|
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương cũng đang gặp một số khó khăn trong GPMB |
Rào cản mặt bằng
Các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là điểm nghẽn lớn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công của tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên Huế tập trung thực hiện các dự án có khối lượng đền bù, di dời dân cư rất lớn như: di dời dân cư, GPMB khu vực 1 di tích Kinh thành Huế; tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương cùng các dự án hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang đô thị khác...
Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (dự án các đô thị xanh) cũng không ngoại lệ. Dự án này có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược và tầm ảnh hưởng lớn. Trong 10 gói thầu xây lắp thuộc dự án đến nay có 2 gói thầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và 8 gói thầu đang triển khai thi công. Trong số các gói thầu đang thi công thì có đến 6 gói thầu cần GPMB và đang gặp phải các vướng mắc liên quan.
Có thể lấy gói thầu hệ thống thoát nước và vỉa hè 4 phường nội thành; nạo vét và kè hồ kinh thành; chỉnh trang và xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba làm ví dụ. Gói thầu có giá trị hợp đồng 224,21 tỷ đồng, khởi công từ ngày 20/4/2021 dự kiến hoàn thành ngày 20/4/2024 do Công ty CP Xây dựng và Thương mại 299 thực hiện. Tuy nhiên đến nay, gói thầu này mới chỉ đạt gần 70% giá trị xây lắp theo hợp đồng.
Nguyên nhân gói thầu này chậm so với tiến độ được giao theo lý giải của Ban quản lý dự án chính là một số tuyến đường Tạ Quang Bửu, Trần Nhật Duật có một số hộ chưa bàn giao mặt bằng nên ảnh hưởng công tác thảm bê tông nhựa. Công tác thi công điện chiếu sáng cũng mới chỉ thực hiện 5/16 tuyến, các tuyến còn lại vướng GPMB nên chưa thể hoàn thành công tác thi công. Công tác GPMB hồ Hữu Bảo còn vướng GPMB 2 hộ tái định cư nên chưa thể triển khai thi công.
Không riêng dự án các đô thị xanh, hiện, trên địa bàn có khoảng 30 dự án sử dụng vốn đầu tư công do cấp tỉnh quản lý đang gặp các khó khăn trong công tác GPMB. Nhiều dự án đã phải tạm dừng thi công trong thời gian dài do chưa có mặt bằng sạch. Mặc dù đã được các cấp chính quyền của tỉnh quan tâm, yêu cầu các địa phương đảm bảo mặt bằng để triển khai dự án và thi công theo tiến độ nhưng công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh vẫn còn nhiều điểm đáng bàn.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Theo lý giải của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, nguyên nhân khách quan xuất phát từ khối lượng đền bù, di dân lớn, các vướng mắc liên quan đến thể chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai và các quy định liên quan. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân chủ quan xuất phát từ những bất cập từ chính nội tại công tác triển khai thực hiện dự án. Cụ thể, công tác GPMB trên địa bàn vẫn còn tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do quy trình thủ tục pháp lý chưa chặt chẽ. Các khu tái định chưa đồng bộ với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; dẫn đến việc chưa sẵn sàng quỹ đất để bố trí tái định cư khi triển khai thực hiện dự án.
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án, UBND tỉnh đã cử một Phó Chủ tịch trực tiếp phụ trách công tác GPMB và thành lập hội đồng tư vấn giải quyết vướng mắc trong tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải tỏa và tái định cư. Trong đó, các thành viên của Hội đồng tư vấn là lãnh đạo các sở, ngành có liên quan trực tiếp hỗ trợ các địa phương và chủ đầu tư trong công tác GPMB, đặc biệt là xử lý dứt điểm các dự án có vướng mắc kéo dài trong nhiều năm.
UBND tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản, yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường phối hợp và có phương án hỗ trợ địa phương trong công tác GPMB, hoàn thành dứt điểm các dự án đang tạm dừng thi công trong thời gian dài do chưa có mặt bằng sạch. Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải xem công tác GPMB đối với các dự án đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu các dự án triển khai trên địa bàn do mình quản lý bị chậm tiến độ hoàn thành do vướng mắc trong công tác GPMB.
Tỉnh cũng ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh thực hiện các dự án xây dựng khu tái định cư, bố trí đủ vốn cho công tác GPMB của các dự án, chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh. Ngoài ra, để có cơ sở định giá đất thu hồi, đảm bảo xác định giá bồi thường sát giá thị trường, tạo thuận lợi cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, UBND tỉnh cũng kịp thời ban hành các quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trong năm.
Giải pháp nhiều là vậy, song công tác GPMB vẫn còn là điểm nghẽn chưa tháo gỡ được. Trước đây, không ít lần các chủ đầu tư đưa ra kiến nghị, tách hợp phần GPMB khỏi dự án thành 1 dự án độc lập với kỳ vọng giảm bớt áp lực cho các địa phương, chủ đầu tư trong thực hiện GPMB, tuy nhiên kiến nghị này đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đề xuất dự án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập. Theo đó, công tác bồi thường, GPMB có thể làm song song với quá trình phê duyệt dự án đầu tư. Cách làm này được kỳ vọng là giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là đầu tư các dự án trọng điểm trong thời gian tới.