Kiên trì
Tận dụng đất xung quanh vườn để làm hồ nuôi, với 500m2 ban đầu, sau 5 tháng thả nuôi, gia đình ông thu lãi gần 20 triệu đồng.
Nuôi cá trong hồ không tốn nhiều thời gian
Ông Thịnh nhớ lại: Để thu được số lãi đó cũng không phải đơn giản, bởi lúc đó những loại cá này còn khá mới, người tiêu dùng chưa quen dùng. Lúc chuẩn bị thu hoạch, tôi phải tìm đến nhiều mối buôn lớn mời sử dụng thử giống cá mới đưa vào nuôi. Nhờ kiên trì giới thiệu sản phẩm trong thời gian đầu, những loại cá này dần dần có chỗ đứng trên thị trường.
“Khó khăn cũng bắt đầu nảy sinh từ vụ nuôi thứ hai khi trên địa bàn không có trại giống cung ứng những loại giống này, tôi phải lặn lội vào các tỉnh phía nam đặt mua con giống, rồi chi phí vận chuyển, hao hụt khiến tôi không ít phen mất ăn mất ngủ” ông Thịnh chia sẻ.
Từ một ao cá thử nghiệm chưa đầy 500m2 đến nay, ông Thịnh đã mở rộng lên 6 hồ với diện tích nuôi trên 2ha mặt nước. Mỗi năm, hồ nuôi luân canh 3 lứa thu hoạch gần 20 tấn cá các loại với giá bán trung bình 35 triệu đồng/tấn, trừ chi phí, ông thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm nhờ nuôi cá xen ghép.
Sau hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi cá, ông Thịnh rút ra nhiều kinh nghiệm, khi nuôi 1 loại cá, thức ăn cá không ăn hết lại thải ra môi trường ảnh hưởng nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh. Chưa kể, chi phí đầu tư nuôi độc canh rất cao và nếu xảy ra dịch bệnh nguy cơ lỗ sẽ càng lớn. Sau vài vụ nuôi độc canh, ông chuyển hẳn qua nuôi xen ghép cá chim, cá diêu hồng, cá chép, cá trắm ghép với cá rô đầu vuông, cá rô phi.
Ông Thịnh lý giải: Thức ăn thừa của cá chim, cá diêu hồng sẽ được cá trắm tận dụng triệt để, sau đó, phân các loài cá trên sẽ là nguồn thức ăn cho cá rô phi; phân cá rô phi là thức ăn cá chép. Nhờ thế, dù không thay nước thường xuyên ao nuôi nhưng vẫn đảm bảo môi trường an toàn cho các loại thủy sản phát triển.
“Nuôi cá trong hồ, công đoạn xử lý, cải tạo hồ nuôi rất quan trọng, nó giúp loại bỏ khí độc, thức ăn thừa, mầm bệnh tồn tại trong nước, đáy hồ. Sau mỗi vụ nuôi, gia đình thường tập trung cải tạo môi trường hồ nuôi, tiêu diệt mầm bệnh tạo điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt nhất cho cá trong vụ nuôi mới”, ông Thịnh chia sẻ.
Hỗ trợ hội viên
Ông Võ Oánh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Phương chia sẻ: Bác Thịnh là người đầu tiên đưa những giống cá mới về nuôi trồng trên địa bàn. Bác còn chia sẻ kinh nghiệm chọn giống đến chăm sóc cho người dân trong vùng, nhờ đó mô hình nuôi trồng này đang được nhân rộng mang lại lãi ròng từ 75-100 triệu đồng/ha mặt nước cho người dân. Không dừng lại ở đó, bác còn nhận bao tiêu sản phẩm cho các hội viên khi đến vụ thu hoạch với giá cả hợp lý, cho nợ tiền thức ăn…
Nhớ lại cách đây không lâu, Trung tâm Khuyến nông, lâm ngư tỉnh hỗ trợ cho địa phương nuôi thử nghiệm 5 vạn con cá chim giống. Lúc đầu ai cũng vui mừng nhưng sau 1 thời gian nuôi, số lượng các loại cá khác trong hồ giảm dần do cá chim thuộc tính dữ, người tiêu dùng chưa quen với các loại cá này nên thương lái không thu mua. Lúc bấy giờ, một số ý kiến khuyên người dân nên đưa cá này đi một số địa phương khác tiêu thụ nhưng tính toán chi phí, vận chuyển khó khăn lại chịu thua. Lúc bấy giờ, ông Thịnh mạnh dạn nhận mua lại toàn bộ số cá chim trong vùng, chuyển về thả tại ao nuôi của gia đình để tiêu thụ dần.
Với nhiều loại cá khác như diêu hồng, basa, ông tự mình thử nghiệm, thành công mới chia sẻ kinh nghiệm cho người dân. “Ban đầu người dân chưa hiểu nên không mặn mà với loài cá này, trong khi hiệu quả kinh tế loài cá này mang lại khá cao. Sau một vài lần nuôi và chia sẻ kinh nghiệm, cộng với nhận bao tiêu, người dân mới bắt đầu có những chuyển hướng và thành công với mô hình nuôi xen ghép các loại cá basa, diêu hồng, cá chim, cá rô đầu vuông… như hiện nay”, ông Võ Oánh thông tin.
Từ vài hộ nuôi cá, đến nay Chi hội Nuôi cá Thủy Phương duy trì hoạt động ổn định với số lượng 50 hội viên, trong đó 30 hộ chuyên cá cho thu nhập trung bình 100 triệu đồng/ha. |
Bài, ảnh: Hoàng Loan