Doanh nghiệp đang có những đầu tư dây chuyền, công nghệ
1.800 tỷ đồng đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp
Bất chấp những tác động của đại dịch đến nền kinh tế, hoạt động đầu tư của các dự án ngoài ngân sách tại Thừa Thiên Huế vẫn rất sôi động, nhất là ở 2 quý cuối năm. Nhiều dự án khởi công, một số dự án khác cũng đưa vào hoạt động tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế.
Mới đây, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Gilimex đã tổ chức lễ khởi công đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex. Đây là một trong những dự án trọng điểm từ nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh với quy mô sử dụng đất hơn 460 hecta, tổng vốn đầu tư của dự án hơn 2.600 tỷ đồng.
Với việc đầu tư hạ tầng đồng bộ và có sự gắn kết với các tuyến giao thông huyết mạch, khu công nghiệp Gilimex sẽ là điểm đến cho nhà đầu tư. Với định hướng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện, điện tử; máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ôtô, phương tiện và thiết bị vận tải,… góp phần quan trọng trong tăng trưởng nguồn thu của Thừa Thiên Huế trong tương lai. Dự kiến, khi hoàn tất dự án và lấp đầy khu công nghiệp sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 - 30.000 lao động.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh
Ngoài dự án trên, trong năm, tỉnh cũng hỗ trợ khởi công 15 dự án khác như nhà máy gia công thạch anh Chân Mây; Trung tâm Thương mại Aeon Mall Huế..., với tổng vốn đầu tư 12.562 tỷ đồng. Cùng với đó, trên địa bàn cũng có 14 dự án được đưa vào hoạt động trong năm nay, với tổng vốn đầu tư 617 tỷ đồng. Như vậy, trên địa bàn hiện có hơn 160 dự án đang triển khai thực hiện với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 121 nghìn tỷ đồng; trong đó có 64 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; 90 dự án trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; 7 dự án trong lĩnh vực khác.
Theo đánh giá từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn của khối ngoài ngân sách thực hiện trong năm 2022 là 1.800 tỷ đồng bằng 112,5% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, điểm sáng nhất phải kể đến hiệu lực từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chỉ tính trong 11 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn này đã tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp như: mở rộng nhà máy Kanglongda Huế giai đoạn 2,3; dự án Công viên biển và Bảo tàng Huế; Nhà máy gia công thạch anh Chân Mây. Bên cạnh đó, các dự án khác được cấp phép mới cũng đang tiếp tục triển khai: hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn mở rộng của dự án Nhà máy Kanglongda Huế; dự án Nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn...
Hỗ trợ khởi công dự án ngay từ đầu năm
Hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm cũng có những bước tiến quan trọng. Tính đến cuối tháng 11/2022, toàn tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 34 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt 14.251 tỷ đồng. Một số dự án lớn đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư như: Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp – Tố Hữu; khu nghỉ dưỡng sinh thái ven biển tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc; dự án Trung tâm logistics Chân Mây; mhà máy sản xuất men frit, công suất 160.000 tấn/năm…
Ngoài ra, rất nhiều nhà đầu tư lớn khác cũng đang nghiên cứu đầu tư vào địa bàn tỉnh trong lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại, hạ tầng khu công nghiệp.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, để tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy các dự án sớm đưa vào hoạt động và hoàn thiện các thủ tục cho các dự án đã nghiên cứu đầu tư, sở đã rà soát hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và triển khai công tác xúc tiến đầu tư năm 2023 theo hướng tăng cường công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ, đôn đốc tiến độ triển khai và kiên quyết xử lý các dự án vi phạm tiến độ đầu tư. Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn được nhà đầu tư. Rà soát các tiêu chí kêu gọi đầu tư nhằm lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng, thương hiệu.
Sở cũng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, liên quan rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Trong đó, ưu tiên nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng ngoài hàng rào tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án. Kịp thời đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về cơ chế chính sách, vốn, thị trường, thông tin...
Bài, ảnh: Hoàng Anh