ClockThứ Bảy, 25/02/2023 06:45

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

TTH - Ngay trong những ngày cuối năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện đầu tư công năm 2023. Đây là quyết tâm lớn của Thừa Thiên Huế trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư côngĐề xuất 5 nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Dự án đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài đang được tích cực hoàn thành. Ảnh: MC

Tổng vốn đầu tư tăng 38% so với năm 2022

Theo dự báo, năm 2023 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, điều này kéo theo tình hình kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Thừa Thiên Huế cũng không ngoại lệ, khi đầu tư công tiếp tục được xem là động lực góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 9-10% trong năm 2023.

Tuy nhiên, chuyện giải ngân vốn đầu tư công vẫn có những mối lo. Năm nay, kế hoạch đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ 5.800 tỷ đồng, tăng khoảng 38% (khoảng 1.600 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 2.200 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025). Trong bối cảnh các vướng mắc liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng vẫn thường trực; các yếu tố bất lợi từ thời tiết, tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, giá cả vật liệu vẫn còn nhiều biến động... đã tác động, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án. Nếu không có các giải pháp cụ thể, quyết liệt ngay từ đầu năm, sẽ rất khó để hấp thụ hết số vốn được giao.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ Nhà máy rác Phú Sơn (Hương Thủy). Ảnh: NGỌC MINH

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 và đang được tỉnh áp dụng ngay từ các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó có làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023. Không để sau khi giao kế hoạch vốn, các dự án mới bắt đầu triển khai các công việc. Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Việc lựa chọn những cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm thực hiện kế hoạch triển khai đầu tư vốn đầu tư công; phân công trách nhiệm tới từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cũng rất cần thiết.

Ngoài ra, việc rà soát, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh theo quy định; kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng theo tháng bảo đảm theo quy định và phù hợp với thực tế cũng cần được quan tâm.

Phát huy vai trò người đứng đầu

Bài học kinh nghiệm cũng như những nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được chỉ ra. Quan trọng nhất hiện nay là, làm sao hạn chế được những vấn đề còn tồn tại đó để thúc đẩy được tình hình đầu tư. Và để đạt mục tiêu thúc đẩy giải ngân cần có giải pháp tổng thể, trước hết, phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành. Kinh nghiệm trong triển khai các dự án đầu tư cũng cho thấy, cùng một hệ thống thể chế, chính sách pháp luật, ở đâu có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của người đứng đầu và sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành liên quan, thì ở đó tiến độ giải ngân sẽ đạt cao.

Thừa Thiên Huế đã ban hành từ rất sớm chỉ thị về thực hiện đầu tư công năm 2023, phân công và gắn trách nhiệm, lộ trình thúc đẩy giải ngân đã phần nào thể hiện được quyết tâm này. Việc chỉ rõ các mốc thời gian quy định là căn cứ cụ thể để các chủ đầu tư dự án đốc thúc theo sát, nhằm thực hiện đúng lộ trình đặt ra cho từng dự án.

Cụ thể, với các dự án và gói thầu chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, yêu cầu đến ngày 30/6/2023 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2023, đến 15/12/2023 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023. Đối với các dự án và gói thầu khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2023, phải có số liệu giải ngân cho công tác xây lắp khi đến ngày 30/6/2023 và đến ngày 30/9/2023 phải giải ngân trên 70% kế hoạch vốn năm 2023, đến 31/12/2023 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023.

Các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 (cả chuyển tiếp và khởi công mới) đến ngày 30/6/2023 chưa giải ngân cho công tác xây lắp theo quy định trên, UBND tỉnh sẽ xem xét dừng giải ngân và điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán và chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc chuyển vốn cho các dự án khác. Với các dự án hoàn ứng, các dự án đã quyết toán và các dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2022 được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, chủ đầu tư hoàn tất thủ tục hoàn ứng và thanh toán trước 31/3/2023. Sau thời điểm trên, UBND tỉnh dừng giải ngân và điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán; chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc kéo dài thủ tục hoàn ứng và thanh toán, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân chung của tỉnh.

Trên cơ sở chỉ rõ các mốc thời gian tập trung giải ngân theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Các chủ đầu tư đăng ký và cam kết tiến độ giải quyết từng dự án, báo cáo UBND tỉnh, phân công lãnh đạo theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội, phát triển đô thị.

Các sở, ngành chuyên môn có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện dự án, đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật còn 2/3 thời gian theo quy định, tạo điều kiện tối đa giải quyết thủ tục cho các chủ đầu tư. Đồng thời, triển khai sử dụng phần mềm quản lý đầu tư công của tỉnh đến toàn bộ các địa phương, ban quản lý dự án và chủ đầu tư để tạo môi trường thuận lợi cho công tác phối hợp trong quản lý, giám sát đầu tư công.

HOÀNG ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công

Giao kế hoạch vốn sớm, song song hỗ trợ các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn ngay từ đầu năm đã tạo nên tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công, từ đây tạo thế và lực trong thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2024.

Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công
Tăng tốc giải ngân vốn giao thông ngay từ đầu năm

Tổng kế hoạch vốn xây dựng giao thông Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được giao năm 2024 là 56.666 tỷ đồng, mặc dù thấp hơn năm 2023, nhưng để giải ngân hết đòi hỏi ngành phải quyết liệt ngay từ đầu năm.

Tăng tốc giải ngân vốn giao thông ngay từ đầu năm
Triển khai thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu Quốc gia

Sáng 17/1, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì buổi họp giao ban việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi.

Triển khai thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu Quốc gia

TIN MỚI

Return to top