|
|
Người dân trồng cây tại khu vực thuộc mỏ đá vôi Phong Xuân giai đoạn 2 |
Còn nhiều vướng mắc
Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, tiến độ công tác GPMB mỏ đá vôi Phong Xuân giai đoạn 2 hiện nay khá chậm, ảnh hưởng đến sản xuất của Nhà máy Xi măng Đồng Lâm, cũng như gây lo lắng cho người dân trên địa bàn. Cụ thể, giai đoạn 2 mỏ đá vôi Phong Xuân dù đã được UBND huyện Phong Điền ra thông báo thu hồi đất và triển khai thực hiện từ ngày 18/2/2021 (Thông báo số 19/TB-UBND ngày 18/2/2021), nhưng đến nay công tác GPMB vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa được giải quyết.
Theo Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 18/2/2021 của UBND huyện Phong Điền về việc thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm GPMB cho Dự án mỏ đá vôi Phong Xuân giai đoạn 2, thì dự án sẽ hoàn thành công tác kiểm kê, kiểm đếm trước ngày 31/5/2021 và hoàn thành việc lập, niêm yết công khai phương án bồi thường, GPMB trước ngày 20/8/2021. Tuy nhiên, đến hết tháng 3/2023, dự án mới phê duyệt di dời được một số lăng mộ (hiện mới có 23 hộ dân đồng ý di dời lăng mộ).
Ông Phạm Phước Hiền Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Đồng Lâm cho biết, đối với cây trồng và đất đai thì hiện vẫn chưa được UBND huyện Phong Điền niêm yết phương án đền bù, GPMB. Mặc dù công tác kiểm kê, kiểm đếm đã hoàn thành 100% diện tích cây trồng (khoảng 35ha) và 100% số lăng mộ (145 lăng mộ) trong tháng 5/2022. “Tính từ thời điểm hoàn thành việc kiểm kê, kiểm đếm thì tới nay đã hơn 10 tháng, nhưng UBND huyện vẫn chưa triển khai thực hiện việc niêm yết phương án đền bù cho phần cây trồng, đất đai mặc dù UBND xã Phong Xuân đã hoàn thành việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, thời gian hình thành tài sản vào tháng 1/2022”, ông Hòa cho biết thêm.
Theo ông Phạm Phước Hiền Hòa, tiến độ thực hiện công tác đền bù, GPMB giai đoạn 2 mỏ đá vôi quá chậm trễ, dù Đồng Lâm đã nhiều lần gửi văn bản và đề xuất hỗ trợ tới UBND huyện Phong Điền và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Việc triển khai công tác đền bù, GPMB giai đoạn 2 mỏ đá vôi chậm trễ hiện không chỉ gây ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất của nhà máy mà còn gây lo lắng trong khu dân cư, đặc biệt là các hộ dân đã phối hợp kiểm kê, kiểm đếm từ thời điểm tháng 3/2021. Việc chậm trễ di dời đã làm ảnh hưởng tới kế hoạch canh tác, đời sống của người dân có liên quan...
Giảm thiểu ảnh hưởng
Theo Công ty CP Xi măng Đồng Lâm, việc trồng cây “hóng” đền bù của một số hộ dân trước đây, hiện nay vẫn chưa được giải quyết, do chính quyền địa phương chưa niêm yết phương án đền bù cây trồng, đất đai. Tuy nhiên, quan điểm của Đồng Lâm là giải quyết hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, trong đó ưu tiên lợi ích của người dân và cũng phải làm rõ các trường hợp người dân cố tình vi phạm quy định pháp luật trong công tác đền bù, GPMB.
Liên quan đến việc nổ mìn gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, từ đầu năm 2020, Đồng Lâm đã phối hợp với chính quyền và người dân thành lập tổ giám sát nổ mìn. Tổ này gồm thành viên là cán bộ xã, đại diện người dân lân cận mỏ và cán bộ Đồng Lâm có nhiệm vụ giám sát, ký biên bản mỗi cuộc nổ mìn và từ năm 2020 tổ này đã xác nhận không có tình trạng bụi bay ra nhà dân.
Đơn vị khai thác mỏ Tân Việt Bắc đã thực hiện nổ mìn với khối lượng mỗi lần nổ đều dưới mức cho phép (cho phép nổ đến 3 tấn nhưng chỉ nổ khoảng 1,5 tấn, tối đa là 2 tấn) và kết quả đo rung chấn nổ mìn được Sở Công thương chủ trì đo đạc cho kết quả mức rung chấn không quá 50% so với Quy chuẩn Việt Nam. Dù vậy, Đồng Lâm luôn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết các kiến nghị, đảm bảo lợi ích các bên và ưu tiên quyền lợi người dân, hỗ trợ người dân sửa chữa, khắc phục ngay khi có thông tin về nhà dân bị rạn nứt.
Ông Phạm Phước Hiền Hòa khẳng định, thời gian tới, Đồng Lâm tiếp tục thực hiện các giải pháp kỹ thuật nổ mìn nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến người dân. Cụ thể, giải pháp được triển khai là tất cả các máy khoan thực hiện khoan lỗ mìn đều thực hiện lắp đặt hệ thống hút bụi và thực hiện nghiêm túc công tác tưới nước vào lỗ khoan để giảm thiểu tối đa lượng bụi phát sinh trong quá trình khoan lỗ mìn. Giảm lượng thuốc nổ cho mỗi bãi nổ để giảm thiểu tối đa rung chấn nổ mìn. Sử dụng phương pháp nổ mìn tiên tiến nhất hiện nay là phương pháp “nổ mìn vi sai phí điện” để giảm thiểu rung chấn. Chỉ thực hiện dùng búa đập thủy lực để phá đá quá cỡ (không sử dụng nổ mìn lỗ khoan nhỏ để phá đá quá cỡ như thông thường).
Trước khi tiến hành, thông báo cho chính quyền và người dân về kế hoạch nổ mìn tại mỏ đá trước 1 ngày để nắm thông tin. Khi nổ mìn cần lựa chọn thời điểm hướng gió cho phù hợp để giảm thiểu bụi bay về hướng có nhà cửa, đồng ruộng của dân. Thành lập tổ giám sát nổ mìn, sau mỗi bãi nổ, tổ giám sát sẽ lập biên bản đánh giá, ghi nhận tình trạng nổ mìn có để khói bụi bay về phía dân cư hay không. Nếu để khói bụi bay ra dân cư sẽ xử phạt nhà thầu 10.000.000 đồng/lần (chi phí này gửi về cho chính quyền địa phương để chi trả, hỗ trợ thêm cho các hộ dân bị ảnh hưởng).
Tổng chi phí Đồng Lâm hỗ trợ dân cư lân cận xung quanh mỏ đá vôi từ 2014 đến nay là hơn 19,5 tỷ đồng, bao gồm các khoản hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ sửa chữa nhà dân, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng. Cụ thể, hỗ trợ khói bụi, tiếng ồn mỗi người 400.000 đồng/tháng từ tháng 6/2020 đến hết tháng 3/2023 hơn 2,1 tỷ đồng đồng; hỗ trợ sửa chữa rạn nứt nhà dân đến tháng 3/2023 hơn 6,1 tỷ đồng. Gần đây nhất, Đồng Lâm đã phối hợp với chính quyền xã hỗ trợ, sửa chữa, xây mới lại chuồng gà cho gia đình ông Thái Văn Nhớ với tổng chi phí 20,5 triệu đồng. |