Ông Nguyễn Hoàng Đệ, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế
Ông Nguyễn Hoàng Đệ thông tin, theo “Chiến lược phát triển của hệ thống KBNN giai đoạn 2021 – 2030”, KBNN tỉnh sẽ đầu tư xây dựng KBNN theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), các cơ quan Nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng “Kho bạc số”.
Qua hơn 2 năm thúc đẩy chiến lược phát triển của hệ thống KBNN, thành công mà KBNN đạt được?
KBNN đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến. Việc “phủ sóng” dịch vụ công trực tuyến đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng) là điểm nhấn quan trọng của hệ thống KBNN vì vừa thực hiện thành công mục tiêu trở thành Kho bạc điện tử, vừa mang lại cho khách hàng phương thức giao dịch hiện đại, giảm thời gian và chi phí… Việc tập trung triển khai xây dựng, chuyển đổi và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc giải quyết công tác chuyên môn của các đơn vị nghiệp vụ KBNN.
Liệu triển khai dịch vụ công trực tuyến trong ngành kho bạc đã có những chuyển biến?
Hiện, hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã cung cấp cho 100% số đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký tham gia (trừ đơn vị thuộc khối mật) để đơn vị gửi chứng từ điện tử và hồ sơ điện tử đến đơn vị kho bạc nơi giao dịch; cung cấp khả năng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân bổ ngân sách trên Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc). Với việc 99,6% đơn vị giao dịch qua DVCTT, KBNN Thừa Thiên Huế cơ bản đã trở thành kho bạc “ba không” (không tiền mặt, không chứng từ giấy, không khách hàng giao dịch tại quầy).
Vậy có phải hệ thống kho bạc đều đã chuyển sang hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt?
Để đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, tạo thêm thuận lợi cho người dân, DN, KBNN đã có kế hoạch tiếp tục mở rộng phối hợp thu tới các ngân hàng thương mại (NHTM) đáp ứng đủ điều kiện. KBNN thống nhất với các NHTM cổ phần triển khai mở rộng phối hợp thu ngân sách Nhà nước (NSNN) và thanh toán song phương điện tử trên toàn hệ thống. Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính về việc quản lý tiền mặt trong thanh toán, KBNN đã thực hiện ủy nhiệm thu, chi tiền mặt qua NHTM. Đến nay, đã có 1.307/1.348 đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện cho trả thanh toán cá nhân qua tài khoản; 42.829/44.160 cán bộ, công chức đã thực hiện thanh toán chi trả cá nhân qua tài khoản. Mặt khác, KBNN đã phối hợp với các cơ quan trong việc phát triển và đa dạng hóa các phương thức thu NSNN hiện đại bên cạnh phương thức truyền thống là nộp tiền mặt và chuyển khoản tại trụ sở ngân hàng, như: thu NSNN qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking, mobile banking, qua các điểm chấp nhận thẻ POS của NHTM.
Việc phối hợp thu giữa ngân hàng và Kho bạc Nhà nước tạo động lực trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Từ nay đến năm 2025, KBNN sẽ vận hành theo hướng nào?
Để thực hiện mục tiêu hoàn thành xây dựng “Kho bạc số”, KBNN đã xây dựng, định hướng phát triển theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ năm 2021 - 2025, KBNN thực hiện cải cách đồng bộ và thống nhất giữa ngành Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư nhằm đồng bộ hóa các chính sách nghiệp vụ về quản lý đầu tư công và NSNN. Từ đó, đảm bảo vận hành kết nối liên thông phục vụ quá trình mua sắm công và chi NSNN (kiểm tra trực tuyến dự toán trước khi đấu thầu qua mạng; ký hợp đồng điện tử và cam kết chi trung hạn; thực hiện hóa đơn điện). Trong giai đoạn này, công tác số hóa dữ liệu sẽ được đẩy mạnh triển khai. Việc số hóa sẽ tác động mạnh đến công tác kế toán, thu và chi ngân sách, vừa làm tăng tốc độ xử lý giao dịch vừa đảm bảo chính xác, an toàn. Đồng thời, giúp giảm chi phí hoạt động và tái tổ chức mạng lưới kế toán, tăng mức ràng buộc trong kiểm soát nội bộ, nhờ vậy, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.
Giai đoạn từ 2026-2030 sẽ thúc đẩy đồng bộ dữ liệu để hoàn thành số hóa?
Giai đoạn này sẽ tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở, hình thành hệ sinh thái các dịch vụ mở trong lĩnh vực tài chính Nhà nước, từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng đến hình thành kho bạc số đầy đủ. Đồng thời, KBNN cũng thực hiện những cải cách về kế toán nhà nước; hoàn thiện kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp và kế toán NSNN để hình thành kế toán nhà nước.Trong suốt quá trình thực hiện, nền tảng tích hợp và chia sẻ, dịch vụ báo cáo và dữ liệu mở được xây dựng song song ngay từ giai đoạn đầu và được bổ sung mở rộng ở từng giai đoạn để hình thành dần dần và tiến đến hoàn thiện nền tảng tích hợp/chia sẻ và dịch vụ báo cáo/dữ liệu mở đầy đủ cho cả giai đoạn 2021 - 2030.
Những giải pháp mà KBNN thực hiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu Kho bạc số?
Hiện KBNN đang áp dụng hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ cho toàn thể công chức trong toàn đơn vị thực hiện công tác kiểm soát chi ngân sách, kế toán ngân sách và thanh toán điện tử giữa KBNN với hệ thống ngân hàng. Đồng thời, thực hiện hệ thống phối hợp thu NSNN giữa KBNN với NHTM, nhằm tập trung nhanh chóng các khoản thu. Áp dụng hệ thống tiếp nhận trực tuyến thông tin tài chính nhà nước và tổng hợp lập báo cáo tài chính nhà nước của các địa phương trong toàn tỉnh. Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt và tạo thuận lợi hơn nữa cho cá nhân, DN nộp NSNN theo đúng chủ trương của Bộ Tài chính và KBNN. Cụ thể, KBNN tiếp tục phối hợp với một số NHTM cổ phần trong việc mở và sử dụng hệ thống tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của KBNN tại ngân hàng và thực hiện phối hợp thu, ủy nhiệm thu NSNN. Đồng thời kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử về thu ngân sách giữa ngân hàng và KBNN.
Mục tiêu chính trong việc hợp tác song phương giữa KBNN và các NHTM cổ phần lần này là mở rộng phạm vi phối hợp thu NSNN và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng. Mục tiêu này phù hợp với chiến lược phát triển của KBNN và các ngân hàng, đồng thời người dân, DN có thêm điều kiện tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng.
Xin cảm ơn ông!
HOÀNG LOAN (Thực hiện)