ClockChủ Nhật, 04/10/2020 09:49

Gác rừng mùa mưa lũ

TTH - Chỉ mấy chục con người mong manh, lại gánh trách nhiệm bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh” giữa thăm thẳm đại ngàn, trong điều kiện mưa lũ đầy gian nan, thách thức.

Bảo vệ màu xanh cho quê hương“Xanh hóa” vùng cát“Nín thở” trong mùa khôBảo vệ rừng: Nhìn từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền

Gian nan tuần rừng mùa mưa

 “Ngàn cân treo sợi tóc”

Gần 30 tuổi đời, chừng 7 năm tuổi nghề nhưng anh Nguyễn Văn Lương, Phó Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (RPHBHV) đã thấm đẫm, nếm trải bao gian khó với nghiệp gác rừng. Từ phòng cháy chữa cháy mùa nắng nóng đến tuần tra mùa mưa lũ, suốt ngày, thâu đêm, anh Lương cùng lực lượng của đơn vị đều trong tâm thế bám rừng sâu, ngăn chặn lâm tặc, bảo vệ các loài cây gỗ quý, động vật hoang dã (ĐVHD).

Trải qua bao chuyến tuần tra rừng, anh Lương đúc kết, mỗi mùa đều có những gian khó, khắc nghiệt riêng, nhưng với lực lượng bảo vệ “lá phổi xanh” mùa mưa lũ luôn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khó lường hơn.

“Có những vị trí đồi núi dựng đứng, anh em luôn tập trung cảnh giác, thận trọng từng giây từng phút, từng “mi li mét”, tay chân phải bám chặt cây rừng, bấu víu, tì chặt vào những hốc đá khi băng qua những tảng đá lớn, núi đồi chênh vênh. Tính mạng những lúc như thế này được anh em ví như “ngàn cân treo sợi tóc”, chỉ một chút sơ sẩy, bất cẩn sẽ trượt ngã, vực sâu nuốt chửng bất cứ lúc nào”, khi nhớ về những khoảnh khắc này anh Lương vẫn còn run.

 Anh Nguyễn Văn Lương gỡ bẫy thú rừng

Những cơn mưa lớn đổ xuống là nỗi sợ hãi của những người đang tuần tra rừng. Mưa lớn tạo ra những dòng chảy từ trên núi cao khiến nhiều tảng đá lớn, nhỏ lăn xuống vực. Nhiều anh em từng bị vấp đá trượt ngã, đổ máu, què chân. Nguy hiểm hơn khi bị đá lăn xuống đè lên người.

Anh Lương kể, trong chuyến tuần tra ở tiểu khu 234 vào mùa mưa lũ năm trước, trong lúc cố gắng băng qua đồi núi cao, anh Nguyễn Anh Kiệt, Tổ trưởng Tổ BVR Thủy An, xã Lộc Thủy (Phú Lộc) bất ngờ bị tảng đá lớn lăn xuống đè lên người. Anh Kiệt được tổ tuần tra kịp thời đưa đi cấp cứu, phải nằm viện 10 ngày chữa trị chấn thương. Anh em trong đội tuần tra kháo rằng: “Trong rủi có may. Nhờ phước đức giữ rừng, cứu nhiều ĐVHD… anh Kiệt mới giữ được tính mạng”.

Sên, vắt, rắn… cũng là nỗi sợ hãi thường trực đối với lực lượng bảo vệ rừng trong những chuyến tuần tra mùa mưa lũ kéo dài cả tuần. Suốt quá trình băng rừng, anh em luôn mang tất, bốt nhưng nhiều lúc vẫn bị vắt, rắn cắn chảy nhiều máu. Một số anh em từng bị rắn độc cắn phải cấp cứu bằng thuốc dự phòng và cây thuốc tại rừng.

Băng rừng, vượt suối trong điều kiện mưa gió, trơn trượt đã đành, trên vai mỗi người còn mang nặng, cồng kềnh ba lô chứa đầy lương thực, nước, công cụ hỗ trợ, bạt làm lán trại, dây băng suối, đèn pin, túi chống thấm bảo vệ máy móc…

Mỗi lần băng suối trong lúc mưa lớn bất ngờ, nước cuồn cuộn, chảy xiết, nhưng vì điều kiện công việc buộc phải nỗ lực vượt qua. Mặc áo phao, rồi anh em lần lượt níu chặt vào sợi dây dù, những người khỏe nhất đi trước là cách mà lực lượng BVR thường vượt suối thành công. Từng có những sơ sẩy xảy ra trong lúc vượt suối, rất may đội tuần tra hỗ trợ nhau ứng cứu kịp thời, an toàn tính mạng cho mọi người.

Mưa lớn, gió rừng mang theo rét buốt đến tê lòng, tổ tuần tra có đến 5-7 người nằm co ro trong căn lều bạt chật chội, không đủ che mưa. Dù anh em tổ tuần tra phân công thay phiên canh trực nhưng hầu như ai cũng thao thức thâu đêm vì mưa lạnh. Một số từng bị cảm lạnh ngay từ đêm đầu tiên ngủ rừng do suốt ngày băng đèo, vượt suối, đêm thì trằn trọc, thao thức.

Niềm vui chỉ thế thôi!

Suốt chuyến tuần tra rừng đối diện với nhiều gian khó, anh em BVR còn nơm nớp âu lo, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, cảnh báo mưa lũ để nhanh chóng di chuyển ra khỏi rừng trước khi lũ ập đến, nguy hiểm tính mạng.

Anh Nguyễn Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sao La (A Lưới) chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại chuyện các đồng nghiệp bị mắc kẹt trong rừng sâu do mưa lũ. Mất 10 ngày, cả nhóm mới tìm cách băng rừng, vượt suối trở về nhà an toàn. Riêng Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sao La vẫn còn kẹt lại trong rừng, nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó được các lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm, phát hiện và đưa ra khỏi rừng trong tình trạng sức khỏe yếu do mất nhiều ngày băng rừng, mưa rét, thiếu lương thực.

Anh Thanh bảo, tuần tra rừng mùa mưa lũ nếu “suôn sẻ” còn đỡ, chứ gặp lâm tặc đang hoạt động thì hiểm nguy càng khó lường. Còn nhớ chuyến tuần tra rừng cách đây mấy năm, lực lượng kiểm lâm A Lưới phối hợp với chiến sĩ biên phòng tuần tra rừng giáp ranh giữa Nam Đông và A Lưới, phát hiện bốn đối tượng phá rừng với các phương tiện và 4 mét khối gỗ khai thác trái phép.

Đấu tranh, bắt giữ lâm tặc đã khó, trên đường dẫn giải người vi phạm và tang vật trở về, bất ngờ mưa lớn, nước lũ ở thượng nguồn Hữu Trạch lên nhanh và dâng cao, nhóm tuần tra bị mắc kẹt trong rừng. Mất 10 ngày, cả nhóm băng rừng, vượt suối với bao hiểm nguy mới về đến Trạm Kiểm lâm Tu Re an toàn.

“Gian khó, thách thức nhiều, niềm vui đôi khi cũng có! Mỗi chuyến vào rừng, khát khao lớn nhất cũng là niềm vui đối với lực lượng BVR, được phát hiện, nhìn thấy các loài ĐVHD, cây gỗ quý hiếm, thân lớn, các loài cây dược liệu. Gặp được các loài ĐVHD, động vật quý hiếm để minh chứng sự sinh tồn của chúng và công tác bảo vệ an toàn cho “mái nhà chung” của các loài động, thực vật rừng… Niềm vui với những người làm nhiệm vụ gác rừng chỉ có thế thôi”, Phó Đội trưởng Đội BVR chuyên trách thuộc Ban Quản lý RPHBHV Nguyễn Văn Lương cười.

Theo các cán bộ BVR, gặp được các loài cây thuốc đúng lúc còn hỗ trợ chữa trị anh em khi gặp nạn. Các loài thuốc thường gặp như dây hương, chè dây (nằm trong sách đỏ Việt Nam)… có tác dụng chữa trị đau bụng, dạ dày, hay cây mật nhân trị ngứa khi bị côn trùng đốt, cắn. Trong nhiều chuyến tuần tra, một số anh em thường bị côn trùng cắn, hay đau bụng quằn quại đã sử dụng các loại thuốc này chữa trị ngay tại rừng để tiếp tục hành trình còn kéo dài, gian nan phía trước.

Gian nan, hiểm nguy là thế, nhưng điều kiện thu nhập của lực lượng làm nhiệm vụ giữ rừng còn thấp, chưa đảm bảo đời sống. “Thu nhập của lực lượng BVR như tôi chỉ đủ mua sữa cho con”, lời của anh Lương. Nhiều người bám trụ với nghiệp BVR hầu hết vì niềm đam mê, tình yêu nghề rất lớn, có trách nhiệm và nhiều trăn trở trong công tác bảo tồn thiên nhiên, các loài thực vật, ĐVHD.

Anh Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý RPHBHV bảo rằng, chẳng trách gì khi nhiều cán bộ gắn bó với nghề từ nhiều năm nay đành gác lại bao tâm huyết, “giấc mơ” bảo vệ an toàn “lá phổi xanh” vì điều kiện thu nhập, đời sống rất thấp. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, riêng tại Ban Quản lý RPHBHV đã có 8 cán bộ BVR bỏ nghề để lại “khoảng trống lớn” đối với đơn vị. May mắn, thế vào “chỗ trống” là những người trẻ, tâm huyết, trách nhiệm với nghề gác rừng nhưng không ai dám chắc họ bám trụ được bao lâu.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, lựa chọn cán bộ “đúng, trúng”, trách nhiệm

Sáng 4/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, lựa chọn cán bộ “đúng, trúng”, trách nhiệm
Trách nhiệm với công tác tuyển quân

Gần 30 năm đảm nhiệm công tác tuyển quân, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Trần Xuân Toản, nhân viên Quân lực, Ban Tham mưu, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nam Đông luôn khắc phục khó khăn, trách nhiệm với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trách nhiệm với công tác tuyển quân
Trách nhiệm trước xã hội

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Trần Thị Kim Loan đánh giá: Ban Phụ nữ (PN) Công an tỉnh là một trong những đơn vị mạnh, có nhiều mô hình, chương trình cụ thể, thiết thực hướng về cơ sở, vì cộng đồng, trách nhiệm với người dân.

Trách nhiệm trước xã hội
Return to top