Ghi nhận khỉ mặt đỏ còn tồn tại ở Khu BTTN Phong Điền
Tâm huyết, trách nhiệm
Một thời gian dài, công tác bảo tồn ĐVHD ở các khu rừng trên địa bàn huyện Phong Điền và một phần ở A Lưới thuộc vùng sinh thái Trường Sơn gần như bỏ ngỏ. Kể cả khi thành lập Khu BTTN Phong Điền, với đội ngũ cán bộ kiểm lâm chỉ chưa đầy 30 người, trong khi quản lý diện tích rừng gần 42 ngàn ha; chưa kể nhiều khu rừng sâu, khe suối hiểm trở khiến hoạt động, quá trình quản lý, bảo tồn ĐVHD gặp nhiều trở ngại.
“Chỉ có tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao mới có thể vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề bảo tồn ĐVHD”, ông Trần Xuân Hai- người gắn bó nhiều năm ở Khu BTTN Phong Điền khẳng định.
Chỉ chưa đầy 30 người, trong đó hơn một nửa làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, còn lại bộ phận khác, bất kể mùa mưa hay nắng nóng đều phân công tuần tra, giám sát bảo vệ rừng nói chung và bảo vệ ĐVHD nói riêng. Cao điểm có khi tuần tra kéo dài cả tuần, ăn ngủ trong rừng sâu, thiếu hụt lương thực phải ăn rau, củ rừng, uống nước suối là chuyện thường. Giấc ngủ chập chờn vì phải luôn cảnh giác, canh chừng thú dữ rình rập...
Gian nan, vất vả, kể cả các chế tài xử phạt nhưng lực lượng kiểm lâm của Khu BTTN Phong Điền cũng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình bảo vệ ĐVHD. Nạn săn bắt ĐVHD vẫn tái diễn, phổ biến, khó có thể ngăn chặn. Từ đó, lực lượng kiểm lâm nhận ra rằng, muốn bảo tồn hiệu quả cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân. Quá trình tuần tra, bám địa bàn, cán bộ kiểm lâm phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, thậm chí đến tận các hộ chuyên săn bắt, hoặc nghi săn bắt ĐVHD để vận động, nâng cao nhận thức trong bảo tồn ĐVHD.
Đến bất cứ đâu, cán bộ kiểm lâm cũng mang theo những hình ảnh các loài động vật quý hiếm, nguy cấp để giới thiệu với bà con; một phần để giới thiệu giúp người dân hiểu vai trò, giá trị của các loài, đồng thời khi phát hiện các loài động vật quý hiếm như trong bức hình sẽ báo với cơ quan chức năng.
Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn, chuyên dựa vào săn bắt ĐVHD, Khu BTTN Phong Điền hỗ trợ các mô hình sinh kế, chăn nuôi trồng trọt, từng bước giảm áp lực dựa vào rừng, ổn định cuộc sống; đồng thời hợp tác với lực lượng kiểm lâm bảo tồn ĐVHD…
Không chỉ gà lôi lam
Các chuyên gia động vật thế giới và Việt Nam đã phải ngỡ ngàng trước sự phát hiện về loài gà quý hiếm.
Một người dân ở thôn Hòa Bắc, xã Phong Mỹ (Phong Điền) trong quá trình đi săn bẫy vào năm 1998 đã bắt được một cá thể “gà lạ”, sau đó đưa về giao nộp cho cơ quan kiểm lâm. Loài “gà lạ” này sau đó được các chuyên gia trong và ngoài nước xác nhận là gà lôi lam mào trắng.
Loài trĩ quý hiếm vừa mới phát hiện ở Khu BTTN Phong Điền
Từ việc phát hiện loài gà lôi lam mào trắng tưởng chừng đã tuyệt chủng chính là cơ hội, điều kiện để tỉnh và các cơ quan chức năng thành lập Khu BTTN Phong Điền từ năm 2002 với diện tích khoảng 42 ngàn ha, tập trung trên địa bàn huyện Phong Điền và một phần ở A Lưới.
Khu bảo tồn được thành lập ban đầu chủ yếu phục vụ công tác nghiên cứu, phát hiện, bảo tồn loài gà lôi lam mào trắng. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn, lực lượng kiểm lâm và người dân vùng đệm đã phát hiện thêm nhiều loài ĐVHD quý hiếm khác. Trong đó có nhiều loài cũng đã từng công bố tuyệt chủng, hoặc có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Kết quả khảo sát đã ghi nhận, tại Khu BTTN Phong Điền có 44 loài thú (7 bộ và 20 họ); trong đó có 19 loài được đưa vào Sách đỏ IUCN (Liên minh BTTN Quốc tế), chiếm 43% và 16 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, chiếm 34%.
|
Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Phong Điền cho rằng, có thể nhiều khu rừng sâu trên địa bàn tỉnh đã từng hiện diện nhiều loài ĐVHD quý hiếm với số lượng cá thể lớn. Tuy nhiên, một thời gian dài thiếu sự quan tâm quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn động vật, nạn săn bắt trái phép diễn ra phức tạp, phổ biến khiến nhiều loài giảm mạnh số lượng cá thể, có nguy cơ tuyệt chủng.
Thành lập khu BTTN chính là cơ hội, tạo động lực cho ngành kiểm lâm nâng cao vai trò, trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo tồn ĐVHD. Các chuyên gia, dự án quan tâm hơn trong việc hỗ trợ bảo tồn, đặc biệt là các loài ĐVHD tại các khu rừng Phong Điền và một phần ở A Lưới. Hoạt động quản lý, bảo tồn được tổ chức, triển khai một cách quyết liệt, bài bản, khoa học. Công tác tuần tra, truy đuổi, xử lý vi phạm kết hợp với tuyên truyền, vận động và hỗ trợ sinh kế đã thật sự mang lại hiệu quả nên nạn săn bắt ĐVHD từng bước hạn chế. Bằng các biện pháp tuần tra, khảo sát, đặc biệt gần đây qua chương trình bẫy ảnh đã ghi nhận nhiều loài ĐVHD quý hiếm, nguy cấp vẫn còn tồn tại trong Khu BTTN Phong Điền.
Tại Khu BTTN Phong Điền thời gian qua đã ghi nhận thêm nhiều loài gà, chim quý khác như gà so Trung bộ, gà so ngực gụ, trĩ sao... Các loài thú quý hiếm khác tưởng chừng đã tuyệt chủng cũng được phát hiện như sao la, mang lớn, hổ, báo gấm, gấu ngựa, vượn đen má hung, cầy vằn, khỉ mặt đỏ... Trong số các loài thú được ghi nhận có hai loài lần đầu tiên được tìm thấy trong Khu BTTN Phong Điền là sao la và mang lớn. Hai loài này hiện chỉ được biết đến tại Việt Nam và Lào.
Bài, ảnh: Hoàng Triều