ClockThứ Hai, 21/12/2020 15:03

Giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế 2021

Muốn phục hồi kinh tế trong bối cảnh cả cầu trong nước và ngoài nước vẫn đang suy giảm bởi tác động của dịch bệnh thì cần phải có các giải pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn.

Tăng thêm 1 bậc, Chỉ số phát triển con người của Việt Nam nói lên điều gì?Tạo đột phá trong phát triển dịch vụ, du lịch, thương mạiHướng đến phát triển bền vững Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô - bài 2: Lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, hài hòa trong phát triểnHướng đến phát triển bền vững Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô - Bài 1: Bộc lộ xung đột, kìm hãm trong phát triển

Ảnh minh họa

Nhiều dự báo khả năng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng trên 7% trong năm 2021. Tuy nhiên, trước rất nhiều khó khăn cả trước mắt và lâu dài, có những quan điểm cho rằng ngay cả khi khống chế dịch tốt ở cả thế giới và Việt Nam, nhưng nếu không có các biệp pháp cấp bách mạnh mẽ gắn với các giải pháp vĩ mô, xuyên suốt và quyết liệt trong điều hành thì rất khó có khả năng đạt được những chỉ tiêu, kế hoạch mà Chính phủ và Quốc hội đã đề ra.

Vậy, giải pháp cần và đủ để có thể khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế… để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất gắn với ổn định vĩ mô là gì?

Năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra đó là “tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Chính phủ đã trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%... Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%/năm…

Để đạt được mục tiêu, Chính phủ đã đặt ra ít nhất 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, có thể kể đến như: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19; Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm; Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Theo các chuyên gia, 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo xuất phát điểm, nền tảng tốt cho giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, cần ưu tiên dành nguồn lực để tăng tốc phát triển, hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ kế hoạch của năm quan trọng này. Đẩy mạnh đầu tư công vẫn tiếp tục được khuyến nghị là ưu tiên số 1 trong các giải pháp cấp bách giúp phục hồi kinh tế khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.

Đánh giá cao các biện pháp cấp bách trong điều hành của Chính phủ trong năm 2020, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành cho rằng, cần tiếp tục nhưng ở cấp độ cao hơn, trong đó, cần đặc biệt lưu ý tới các tác động từ bên ngoài như những “cú sốc” về rủi ro tài chính, thiên tai, dịch bệnh.

“Hiện nay tinh thần phải làm là tinh thần thời chiến, ứng phó phải nhanh, phải quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc của tất cả, điều mà chúng ta đã làm tốt trong phòng chống dịch. Trong thực thi các chính sách kinh tế hỗ trợ chưa tốt chính vì vậy mà rất nhiều vấn đề của các gói hỗ trợ tạm gọi là những gói của chính sách tháng 3, tháng 4 hiện nay chúng ta vẫn có thể tiếp tục làm mạnh… Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nghĩ đến những chính sách mới tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động vượt qua khó khăn” - TS Võ Trí Thành nói.

TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tư duy điều hành và khung khổ điều hành cần phải có những đột phá. Theo đó, mục tiêu phải nhấn mạnh tới phục hồi kinh tế, mà muốn phục hồi kinh tế trong bối cảnh cả cầu trong nước cũng như cầu ngoài nước vẫn đang suy giảm bởi tác động của dịch bệnh Covid-19 thì cần phải có ngay các giải pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn, cụ thể và thực chất hơn để phục hồi tăng trưởng.

“Kích thích kinh tế thì rõ ràng là chính sách tiền tệ phải khác, đặc biệt là chính sách tài khóa phải rất khác, thâm hụt ngân sách phải lớn hơn, nợ công thay đổi và kèm với đó thì phải tập trung kích thích kinh tế vào đâu và chi tiêu của nhà nước phải tăng lên, đặc biệt chi tiêu về đầu tư… Chúng ta đã có hàng loạt dự án đầu tư công quan trọng quy mô lớn lớn về hạ tầng vào khu vực TPHCM và xung quanh cũng như là khu vực ĐBSCL, Hải Phòng... Hãy mở không gian đầu tư và tạo ra những trung tâm của dịch vụ logistics” - TS Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Lương Văn Khôi cho rằng, đầu tư công đang là điểm sáng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc tăng cường giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công tại các công trình, dự án đã xác định, TS Lương Văn Khôi nhấn mạnh tới việc điều hành của Chính phủ phải “chấp nhận thâm hụt ngân sách để có những khoản đầu tư tạo đà tăng trưởng lâu dài” cho nền kinh tế - thông qua “những khoản đầu tư không hối tiếc” - có thể gọi là gói kích thích kinh tế đặc biệt nhất hiện nay - đó chính là những khoản đầu tư lớn, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, lâu dài, trong đó, cần tập trung vào các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các công trình “điện, đường, trường, trạm” ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi để thúc đẩy cơ sở hạ tầng gắn với an sinh xã hội.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, cả trong trước mắt và lâu dài, phải kiên định với việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần tập trung đầu tư vào chuyển đổi số. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến các thị trường truyền thống ở nhiều nơi phải hạn chế, thậm chí đóng băng. Nhưng dịch bệnh cũng cho thấy cơ hội phát triển những lĩnh vực phi truyền thống, và những ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 đã được doanh nghiệp khai thác hữu hiệu.

Từ những đóng góp trong hoạt động thương mại xuất nhập khẩu vào kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2020, trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cho giá trị gia tăng cao ở thị trường EU (như gạo, thủy sản…) khi tận dụng ngay được các cam kết xóa bỏ thuế quan từ Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Các chuyên gia nhấn mạnh giải pháp hỗ trợ cung cấp thông tin về các thị trường xuất nhập khẩu có lợi thế, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Cùng với đó, các chuyên gia nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng thị trường nội địa, coi đây là giải pháp căn bản để đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng và tiêu dùng cốt yếu. Điều này đã được khẳng định trên thực tế diễn biến dịch bệnh Covid-19 cũng như để đảm bảo cho phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diễn đàn Đô thị thế giới lần thứ 12: Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà ở toàn cầu

Trong bối cảnh dân số thế giới di chuyển không ngừng và nhanh chóng đến các thành phố, giải pháp để đảm bảo môi trường đô thị bền vững và an toàn cho người dân sẽ là một trong những nội dung được tập trung giải quyết tại Diễn đàn Đô thị thế giới lần thứ 12. Sự kiện đang được tổ chức từ ngày 4 - 8/11 tại Thủ đô Cairo, Ai Cập.

Diễn đàn Đô thị thế giới lần thứ 12 Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhà ở toàn cầu
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Khi người dân có “điểm tựa”

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, người dân Phú Vang đã nỗ lực vươn lên, chung sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế.

Khi người dân có “điểm tựa”
Return to top