Cùng chủ trì hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương. Dự hội nghị tại đầu cầu 63 địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Trong khi, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Trong nước, là nước đang phát triển, có độ mở lớn, sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Do đó, đòi hỏi phải bản lĩnh, linh hoạt để điều hành phát triển kinh tế-xã hội, trong điều kiện bị tác động kép từ bên ngoài và những khó khăn nội tại.
Chính phủ xác định, đầu tư công vừa là nguồn lực, vừa là động lực của sự phát triển. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nhấn mạnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia quốc gia là những nhiệm vụ trọng tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng nhấn mạnh, các nhiệm vụ này có vai trò đặc biệt quan trọng về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, tháo gỡ các nút thắt, tạo nền tảng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, dẫn dắt đầu tư tư, mở ra không gian phát triển mới, tăng cường tính kết nối, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, xóa đói giảm nghèo, tăng nội lực của đất nước, tạo động lực cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Năm 2022, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, cắt giảm 5.000 dự án để tập trung vốn cho các công trình lớn, có ý nghĩa; tăng thu, tiết kiệm chi để dồn vốn cho đầu tư công. Năm 2022, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đạt gần 93,5% kế hoạch.
Theo Thủ tướng, dự kiến năm 2023, số vốn đầu tư công là gần 711,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 130 nghìn tỷ đồng so với 2022. Như vậy, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 nặng nề hơn so với năm 2022 và với yêu cầu cao hơn, chất lượng, hiệu quả hơn. Do đó đòi hỏi phải có sự quyết liệt vào cuộc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm; phấn đấu giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt ít nhất 95% kế hoạch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương thảo luận, làm rõ trách nhiệm; phân tích kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm; nhất là nêu những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết; chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo, giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện; đề xuất giải pháp và nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đến ngày 31/01/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, với 8 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch và 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước là 93,42%.
Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là hơn 711.684 tỷ đồng. Đến hết ngày 17/02/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 595.616,003 tỷ đồng, đạt 84,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 ước thanh toán đến 31/1 là hơn 12.819 tỷ đồng, đạt 1,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...
Theo TTXVN