Công nhân Công ty CP Dệt may Huế sẵn sàng hoạt động với phương châm "3 tại chỗ" trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Khó khăn trước nhiều tác động
Đầu năm 2021 đến nay, bên cạnh tác động của dịch COVID-19, giá sắt thép, vật liệu tăng cao càng làm cho các DN trong lĩnh vực xây dựng khó càng thêm chồng khó. Giá sắt thép tăng không chỉ ảnh hưởng đến ngành xây dựng mà các ngành khác, trong đó có công nghiệp chế tạo, cơ khí... Có DN dù nhận được đề nghị đặt hàng số lượng lớn nhưng không dám nhận nhiều, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
“Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của DN, các đơn hàng tiêu thụ bị sụt giảm. Trong khi đó, DN không còn cách nào khác buộc phải tìm mọi cách khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Chúng tôi vẫn vừa nỗ lực, vừa tin tưởng vào các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn này”, ông Nguyễn Tiến Hậu, Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế nói.
Tác động kép từ dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào lẫn giá vận chuyên hàng hóa gia tăng kéo giảm lợi nhuận của nhiều DN, thậm chí chịu lỗ. Đối với DN nhỏ và vừa, tác động càng rõ hơn vì tiềm lực yếu, khó cầm cự trước những đợt dịch bùng phát liên tiếp.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng khiến công tác phòng, chống dịch của địa phương đang trở nên khó khăn. Các huyện Phú Lộc, Phong Điền phải thực hiện giãn cách, một số khu vực phải phong tỏa để hạn chế dịch bệnh lây lan làm nhiều lao động ở đây phải dừng việc, nghỉ dài ngày, ảnh hưởng đến sản xuất của DN.
Thông tin từ Hiệp hội DN tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 316 DN đăng ký tạm ngưng hoạt động, tăng 10,88% so với cùng kỳ. Phần lớn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động từ 3-12 tháng, tập trung các nhóm ngành như du lịch, hoạt động vui chơi giải trí (22,5%), vận tải (8%), xây dựng (12,3%), sản xuất chế biến (7,91%); buôn bán lẻ (17,7%). Bên cạnh đó, có 75 DN thông báo giải thể và 57 DN đã giải thể, tăng 29,55% so với cùng kỳ.
Công ty TNHH MTV Takson Huế chủ động sản xuất đảm bảo đơn đặt hàng trong mùa dịch COVID-19
Hỗ trợ vượt khó
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Tuấn Anh, thời gian qua đã có nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ triển khai đến các DN, như về tài chính, chính sách thuế, gói hỗ trợ an sinh xã hội tiền lương, nhà ở... nhưng các DN nhỏ và vừa không dễ tiếp cận, nguyên nhân do yêu cầu quá cao và chưa phù hợp với thực tiễn khó khăn của DN.
Các DN cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện, như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của DN...
Mới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Với nghị định này, nhiều DN đã chủ động tiếp cận và đăng ký thụ hưởng chính sách với hy vọng sẽ giải quyết phần nào những khó khăn trước mắt.
Khi dịch bệnh tiếp tục tái bùng phát kéo dài, đầu tháng 7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, DN có thể được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh hoặc trả lương cho người lao động ngừng việc. DN có thể vay vốn một lần hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5/2021 đến cuối tháng 3/2022. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tái cấp tối đa 7,5 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chương trình này.
Hiện nay cùng với việc kiềm chế tối đa tác hại do dịch bệnh, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để DN, trong đó có các DN nhỏ và vừa có phương án hoạt động với tinh thần "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động, duy trì sản xuất kinh doanh.
Qua các diễn đàn, hội nghị phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, lãnh đạo tỉnh chia sẻ, khi đại dịch COVID-19 đã làm cho xã hội nói chung, cộng đồng DN nói riêng gặp rất nhiều bất lợi thì sự hợp tác giữa chính quyền và DN sẽ là động lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong việc hỗ trợ theo các quy định, tỉnh giao cho ban ngành chức năng, địa phương chủ động nắm bắt khó khăn của DN và phải chịu trách nhiệm khi trên địa bàn, lĩnh vực quản lý có DN đã tìm hiểu, đăng ký mà không được giải quyết hỗ trợ khi đủ điều kiện.
Bài, ảnh: Song Minh