ClockThứ Sáu, 07/08/2015 10:14

Đưa nghề mới về làng

TTH - Sau khi gieo trồng xong vụ hè – thu, nhiều phụ nữ thôn Nam Phù (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) lại tranh thủ thời gian nông nhàn đến cơ sở đan ghế nhựa (tại nhà văn hóa thôn) để làm thêm. Mỗi tháng các chị có thu nhập thêm 2 đến 3 triệu đồng.

Nghề mới

Nam Phù có 133 hộ, 340 lao động, trong đó có 195 lao động nữ, chiếm tỷ lệ gần 60%. Người dân nơi đây sống bằng sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp nên đời sống còn khó khăn. Tháng 4/2015, Chi hội Phụ nữ thôn Nam Phù liên kết với Công ty cổ phần Phước Hiệp Thành (phường Tứ Hạ, thị xã Huơng Trà) mở cơ sở sản xuất đan ghế nhựa tại thôn, giải quyết việc làm cho gần 40 lao động. Sau khi tham gia học nghề, đa số chị em đã có tay nghề thành thạo.
Chị Nguyễn Thị Nga (trái) hướng dẫn kỹ thuật cho phụ nữ thôn Nam Phù
Chị Nguyễn Thị Nga, nhân viên kỹ thuật Công ty cổ phần Phước Hiệp Thành, phụ trách cơ sở sản xuất tại thôn Nam Phù chia sẻ: Làm việc ở công ty đan ghế nhựa được một thời gian, tôi nhận thấy đây là công việc phù hợp để phụ nữ nông thôn làm thêm những lúc nông nhàn. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn trao đổi với Chi hội Phụ nữ thôn hợp tác với công ty mở lớp dạy nghề và cơ sở đan ghế nhựa ngay tại thôn, vận động chị em hội viên tới tham gia học nghề.
Đến nay đã có gần 40 chị em phụ nữ thôn Nam Phù tham gia học nghề
Chị Nga cho biết thêm: Nghề đan ghế nhựa khá đơn giản, sau khoảng một tuần học nghề chị em có thể nhận hàng (dây nhựa, khung ghế) về nhà làm. Giá đan ghế từ 70 – 250 ngàn đồng/cái tùy loại. Tính công theo sản phẩm nên chị em rất chủ động thời gian. Nguồn hàng của công ty luôn đảm bảo, có đợt hàng nhiều còn vận động các chị tranh thủ thêm thời gian buổi tối. Nghề này cũng rất tiện, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chị em có thể vừa làm việc nhà vừa đan ghế. Công việc cũng phù hợp với nhiều lứa tuổi, ngoài phụ nữ thì nhiều thành viên trong gia đình cũng có thể tham gia.
 
Thu nhập ổn định
Chị Phạm Thị Cà phấn khởi: Từ khi có cơ sở sản xuất ghế nhựa ở địa phương, chúng tôi có việc làm thêm, lại rất thuận tiện vì làm gần nhà, mức thu nhập cũng khá ổn định, bình quân từ 70 - 100 ngàn đồng/ngày. Chịu khó tích góp cũng có tiền để mua thêm các vật dụng trong nhà và lo cho con ăn học. Chị Trần Thị Ngọc cho biết, chị làm thêm ở đây đã được ba tháng. Công việc không quá nặng nhọc và thu nhập cũng khá. Mấy ngày đầu chưa quen việc, đan được một cái ghế mất gần cả tuần, nhưng khi làm quen thì thấy việc cũng đơn giản. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chị làm được một sản phẩm. Đối với những sản phẩm khó hơn thì hai ngày, thu nhập khoảng 70 - 90 ngàn đồng/ngày.
Còn chị Nguyễn Thị Chanh vui mừng chia sẻ: “Tham gia lớp học nghề vừa có nghề vừa có thêm thu nhập. Khi mới học nghề, không quen việc, làm mãi không xong một sản phẩm, định không học nữa. Nhưng thấy chị em trong thôn tham gia ngày một đông, nghĩ họ làm được mình cũng làm được nên học tiếp. Giờ thì tôi đã thành thạo. Tận dụng thời gian rảnh rỗi mà mỗi tháng có thêm 2 đến 3 triệu đồng”.
Mới đầu, Chi hội Phụ nữ thôn vận động được 24 hội viên phụ nữ tham gia. Sau gần 4 tháng hoạt động, cơ sở đã thu hút được gần 40 hội viên tới làm thêm. Nhờ sự tỉ mỉ, khéo tay, các sản phẩm của chị em làm ra luôn được đánh giá cao. Hàng tháng, cơ sở sản xuất ghế nhựa của thôn Nam Phù hoàn thành trên dưới 1.000 ghế các loại giao cho công ty.
Chị Văn Thị Lời, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Phú khẳng định: Đây là một mô hình thực sự hữu ích đối với phụ nữ nông thôn, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho phụ nữ ở địa phương. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động chị em ở các thôn lân cận tham gia học nghề, làm thêm tại thôn Nam Phù để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Bài, ảnh: Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các hoạt động đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư đã và đang tạo được hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động xúc tiến đầu tư cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thân thiện
Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su

Nằm nép mình dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ, thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, là nơi cư trú của một cộng đồng nhỏ người Mường. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền, người dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su

TIN MỚI

Return to top