Bảo quản thực phẩm tươi sống tại siêu thị
Tự phát theo nhu cầu
Dù kinh doanh dịch vụ ăn uống với quy mô nhỏ nhưng để chủ động nguồn thực phẩm phục vụ khách, chị Nguyễn Thị Hồng Loan ở phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy đầu tư một chiếc tủ đông lạnh trữ thịt, cá, tôm chưa qua chế biến. Theo chị Loan, tiện lợi của tủ đông là thời gian làm lạnh nhanh, giúp bảo quản thực phẩm chưa qua chế biến được lâu hơn. Nhất là trong thời gian gần đây, khi giá thịt heo giảm bình quân từ 10- 20 ngàn đồng/kg tùy loại thịt, nên chị mua về dự trữ, phòng lúc lên giá và cũng là cách “hỗ trợ” bạn hàng trong thời điểm thịt heo ế ẩm.
Hình thức bảo quản thịt tươi sống bằng tủ đông lạnh hầu hết đang được các quán ăn, nhà hàng, khách sạn áp dụng với công suất khác nhau tùy nhu cầu nguồn thực phẩm cần dự trữ. Tại những siêu thị lớn như Co.opmart Huế, Big C Huế, tùy từng loại thực phẩm mà được bảo quản theo chế độ đông hoặc mát. Anh Lê Diên Nơ, Trưởng bộ phận marketing- Siêu thị Co.opmart Huế cho biết, thông thường, hệ thống cấp đông chỉ phục vụ cho các đơn vị sản xuất là chủ yếu. Tại siêu thị chỉ có hệ thống bảo quản đông hoặc mát tùy từng loại thực phẩm được nhập về, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, nhiệt độ, chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Một số siêu thị bảo quản thịt tươi sống ở chế độ đông hoặc mát tùy nguồn hàng
Việc cấp đông thịt đã được quy định rõ về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh thú y, bao gói, bảo quản, vận chuyển. Tuy nhiên, với cách bảo quản đông thông thường ở các điểm kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, hầu như rất khó kiểm soát.
Chủ động lực lượng vật chất
Ngoài những vùng nuôi heo có số lượng tương đối lớn ở các trại nuôi Quảng Điền, Phú Vang, hiện nay, trên địa bàn huyện Phong Điền có 6 trang trại (TT) chăn nuôi heo quy mô vừa và lớn, nuôi gia công cho Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV), trong đó có 3 TT đang sản xuất quy mô 8.000 con heo thịt/lứa và 3 TT đang xây dựng quy mô 2.400 con heo nái và 10.000 con heo thịt, dự kiến năm 2018 sẽ đi vào sản xuất.
Thịt heo cấp đông đúng quy trình phải được kiểm dịch, đông lạnh hơn 5 giờ trong nhiệt độ âm 450 C để đạt được âm 200 C ở tâm sản phẩm, rồi mới trữ lạnh. Sau khi lạnh đông, thịt được bảo quản trong kho lạnh chuyên dùng, không có mùi lạ, đảm bảo vệ sinh nhiệt độ từ âm 18- 220 C. Nếu để cấp đông từ âm 180 đến âm 300 C thì để được 6- 12 tháng; nếu cấp đông sâu ở âm 360 C thì để được 18 tháng.
|
Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, các TT chăn nuôi heo phần lớn được nuôi gia công, chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị của Công ty CPV, được bao tiêu sản phẩm nên đã hạn chế những ảnh hưởng do giá heo thịt giảm thời gian qua. Đối với hộ chăn nuôi nông hộ, gia trại quy mô nhỏ, sản phẩm chăn nuôi cơ bản vẫn là tiêu thụ nội địa trong địa bàn huyện, tỉnh.
Không phải ở đâu cũng có được sự liên kết giữa người chăn nuôi với nhà phân phối, sản xuất, chế biến, tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm. Rõ nhất là hiện vẫn còn rất nhiều hộ nuôi trên địa bàn tỉnh đang tự “bơi” với bầy heo đến kỳ xuất chuồng, mức lỗ từ 800 ngàn-1 triệu đồng/con.
Ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, để giải quyết thị trường cung cầu, giá cả, ngoài phát triển các cơ sở chế biến, phát triển các ngành đầu vào, tạo chuỗi liên kết từ nhà sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, chúng ta cần tăng cường khâu dự trữ, tức khâu hậu cần để có lực lượng vật chất đảm bảo cung cầu cho thị trường và phục vụ chế biến, xuất khẩu. Vì, một khi chủ động được lực lượng vật chất mà cụ thể ở đây là thực phẩm thịt cấp đông thì sẽ điều tiết được cung cầu thị trường.
Điều PGS.TS-GVCC Nguyễn Đức Hưng, Trường đại học Nông lâm- Đại học Huế lo ngại là thói quen của người tiêu dùng chỉ thích ăn thịt “nóng” (thịt tươi) đang làm khó cho việc tiêu thụ thịt heo dự trữ trong thời điểm hiện nay. Nên cần thay đổi thói quen, suy nghĩ của người dân để chuyển từ ăn thịt tươi sang ăn thịt lạnh, thịt nguội, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng. Trong lúc sản phẩm nhiều hơn, chúng ta hỗ trợ đầu ra cho người chăn nuôi bằng phương pháp đông lạnh sản phẩm, khi đưa ra thị trường sau một thời gian sẽ không bị mất giá.
Hiện nay, tại Công ty CPV có kho lạnh chứa 900 tấn, nhưng chủ yếu chỉ phục vụ đông lạnh thủy sản. Còn việc trữ đông thịt hiện chỉ đang áp dụng tại chi nhánh tổng công ty ở Đồng Nai. Ngoài ra, trên địa tỉnh còn có thêm 2 kho đông lạnh khác, nhưng mục đích chủ yếu phục vụ đông lạnh thủy hải sản để phục vụ xuất nhập khẩu. Trong đó có Công ty CP Phát triển thủy sản Huế (TP. Huế) với kho chứa 5.000 tấn và Công ty CP Thủy sản Phú Thuận An (Phú Vang) với kho chứa 100 tấn.
Bài, ảnh: Hoài Thương