Cán bộ thuế tư vấn cho doanh nghiệp
Mục tiêu có 8.000 DN thành lập mới và hoạt động hiệu quả đến năm 2020 là hoàn toàn khả thi, bởi hiện nay ngoài 4.000 DN đang hoạt động, ngành thuế Thừa Thiên Huế còn quản lý hơn 23.200 hộ kinh doanh có đăng ký kê khai nộp thuế. Ngoài lực lượng DN thành lập mới hàng năm, nếu vận động được những hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi lên hoạt động theo mô hình DN thì con số 8.000 DN có thể sẽ cán đích trước thời hạn.
Khảo sát một số hộ kinh doanh ở những trung tâm buôn bán lớn của TP. Huế như chợ Đông Ba, An Cựu về ý tưởng chuyển đổi lên DN tư nhân, hầu hết đều bày tỏ lo lắng.
Điều làm các hộ kinh doanh băn khoăn nhất hiện nay khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình DN là các thủ tục ban đầu về thuế còn khá nhiều, gây bỡ ngỡ cho chủ DN, trong đó có chế độ kế toán khá phức tạp như các DN vừa và lớn đang áp dụng, trong khi các hộ này không đủ tiềm lực để đảm bảo cho bộ máy kế toán vận hành theo đúng yêu cầu. Không ít DN tư nhân vừa mới nhận được giấy chứng nhận đăng ký DN, đang loay hoay không biết phải làm các thủ tục gì về thuế.
Nắm bắt tâm lý của các hộ kinh doanh và các DN lần đầu tham gia kinh doanh, Cục Thuế tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình để hỗ trợ người nộp thuế (NNT) trong giai đoạn “start up”.
Một trong số các chương trình trọng điểm đó là triển khai chuyên mục “Đồng hành cùng DN khởi nghiệp” trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế tỉnh tại địa chỉ www.thuathienhue.gdt.gov.vn.
Mục tiêu của chương trình này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN mới thành lập có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin hỗ trợ từ cơ quan thuế ngay tại nhà.
Chỉ cần “click chuột”, người dân có thể nắm được toàn bộ các quy trình thủ tục về đăng ký thuế, thủ tục cần làm đối với DN mới thành lập, các thủ tục hành chính trong quá trình kê khai nộp thuế và những thủ tục có liên quan khác.
“Toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế hiện hành cũng được đăng tải trong chuyên mục này”. Bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế- Cục Thuế tỉnh chia sẻ.
Bà Liên thông tin: Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh sẽ có kế hoạch tổ chức tập huấn định kỳ cho các DN mới thành lập, tổ chức các diễn đàn đối thoại để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NNT.
Để các DN tiếp cận và làm quen với chế độ kế toán tài chính hiện hành, Cục Thuế tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ về kế toán, các đại lý thuế để hỗ trợ và tư vấn pháp lý cho NNT. Nhiều đơn vị cam kết sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn kế toán tài chính với chi phí hợp lý cho đối tượng khách hàng là những DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Chị L.T.H- chủ một DN kinh doanh vàng bạc đá quý tại chợ An Cựu cho hay: Thực hiện theo tuyên truyền của cơ quan thuế, tôi tự nguyện chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên mô hình DN tư nhân. Các thủ tục đăng ký thuận lợi nhờ sự tư vấn của cán bộ Chi cục Thuế TP. Huế.
Chị H. và nhân viên kế toán của mình cũng dễ dàng tiếp cận các chính sách, những quy định về kê khai nộp thuế trong chuyên mục “Đồng hành cùng DN khởi nghiệp” của cơ quan thuế, nhờ đó việc kê khai và nộp thuế khi chuyển đổi loại hình DN của chị H. trôi chảy.
Không những thế, khi lên DN chị còn có cơ hội tiếp cận được vốn vay của ngân hàng để mở rộng kinh doanh, điều mà lâu nay tưởng chừng như xa vời đối với chị H..
Bà Âu Thị Nguyệt Liên thừa nhận: “Trở ngại lớn nhất mà các hộ kinh doanh và các DN mới ra kinh doanh là chế độ kế toán. Các hộ kinh doanh phải chuyển từ cơ chế ấn định thuế sang kê khai theo nguyên tắc hoạch toán doanh thu và chi phí. Nhiều DN sẽ gặp khó khăn với phương thức hạch toán sổ sách mới nếu không được sự hỗ trợ kịp thời.
Theo bà Liên, để hạn chế tối đa những khó khăn cho NNT, ngoài việc tăng cường công tác hỗ trợ NNT, Nhà nước cũng nên xây dựng và ban hành chế độ kế toán đơn giản đối với DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, từ đó giúp các DN mới thành lập dễ nắm bắt và áp dụng vào thực tế một cách thuận lợi, hạn chế được những rủi ro khi kê khai.
Bài, ảnh: Anh Tuấn