ClockThứ Ba, 30/04/2019 07:01

Hiệu quả từ sáng tạo

TTH - Với nhiều sáng kiến có chất lượng, giàu tính thực tiễn, người lao động tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế là điển hình trong phát huy sức sáng tạo, tìm tòi các giải pháp nhằm tăng năng suất lao động và hiệu quả công việc.

Đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn địnhHướng đến lưới điện thông minhGiảm thời gian mất điện nhờ công nghệ mới

Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật phát triển mạnh mẽ trong CNVCLĐ Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (Trong ảnh: Công nhân điện làm việc dưới thời tiết nắng nóng nhằm đảm bảo nguồn điện sinh hoạt cho người dân)

Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Tuổi đời mới ngoài 30, nhưng anh Hà Trương Nguyên Hùng, chuyên viên Phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế là tác giả của nhiều sáng kiến ứng dụng kỹ thuật và thiết bị tiên tiến phục vụ quá trình công tác. Với sức trẻ và niềm đam mê sáng tạo, Hùng luôn tích cực tham gia nghiên cứu và đề xuất với lãnh đạo những phương án, giải pháp công nghệ mới.

Bạn trẻ Hà Trương Nguyên Hùng, chuyên viên Phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế là tác giả của nhiều sáng kiến thiết thực, làm lợi cho công ty

“Được giao phụ trách nghiên cứu khoa học, tìm hiểu các thiết bị tự động hóa mới vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với bản thân. Đó cũng là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn, đứng lên sau mỗi lần thất bại”, anh Hùng bộc bạch.

Năm 2017, sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, anh Hùng đã cho “ra lò” sáng kiến cấp Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) “Giải pháp nâng cấp hệ thống điều khiển trạm biến áp 110kV Phú Bài, Cầu Hai sử dụng thiết bị chuyển đổi giao thức và I/O phân tán”.

Chia sẻ về ý tưởng hình thành, anh Hùng cho biết, trước đây, khi nâng cấp các trạm biến áp công ty thường phải thuê các đơn vị ngoài để thi công. Trước yêu cầu làm chủ công nghệ, tiết kiệm chi phí của ban lãnh đạo công ty, anh cùng các đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu các giải pháp phù hợp. Quá trình này tiêu tốn khá nhiều thời gian do bản thân phải tự mày mò tìm đọc các tài liệu liên quan và mượn máy móc để thực nghiệm. Sau gần 9 tháng ròng rã tìm tòi, nhận thấy việc sử dụng thiết bị chuyển đổi giao thức và I/O phân tán trong hệ thống điều kiển trạm biến áp sẽ giúp tối ưu hóa vật liệu, giảm thiểu chi phí nhân công trong quá trình nâng cấp, nên Hùng mạnh dạn bắt tay vào khảo sát hiện trường và lập phương án thi công. Sau khi đưa vào vận hành, sáng kiến trên đã tạo giá trị làm lợi hơn 2,5 tỷ đồng cho công ty.

Anh Hà Trương Nguyên Hùng còn là tác giả của nhiều sáng kiến khác như: "Chế tạo đồng hồ vệ tinh GPS hiển thị thời gian thực tích hợp hệ thống SCADA”, “Thiết kế hệ thống camera trượt điều khiển từ xa, giám sát các thiết bị gian phân phối tại các TBA 110kV”, “Cải tạo bộ định vị sự cố IDR311 tích hợp vào hệ thống SCADA”...

Không chỉ cán bộ kỹ thuật, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tại Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế còn lan tỏa mạnh mẽ đến người lao động tại công ty. Điển hình, anh Trần Đình Chinh (sinh năm 1973), nhân viên Phòng Kế hoạch & Kỹ thuật, Điện lực Bắc Sông Hương là thành viên nhóm sáng kiến chủ đề “Giải pháp chuyển phương thức cấp điện hạ áp để công tác xử lý sự cố tại TBA phụ tải không mất điện khách hàng”. Đây được xem là sáng kiến thiết thực giúp đảm bảo được nguồn điện cung cấp trong thời gian công ty đang xử lý sự cố.

Anh Trần Đình Chinh, nhân viên Phòng Kế hoạch & Kỹ thuật, Điện lực Bắc Sông Hương luôn cần mẫn trong công việc

Anh Chinh cho biết, công tác duy tu, bảo dưỡng đường dây trung - hạ áp đảm bảo lưới điện vận hành liên tục là yêu cầu hàng đầu của đơn vị. Nhưng một bất cập xảy ra khi buộc phải cắt điện tại trạm biến áp đang bảo dưỡng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng sử dụng điện. Với mục tiêu luôn đảm bảo điện phục vụ khách hàng theo chỉ đạo của giám đốc công ty, anh và các đồng nghiệp đã trăn trở nghiên cứu và áp dụng giải pháp chuyển phương thức cấp điện hạ áp vào thực tế. Nhờ đó, trong năm 2018, Điện lực Bắc Sông Hương đã giảm thiểu thời gian mất điện trên toàn khu vực xuống dưới 100 phút; vẫn đảm bảo cung cấp điện xuyên suốt cho người dân và các hộ sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao hiệu quả công việc

Ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã phát triển mạnh mẽ trong công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) của công ty, đem lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất kinh doanh. Hằng năm, Tổng Công ty và công ty phát động thi đua toàn diện và chuyên đề các lĩnh vực, chuyên đề công tác.

Năm 2017, công ty có 26 sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp công ty, 2 sáng kiến cấp EVN CPC. Năm 2018, có 7 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Tổng Công ty công nhận. Đặc biệt, đề tài nghiên cứu “Giải pháp số hóa quản lý hạ tầng kỹ thuật lưới điện tỉnh Thừa Thiên Huế”, đoạt giải Nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học - Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018.

Theo ông Nguyễn Đại Phúc, việc động viên toàn thể cán bộ công nhân viên tham gia sáng kiến ở tất cả các lĩnh vực công tác đã thúc đẩy sự sáng tạo trong công việc. Từ đó, cán bộ, CNVCLĐ luôn tự tìm tòi, học hỏi để đáp ứng nhu cầu công việc trong thời đại 4.0 hiện nay. Các sáng kiến đều có giá trị làm lợi hàng trăm triệu đồng trở lên, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện của đơn vị, giảm tổn thất điện năng và có khả năng áp dụng ngay vào sản xuất kinh doanh, có hướng phát triển lâu dài. Và hơn hết, các sáng kiến đã đóng góp lớn vào sự phát triển khoa học kỹ thuật; nhiều giải pháp góp phần xây dựng đô thị thông minh của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Bài, ảnh: MINH NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Return to top