|
Đến cuối thế kỷ này, khối lượng cá có thể khai thác sẽ có thể giảm đến hơn 30% trong kịch bản phát thải cao, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 3-4 độ C. Ảnh: DW |
Các dự báo toàn cầu cho thấy, sự sụt giảm hơn 10% về khối lượng cá có thể khai thác ở nhiều khu vực trên thế giới vào khoảng năm 2050, nhất là trong kịch bản phát thải cao.
Đến cuối thế kỷ này, theo kịch bản phát thải cao, sự nóng lên toàn cầu dự đoán sẽ ở mức tăng 3 – 4 độ C, mức giảm về khối lượng cá có thể khai thác sẽ trở nên trầm trọng hơn ở mức hơn 30%, và thậm chí còn cao hơn nữa ở 48 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngược lại, theo kịch bản phát thải thấp, với sự nóng lên toàn cầu dự đoán ở mức 1,5 – 2 độ C, khối lượng cá có thể khai thác sẽ ổn định giữa mức không thay đổi và giảm 10%, hoặc ít hơn ở 178 quốc gia và vùng lãnh thổ vào cuối thế kỷ.
Đáng lưu ý, sự sụt giảm nghiêm trọng sẽ diễn ra ở các quốc gia có sản lượng cá hàng đầu, và tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vào cuối thế kỷ theo kịch bản phát thải cao, chẳng hạn như giảm 37,3% đối với Peru và 30,9% đối với vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, khối lượng cá có thể khai thác sẽ ở mức ổn định trong kịch bản phát thải thấp.
Báo cáo này được đưa ra ngay sau ấn bản mới nhất của Báo cáo Tình hình nghề cá và Nuôi trồng thủy sản thế giới (SOFIA), cho thấy tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản toàn cầu đã đạt mức cao mới 223,2 triệu tấn vào năm 2022.
Giảm thiểu mối nguy hiểm cho hệ sinh thái biển
Ông Manuel Barange, Trợ lý Tổng giám đốc FAO cho biết việc hiểu được các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái biển và nghề cá, cũng như những bất ổn liên quan, là rất quan trọng để thiết kế các chương trình thích ứng ở quy mô phù hợp.
“Lượng khí thải thấp hơn làm giảm đáng kể tổn thất về khối lượng cá vào cuối thế kỷ này ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ so với kịch bản phát thải cao. Điều này nêu bật lợi ích của các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu đối với nghề cá và nuôi trồng thủy sản”, ông Barange nói thêm.
So sánh những tổn thất dự kiến theo cả hai kịch bản vào cuối thế kỷ này cho thấy, việc giảm lượng khí thải sẽ mang lại lợi ích rõ rệt cho hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) - nơi người dân chủ yếu dựa vào nghề cá để lấy lương thực và thu nhập, đồng thời đây cũng là nơi có rủi ro sinh thái và kinh tế, xã hội do biến đổi khí hậu gây ra cao nhất.