Cơ sở dữ liệu hạ tầng lưới điện được cập nhật liên tục. Ảnh: Thanh Hương
Xây dựng cơ sở dữ liệu
Ông Hà Thanh Long, Giám đốc PC Thừa Thiên Huế thông tin: Từ năm 2003, PC Thừa Thiên Huế triển khai chương trình quản lý lưới điện trên bản đồ địa lý, phục vụ công tác cập nhật dữ liệu và quản lý thông tin kỹ thuật mạng lưới.
Ngoài chương trình quản lý lưới điện trên bản đồ địa lý, các chương trình phần mềm đã số hóa được hầu hết các mảng công tác nghiệp vụ của công ty. Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết là phải cung cấp được một công cụ trực quan, một hệ thống toàn vẹn nhằm phục vụ công tác quản lý vận hành hệ thống điện một cách khoa học, đảm bảo an toàn và liên tục.
Dựa trên nghiên cứu về mô hình ứng dụng giải pháp công nghệ GIS vào quản lý hạ tầng lưới điện trên thế giới, việc thiết kế, xây dựng giải pháp số hóa phù hợp với hiện trạng và nhu cầu được ứng dụng tại công ty.
Theo ông Lê Trần Quang Huy, Tổ trưởng Tổ biên tập dữ liệu, Phòng Kỹ thuật PC Thừa Thiên Huế, bước đầu, công ty sử dụng tất cả các nguồn dữ liệu hiện có để tăng độ chính xác của dữ liệu cần số hóa: dữ liệu GIS nền địa lý của tỉnh Thừa Thiên Huế, dữ liệu khách hàng từ hệ thống quản lý khách hàng, dữ liệu thiết bị từ hệ thống quản lý kỹ thuật, thông tin từ các bản đồ thế giới. Sau đó, triển khai số hóa thí điểm tại Điện lực Hương Thủy, thực hiện kiểm tra rà soát đánh giá để hoàn thiện giải pháp; bước tiếp theo đang triển khai đồng loạt toàn bộ các điện lực còn lại. Sau khi có kết quả số hóa theo từng giai đoạn, sẽ triển khai hiệu chỉnh, cập nhật dữ liệu và chuyển đổi sang các hệ thống quản lý khác để đánh giá khả năng ứng dựng dữ liệu đã xây dựng.
Số hóa cơ sở dữ liệu ngành điện sẽ giúp phát hiện và xử lý sự cố nhanh
Quản lý thông minh
PC Thừa Thiên Huế là đơn vị đầu tiên trong 13 Công ty Điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã nghiên cứu xây dựng thành công giải pháp số hóa thông tin lưới điện phục vụ công tác quản lý.
Ưu điểm lớn nhất của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hạ tầng lưới điện trên nền tảng ứng dụng công nghệ GIS là ứng dụng công nghệ di động kết hợp với định vị GPS để thu thập dữ liệu. Giải pháp này cho phép thu thập đầy đủ các thông tin cần quản lý ngay tại hiện trường (TBA, cột điện, tủ hạ thế, MBA, TB đóng cắt, đo đếm, công tơ khách hàng, hình ảnh…), có khả năng kết nối dữ liệu từ các hệ thống khác để hỗ trợ quá trình thu thập số hóa dữ liệu.
Ông Hồ Đăng Lộc, Phó Trưởng phòng Kinh doanh, PC Thừa Thiên Huế chia sẻ: Việc triển khai ứng dụng hệ thống thông tin giúp các nhà quản lý nắm bắt được tình hình lưới điện nhanh chóng, chính xác trên địa bàn mình phụ trách. Thông tin được cập nhật đầy đủ và chính xác về hiện trạng lưới điện, xác định những thay đổi bất thường trên tuyến, trạm, đường dây, ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện, từ đó, có biện pháp ngăn chặn xử lý khắc phục một cách kịp thời.
Việc triển khai đến tận công tơ khách hàng sẽ làm cho việc quản lý công tơ khách hàng dễ dàng hơn. Chẳng hạn, có thể phát hiện sớm chính xác vị trí những công tơ hết hạn kiểm định, hoặc không đạt yêu cầu; góp phần giảm tổn thất điện năng, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quy hoạch, quản lý mạng lưới điện. Dựa vào quản lý trực quan ngay trên bản đồ kết hợp với việc định vị khách hàng giúp người điều hành nhanh chóng đưa nhân lực di chuyển đến vị trí gặp sự cố và khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Ông Hà Thanh Long nhấn mạnh: Việc ứng dụng giải pháp trên giúp giảm thời gian mất điện của khách hàng, nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng khi khách hàng có nhu cầu cấp điện (năm 2018 trung bình có 410 phút mất điện, giảm 77% so với năm 2017). Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp phát triển các ứng dụng trên nền tảng cơ sở dữ liệu hiện có, hoàn thành các giải pháp đồng bộ với nguồn cơ sở dữ liệu của ngành điện và địa phương nhằm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng ngành điện, góp phần xây dựng các dịch vụ đô thị thông minh, hướng đến xây dựng hệ thống lưới điện thông minh.
Bài, ảnh: Hoàng Loan