hương Thủy) là một ví dụ. Từ mô hình chăn nuôi gà khép kín, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và tạo chuỗi cung ứng với sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy, anh Tú đầu tư xây dựng cửa hàng bày bán sản phẩm gà tươi được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Hiện anh Tú đã mở rộng chuỗi cửa hàng bày bán và hơn 10 quầy gà nướng nhờ đó, đầu ra của hệ thống 3 trang trại với hơn 200.000 con gà thương phẩm mỗi năm duy trì ổn định với doanh thu thu gần 6 tỷ đồng/năm.
Phát triển chuỗi liên kết
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện đề án, Sở NN&PTNT hỗ trợ cho 24 cơ sở, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng và đang thẩm định hồ sơ cho 5 cơ sở, hướng dẫn cho 10 cơ sở khác; dự kiến năm 2020 có khoảng 20 dự án (DA) đề nghị hỗ trợ với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, UBND tỉnh giai đoạn này cũng đã hỗ trợ nhiều mô hình, DA, phát triển sản xuất, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 38 tỷ đồng thực hiện 400 mô hình sản xuất (riêng năm 2019 có 42 DA liên kết theo chuỗi giá trị). Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng hỗ trợ 51 tỷ đồng thực hiện 191 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh về thông qua đề án “Xây dựng một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020” đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế ngành nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, mở ra hướng đi mới trong công tác quy hoạch, phát triển sản xuất và thúc đẩy các ngành kinh tế, góp phần cải thiện môi trường thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.
Việc triển khai các chính sách thông qua các mô hình, DA góp phần tăng trưởng sản xuất nông nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; hạ tầng cơ sở phát triển sản xuất được quan tâm đầu tư đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất của người dân. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo khối lượng sản phẩm hàng hoá cung cấp cho thị trường, bước đầu thu hút được sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp và phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, tạo việc làm ổn định cho người lao động, Nhân dân tham gia tích cực vào xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Theo ông Hồ Đăng Khoa, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần như về kỹ thuật, cơ sở vật chất ban đầu sau đó các HTX, người dân phải linh động và có hướng đi phù hợp để nâng chất, khẳng định thương hiệu sản phẩm nhất là phát triển thị trường.
Để mở rộng kênh phân phối, trước hết phải chú ý đến xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm, Nhà nước cũng đang có nhiều chính sách ưu đãi về địa điểm bày bán nên các HTX cần tận dụng chính sách này để mở rộng kênh quảng bá. Bản thân HTX, người làm ra sản phẩm phải chú trọng đến chất lượng, nâng giá trị thương hiệu hướng đến xây dựng thành công sản phẩm OCOP làm “bàn đạp” đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa.
Bài, ảnh: Hoàng Loan