|
|
Người dân vừa nuôi vừa lo lắng khi giá heo quá thấp |
Mấy ngày nay, ông Hồ Đăng Định ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) đứng ngồi không yên khi đàn heo bắt đầu vào thời kỳ xuất chuồng nhưng chưa thể bán được. Nếu bán với giá chỉ 47-49 ngàn đồng/kg thì chắc chắn bị lỗ nặng, còn tiếp tục giữ heo lại nuôi cũng nhiều bất lợi, không biết khi nào giá mới tăng. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi heo hiện nay rất cao, gấp rưỡi đến gấp đôi so với trước.
Ông Định tính toán, với giá heo hơi thấp như hiện nay, bình quân mỗi con 60-70kg, người chăn nuôi có thể lỗ 1-2 triệu đồng. Ông Định và nhiều hộ nuôi tạm chấp nhận mạo hiểm khi giữ lại đàn lợn chờ tăng giá mới bán. Để cầm cự, hạn chế chi phí đầu tư, ông Định cũng như các hộ nuôi giảm cho ăn thức ăn công nghiệp, chuyển sang tận dụng thức ăn tươi như cám, rau xanh các loại sẵn có tại vườn.
Ông Trần Thiện Chương, chủ trang trại trên rú cát ở Quảng Điền bảo, với các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, gia trại vào thời điểm này còn đỡ lo vì thua lỗ chưa đến mức nặng nề. Nhưng các hộ nuôi theo mô hình trang trại hàng trăm đến hàng ngàn con thì lỗ nặng có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Với những đàn heo số lượng lớn đến kỳ thu hoạch gần như người chăn nuôi buộc phải bán, chấp nhận thua lỗ, bởi càng nuôi càng lỗ nặng do giá thức ăn quá cao.
Từ nhiều năm nay, giá heo hơi liên tục biến động thất thường theo chiều bất lợi đối với người chăn nuôi. Giá heo hơi phải dao động ở mức 55 ngàn đồng/kg trở lên thì người dân mới có lãi, nhưng không nhiều. Còn giá chỉ dưới 50 ngàn thì may ra hòa vốn. Đến ngày 17/4, giá heo hơi tầm 47-49 ngàn đồng là ở mức quá thấp; mức giá này cũng diễn ra trong thời gian khá dài, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 đến nay khiến người dân lao đao.
|
|
Chăn nuôi an toàn cũng ảnh hưởng do giá heo thấp |
Trong khi đó, qua khảo sát thị trường cả nước, trong đó có Thừa Thiên Huế, giá thức ăn chăn nuôi heo hiện dao động từ 280-370 ngàn đồng/bao trọng lượng 25 kg; thức ăn chăn nuôi gà hiện dao động từ 270-350 ngàn đồng/bao 25 kg. Mức giá này tăng khoảng 100 ngàn đồng so với cùng kỳ năm trước. Giá heo hơi ngày càng thấp, trong khi thức ăn ngày càng tăng khiến người chăn nuôi thua lỗ là điều tất yếu. Giá thức ăn trong nước tăng cao được xác định là do nguồn nguyên liệu chế biến nhập khẩu từ nước ngoài liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, giá heo hơi hiện nay giảm không chỉ ở Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế mà là xu hướng chung của toàn thế giới. Nguyên nhân này được xác định là do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn thực phẩm từ heo. Điển hình như ở Trung Quốc, giá heo hơi hiện nay cũng chỉ dao động 49 ngàn đồng/kg. Giá heo hơi ở Philippines, Thái Lan... cũng ở mức tương tự.
Ông Hưng cho rằng, nói về “cung cầu” thì nguồn thực phẩm từ heo không phải thừa so với nhu cầu tiêu thụ. Nhưng thời gian qua, sức mua giảm do suy thoái kinh tế, người dân tiết giảm chi tiêu đã tác động “tiêu cực” đến khả năng tiêu thụ thịt heo. Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài mà ngành chăn nuôi khuyến cáo, người dân cần hướng đến chăn nuôi theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị
Một nghịch lý hiện nay cho thấy, trong khi giá heo hơi tại chuồng trại ở mức rất thấp thì giá thịt heo đã giết mổ tại các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn dao động ở mức khá cao. Chị Nguyễn Thị Thương ở TP. Huế thắc mắc: “Rất khó hiểu khi giá heo hơi giảm, người nuôi thua lỗ, nhưng giá thịt heo ở các chợ vẫn không giảm, thậm chí ở mức cao”.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công thương, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 10,32 triệu tấn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, tiêu tốn 5,6 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 13,6% về trị giá so với năm 2021. Dự báo năm 2023, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng so với năm 2022, ước đạt khoảng 10,5 triệu tấn, trị giá 5,55 tỷ USD… |