Phát thải khí nhà kính lớn
Trong sản xuất nông nghiệp, nguồn phát thải khí nhà kính (PTKNK) chủ yếu là mê tan (CH4), ôxit nitơ (N2O), monoxit cacbon (CO) và ôxit nitrogen (NOx).
Kiểm tra lượng phát thải khí tại đồng ruộng
Kết quả kiểm kê khí nhà kính khu vực nông nghiệp năm 2000, trồng lúa có nguồn phát thải CH4 lớn nhất, chiếm 57,5% tổng lượng phát thải của nông nghiệp, tiếp đến là chăn nuôi gia súc 17,2%. Tổng PTKNK trong ngành nông nghiệp với điều kiện canh tác bình thường khoảng 95,74 triệu tấn CO2; năm 2005 là 100,64 triệu tấn và năm 2010 là 83,55 triệu tấn. Kết quả tính toán, tổng PTKNK đến năm 2030 lên tới 96,7 triệu tấn.
Trước thực tế đó, Bộ NN&PTNT đã triển khai “Đề án giảm PTKNK trong nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020”, hướng đến giảm phát thải 20% lượng khí nhà kính trong nông nghiệp, nông thôn (18,87 triệu tấn CO2e) đến năm 2020. Các giải pháp cụ thể được khuyến khích như: ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước tưới và chi phí đầu vào cho các vùng sản xuất lúa có khả năng tưới tiêu chủ động, ưu tiên vùng trọng điểm sản xuất lúa.
Từ năm 2011-2018, nhóm nghiên cứu của GS, TS. Trần Đăng Hòa, Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế hợp tác với Viện Môi trường nông nghiệp Nhật Bản (NIAES), Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), Trường đại học Khoa học ứng dụng Cologne – Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện dự án “Nghiên cứu giải pháp giảm PTKNK ở các vùng sản xuất lúa tại Đông Nam Á”. Dự án hướng đến thiết lập xây dựng hệ thống PTKNK tại miền Trung Việt Nam; hợp thức hóa biện pháp tưới nước khô xen kẽ (AWD) trong sản xuất lúa nhằm giảm PTKNK.
Hiệu quả từ phương pháp tưới khô xen kẽ
Kết quả nghiên cứu tại huyện Nam Phước và Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trong hai vụ hè thu 2011 và đông xuân 2011 – 2012 cho thấy, phát thải khí CH4 từ mô hình trồng lúa ngập nước thường xuyên (tưới ngập nước từ giai đoạn cây con, đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông và chín) cao hơn so với công thức tưới nước khô xen kẽ và tưới ngập khô xen kẽ (AWD), tức chỉ tưới ngập ở giai đoạn cây con và trổ bông, để nước khô ruộng ở giai đoạn đẻ nhánh.
Đo lượng phát thải tại ruộng
Trong một số kết quả nghiên cứu liên quan của GS. Trần Đăng Hòa chỉ rõ, áp dụng tưới nước khô xen kẽ (AWD) có thể tiết kiệm nước tưới và tăng năng suất lúa so với phương pháp tưới ngập truyền thống.
Thí nghiệm tiếp tục được tiến hành trên địa bàn Thừa Thiên Huế liên tục từ năm 2013 đến năm 2017 trong 6 vụ lúa và xây dựng 2 mô hình thử nghiệm với diện tích 6 ha trên đất phù sa tại HTX Hương An, phường Hương An, TX. Hương Trà.
Từ kết qủa nghiên cứu, GS. Trần Đăng Hòa cho rằng, quản lý nước, phân bón là những yếu tố ảnh hưởng lượng phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính. Trong canh tác lúa, nước là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất. Cây lúa cần ngập nước ở giai đoạn cây con và trổ bông. Các giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, cây lúa chỉ cần lượng nước đủ ẩm. Mực nước an toàn trên đồng ruộng ở giai đoạn này có thể dưới 15cm so với mặt ruộng. Việc cung cấp và duy trì mức nước hợp l ý trên ruộng là cần thiết để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất cao.
Áp dụng biện pháp tưới nước khô xen kẽ không làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, không có sự sai khác về lượng khí N2O phát thải nhưng giảm được lượng khí CH4, giảm được lượng nước tưới trên cùng một đơn vị diện tích. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sản xuất lúa nước phát thải khoảng từ 500 kg CH4/ha vụ đông xuân đến 644 kg/ha vụ hè thu. Áp dụng phương pháp tưới nước khô xen kẻ (AWD) giảm phát thải khí CH4 đến 26% so với phương pháp tưới ngập thường xuyên. Tại Quảng Nam, lợi nhuận thu được từ việc áp dụng biện pháp tưới nước khô xen kẽ từ 6 triệu đồng/ha; trong khi tính trung bình tại Thừa Thiên Huế là 6,3 triệu đồng/ha, cao hơn so với việc tưới nước ngập liên tục.
Vì vậy, cần có các chính sách phù hợp để đưa mô hình này vào sản xuất và triển khai đồng bộ và hiệu quả. Tại Quảng Nam hiện có trên 10.000 ha ứng dụng giải pháp trên vào sản xuất trong khi tại Thừa Thiên Huế mới chỉ triển khai thử nghiệm trên 6 ha.
Nông nghiệp là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và cũng là ngành gây ra phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính rất lớn, là nguyên nhân gây ra BĐKH. Tuy nhiên, hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp giảm thiểu PTKNK còn khá khiêm tốn. |
Bài, ảnh: HOÀNG LOAN