Chị Phạm Thị Cúc, một tronng những phụ nữ nghèo sử dụng vốn vay hiệu quả với việc chăn nuôi heo và các loại gia cầm
Vợ chồng chị Trần Thị Hạnh (thôn 6, xã Thuỷ Phù) là một trong những trường hợp tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH thị xã Hương Thuỷ ngay từ thời điểm ngân hàng mới được thành lập (năm 2003). Thời điểm đó, gia đình anh chị thuộc diện khó khăn, con cái còn nhỏ nên dù chắt chiu làm đủ nghề nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn.
Ngay khi tiếp cận được nguồn vốn vay 25 triệu đồng, vợ chồng chị Hạnh đã mạnh dạn mua 300 con gà giống để chăn nuôi, đồng thời chịu khó khai hoang đất để trồng rừng. Nhờ cần cù, biết tính toán, đến nay anh chị đã phát triển đàn gà lên hàng chục ngàn con, chuồng trại xây dựng kiên cố. Kinh tế gia đình từ đó được cải thiện.
Hỏi về những ngày tháng nỗ lực thoát nghèo, chị Hạnh chỉ đơn giản: “Nhờ vốn từ ngân hàng CSXH cả. Có vốn, gia đình mới có thể đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt rồi nuôi con cái. Chừ chỉ trông có sức khoẻ nữa thôi”.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2003, đến nay Ngân hàng CSXH thị xã Hương Thủy đã mở rộng hoạt động ở 13 chương trình cho vay, với dư nợ khoảng 230 tỷ đồng. Trong số đó, những chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, học sinh sinh viên và giải quyết việc làm tác động tích cực đến cuộc sống của người dân.
Theo ông Châu Đình Ngữ, Giám đốc Ngân hàng CSXH thị xã Hương Thủy, người dân địa phương ngày càng tín nhiệm đối với nguồn vốn của ngân hàng một phần do lãi suất vốn vay ưu đãi. Ngân hàng về tận cơ sở và tận tình hướng dẫn, giúp đỡ người dân thực hiện mọi thủ tục liên quan. Có nhu cầu tiếp cận vốn chính sách, người dân chỉ cần đến điểm giao dịch tại UBND mỗi xã, phường để được tư vấn, thông tin về từng chương trình vay vốn mà người dân quan tâm.
Chị Nguyễn Thị Hải là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn năng động, có hiệu quả ở phường Thuỷ Phương. Chỉ riêng nguồn vốn chính sách thông qua Chi hội Phụ nữ do chị làm chi hội trưởng, chị quản lý hơn 1 tỷ đồng, với hơn 50 hộ vay. Linh động thu hồi vốn và lãi bằng cách tiết kiệm hàng tháng, hiện tại không có hộ vay nào thông qua kênh của chị nợ quá hạn và nợ tồn lãi.
“Công ăn việc làm không có phần lớn do thiếu hụt đồng vốn nên chị em thiếu tự tin trong phát triển kinh tế. Tiếp cận được các nguồn vốn chính sách với lãi suất ưu đãi, nhiều chị không những cải thiện được nguồn thu nhập của gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em, lao động khác tại địa phương”, chị Nguyễn Thị Hải chia sẻ.
Trong câu chuyện của chị tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, nhiều tên của các chị như Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Thị Nga, Ngân Phương… được nhắc đến nhiều nhờ sử dụng nguồn vốn CSXH hiệu quả, phát triển nhiều mô hình kinh tế gia đình cho thu nhập ổn định, như: chăn nuôi heo, bò, trồng rừng, làm chổi, mở dịch vụ nấu ăn. Trước, các chị đều là những người phụ nữ “tay không”, không có vốn và không công ăn việc làm ổn định, nhưng giờ đã khác.
“Trong hội, chị em thường xuyên nhắc nhau việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Vay nuôi bò thì về nuôi bò, vay trồng rừng thì về phải trồng rừng, đừng vì khó khăn, chi tiêu việc khác mà hao hụt mất đồng vốn. Không có trường hợp nợ đọng vốn, tồn lãi nên chị em rất phấn khởi, yên tâm phát triển kinh tế”, chị Hải vui vẻ.
Với lợi thế được Chính phủ chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương cấp phường xã và hệ thống "chân rết" tuyên truyền về tận thôn, tổ dân phố nên các chế độ chính sách từ nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH đã thực sự đến với người nghèo, cận nghèo Hương Thủy. Trong 5 năm trở lại không có nợ đọng, chất lượng tín dụng của ngân hàng ngày càng được cải thiện.
Ông Châu Đình Ngữ nhấn mạnh: “Tại thời điểm này, 10 xã phường không có nợ quá hạn, chỉ 2 xã, phường có vướng nhưng cũng đang cùng với chính quyền các cấp làm hồ sơ xin xử lý nợ tuỳ theo mức độ rủi ro để giải quyết khó khăn cho người dân. Có được sự tin tưởng của người dân hiện nay chính là nhờ sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị”.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN