ClockThứ Bảy, 27/11/2021 06:45

Góp sức gỡ “thẻ vàng”

TTH - Dù nghề đánh bắt xa bờ ngày một khó khăn, song đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có tàu cá vi phạm khai thác hải sản qua vùng biển nước ngoài là tín hiệu rất đáng ghi nhận. Điều đó góp phần chung vào nỗ lực gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Giá thấp, đánh bắt xa bờ gặp khóĐánh bắt xa bờ: Chưa thực sự vươn xaSản lượng đánh bắt thấp, cơ sở cấp đông thiếu hàng

Lực lượng biên phòng kiểm tra các thiết bị trên tàu cá của ngư dân Phú Lộc

Trong kỳ nghỉ trăng, tại các âu thuyền, nhiều ngư dân tranh thủ tiết trời nắng ráo tu sửa lại ngư cụ, đặc biệt là việc kiểm tra lại các thiết bị thông tin liên lạc, giám sát hành trình sau chuyến vươn khơi dài ngày. “Các thiết bị liên lạc gắn trên tàu thường dễ bị hư hỏng, trục trặc do hơi ẩm từ nước biển, vì vậy phải kiểm tra thật kỹ đảm bảo điều kiện liên lạc thông suốt, khi đó trạm kiểm soát biên phòng mới cấp phép ra khơi”, ngư dân Nguyễn Đình Kính (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) cho biết.

Cách đây hơn 4 năm, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Đó là sự cảnh báo đối với Việt Nam về những vi phạm trong việc “định vị” ngư trường khai thác của tàu cá. Nếu không khắc phục, sẽ bị “thẻ đỏ”, theo đó thủy sản Việt Nam cấm xuất khẩu vĩnh viễn sang thị trường châu Âu, đồng nghĩa với việc thiệt hại kinh tế vô cùng lớn. Bởi vậy mà, Chính phủ quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vào cuối năm 2021, gỡ “thẻ vàng” vào năm 2022.

Trong những nỗ lực đó, khi các tỉnh, thành khác trên cả nước gặp khó khăn, Thừa Thiên Huế là địa phương đang có những tín hiệu tích cực. Chính quyết tâm của ngư dân tin tưởng vào chính sách của Nhà nước khiến những hành vi vi phạm không xảy ra. Ngư dân Trần Văn Hải (phường Thuận An, TP. Huế) bảo, trên tàu cá của ông, ngoài ngư cụ và những thiết bị cần thiết khác, tủ sách pháp luật luôn được bố trí một góc riêng. Với ông Hải, đó là “bảo bối” trong lúc vươn khơi. “Việc khai thác đúng vùng biển không chỉ tuân thủ đúng pháp luật mà còn góp phần giữ gìn hình ảnh tàu cá của Việt Nam trên ngư trường quốc tế. Ngoài ra, không vi phạm trong quá trình đánh bắt cũng giúp hải sản dễ tiêu thụ hơn”, ông Hải chia sẻ.

Theo các cơ quan chức năng, gỡ được “thẻ vàng” hay không phụ thuộc lớn vào nhận thức của ngư dân. Các chủ tàu phải chấp hành đầy đủ những quy định của Luật Biển Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế khi khai thác hải sản ở trên biển.

Thời gian qua, chính quyền địa phương các xã ven biển của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyên truyền tới tận các thuyền trưởng, chủ tàu về những quy định của Luật Biển Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế khi khai thác hải sản ở trên biển, không vi phạm qua vùng biển của nước bạn. Đồng thời, các trạm kiểm soát biên phòng cũng kiên quyết không cho những phương tiện tàu thuyền ra khơi khi không có đầy đủ các thủ tục giấy tờ và trang bị theo quy định, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho biết, hơn 50 con tàu đánh bắt xa bờ của địa phương này đã trang bị đầy đủ các thiết bị cơ bản như, máy định vị, icom, máy dò cá… Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tìm hiểu các thiết bị nghề cá hiện đại, hiệu quả mới trên thị trường để thông tin đến bà con ngư dân. “Hiện đại hóa tàu cá là xu thế hiện nay; song hành với đó là việc nâng cao nhận thức về pháp luật trên biển. Nhiều năm rồi, tàu cá tại địa phương đánh bắt không vi phạm pháp luật. Dẫu sản lượng biến động bất thường nhưng không vì thế mà chủ tàu vi phạm, khai thác sai ngư trường”, ông Tùy nói.

Toàn tỉnh hiện có hơn 400 tàu cá xa bờ và hầu hết những phương tiện này đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kết hợp với kiểm tra chặt chẽ nên đến nay, chưa có tàu cá vi phạm khai thác hải sản qua vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và xử lý.

“Chúng tôi luôn quán triệt đến các địa phương tuyên truyền đến ngư dân về các quy định khi khai thác trên biển. Dù đặc thù ngư trường khai thác tại Thừa Thiên Huế không rộng như các tỉnh, thành khác, song không vì thế mà lơ là. Gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam cũng cần sự chung tay của ngư dân Thừa Thiên Huế. Qua kiểm tra, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm ngư trường khi đánh bắt là điều đáng mừng. Ngoài ra, mỗi khi vào chính vụ cũng như mùa mưa bão chúng tôi phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng kiểm soát việc ra vào của các tàu cá”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Văn Giang thông tin.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ sáng 9/4 tại buổi làm việc với các cơ quan, địa phương về việc triển khai thực hiện Thông báo kết luận 552-TB/TU ngày 11/12/2023 xây dựng lịch sử làng thông qua việc xây dựng địa chí làng.

Khai thác triệt để các giá trị dữ liệu để xây dựng địa chí làng
Return to top