ClockThứ Hai, 13/04/2020 06:00

Hiệu quả “tưới từ ngọn” cho thanh trà

TTH - Việc cải tiến hệ thống béc phun mưa tưới cây thanh trà của ông Nguyễn Vinh (thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy) góp phần nâng cao năng suất loại cây trồng này và nhân rộng cách tưới mới cho nhiều hộ dân.

27 nhà vườn tranh tài hội thi thanh tràThanh trà “xanh”

Kiểm tra hệ thống nước lấy từ bể chứa trước khi tưới cho thanh trà

“Du nhập” kỹ thuật 

Được hưởng “đặc ân” đất phù sa từ sông Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương), Dương Hòa vốn nổi tiếng với cây thanh trà được trồng khá nhiều ở các thôn Buồng Tằm, Hạ, Hộ, Thanh Vân. Tuy nhiên, nhiều năm nay, năng suất cây thanh trà vùng này còn “lẹt đẹt”, do một số diện tích nằm ở triền đất cao thiếu nước tưới, chủ yếu canh tác “nhờ trời”.

Năm 2017 nắng nóng khốc liệt khiến nhiều hộ dân trồng thanh trà tìm đến giải pháp khoan giếng ngầm để có nước tưới. Từ đây, “đoàn quân” đào giếng thuê từ Đắc Lắc ra đã mang hệ thống tưới bằng béc phun mưa từ trên cao (ứng dụng cho cây cà phê) ra “giới thiệu” với bà con trồng thanh trà.

Ông Nguyễn Vinh, một nông dân thôn Buồng Tằm kể: “Đợt đó mấy người ra khoan giếng ngầm lưu lại nhà tôi cả tháng vì giếng khoan xuống toàn gặp cát không hút được, phải đổi nhiều vị trí khoan khác nhau. Họ giới thiệu hệ thống béc phun mưa, từ mô tả của họ mình thấy sẽ hiệu quả khi ứng dụng cho cây thanh trà nên đồng ý mua một bộ về cải tiến dần mới dùng hiệu quả như ngày hôm nay”.

Ban đầu, ông Vinh với ý định khoan giếng ngầm, đào bể chứa rồi dùng bơm đẩy nước từ khoảng 50m dưới giếng lên bể. Sau đó dùng bơm chuyền kéo ống đi từng gốc thanh trà. Theo cách tưới truyền thống này, nước sẽ tưới từ gốc cây, rất mất công sức nhưng hiệu quả không cao. “Cứ 2 ngày mình phải tưới một lần, kéo ống đi hơn 100 gốc thanh trà (diện tích vườn 6.000m2) thì rã rời chân tay. Bây giờ chỉ ngồi trong nhà, bật công tắc điện là…xong”, ông Vinh nói.

Khi nhập béc phun mưa về, ông cải tiến cần đỡ từ 2,5m lên 8-10m, tùy địa hình trồng cây thanh trà. Béc phun được đặt đầu gió để có thể “phát tán” nước đi xa các vùng xung quanh. Với 2 hệ thống béc phun hiện nay, ông có thể tưới cho diện tích 800-1.000m2 cây thanh trà. Ông Vinh còn có máy “tét” dư lượng nước trước khi tưới.

Dùng béc phun mưa đẩy nước lên cao đòi hỏi máy bơm có công suất lớn, với điều kiện kinh phí của các hộ nông dân không thể đầu tư máy móc lớn, ông Vinh cải tiến hệ thống dẫn nước với khóa cơ học để ưu tiên tưới nước từng vùng,không tập trung tưới một lần vì máy không đủ công suất. Với hiệu quả bước đầu, hiện nay ông Vinh đang đầu tư thêm ống để làm thêm từ 2-3 béc phun nữa mới đủ tưới những diện tích thanh trà còn lại.

“Tính ra chi phí từ đào giếng, đào bể chứa lót bạt, đầu tư 2 máy bơm, hệ thống ống dẫn nước, tất thảy khoảng 70 triệu đồng, kinh phí khá lớn đối với bà con nông dân. Nhưng đầu tư một lần mà dùng mãi mãi. Cái cốt yếu là tiết kiệm sức lao động và nâng cao hiệu quả, năng suất cây trồng. Thực tế sau 3 năm tôi sử dụng và nhiều bà con trong thôn ứng dụng mô hình tưới mới này, năng suất và chất lượng quả thanh trà nâng lên rõ rệt”, ông Vinh khẳng định.

Nâng cao năng suất, chất lượng

Phân tích các “điểm lợi” khi sử dụng hệ thống tưới bằng béc phun cải tiến của ông Nguyễn Vinh, ông Lê Đành, Chủ tịch HND xã Dương Hòa cho rằng, cách tưới mới này rất phù hợp với vùng đất triền cao, nhiều địa hình phức tạp như ở Dương Hòa, trong đó có ứng dụng cho cây thanh trà.

Theo ông Đành, cách tưới béc phun là tưới từ trên ngọn cây, trên lá khác với cách tưới truyền thống ở dưới gốc. Các phân tích khoa học cho thấy cùng một lượng nước nhưng khi tưới trên lá sẽ hiệu quả hơn tưới dưới gốc, đặc biệt trong giai đoạn thanh trà trổ hoa, cho quả.

Ngoài tiết kiện được thời gian, công sức người lao động còn nâng cao năng suất, chất lượng cây thanh trà và trong quá trình tưới, các chế phẩm dùng cho cây thanh trà có thể hòa ngay với nước tại bể.

Theo tính toán của HND cũng như của người trồng, việc ứng dụng béc phun năng suất sản lượng, chất lượng quả cây thanh trà nâng lên rõ rệt, quả đạt từ 150-200kg/cây, thay vì chỉ 60-70kg/cây như trước đây. Thu nhập bình quân đạt 250-400 triệu đồng/ha thay vì chỉ 100-150 triệu đồng/ha như trước đây.

“Hiện nay đã có 10 hộ dân trên địa bàn xã ứng dụng cách tưới mới từ mô hình của ông Nguyễn Vinh cho thấy hiệu quả rất cao. Để nhân rộng mô hình hơn nữa, sắp đến HND xã sẽ làm đề án đề xuất HND tỉnh quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân đầu tư sử dụng hệ thống tưới bằng béc phun cho cây thanh trà. Phối hợp thành lập chi hội sản xuất, kinh doanh thanh trà, tiến tới tham gia hiệp hội thanh trà Huế do HND xã chủ trì. Quy hoạch từ đây cho đến năm 2025,  tại địa phương sẽ phát triển thêm 20 ha cây thanh trà, bưởi da xanh tại khu vực bên triền sông Tả Trạch (khu vực Lương Miêu cũ), khi đó áp dụng cách tưới mới này sẽ nâng cao chất lượng, sản lượng cho cây thanh trà”, ông Đành cho biết thêm.

Toàn xã Dương Hòa có 49,5 ha thanh trà của 189 hộ tham gia trồng. Trong đó, khoảng 22 ha đang cho thu hoạch và 27,5 ha cây còn nhỏ gồm thanh trà và bưởi da xanh.UBND xã phối hợp với Phòng Kinh tế TX. Hương Thủy rà soát, chọn 22 hộ dân tham gia dự án trồng thanh trà năm 2019 với diện tích 2 ha và đang chọn hộ thực hiện dự án 10 ha. Trong đó, diện tích trồng mở rộng phân tán 5 ha và diện tích cải tạo vườn 5 ha thuộc chương trình nông thôn mới do thị xã làm chủ đầu tư.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Đồng bộ mới hiệu quả

Sau hơn 1 năm triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn tại 23 phường thuộc TP. Huế cũ, từ tháng 11/2023 thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 đối với 36 phường, xã nhằm góp phần hoàn thành tiêu chí tại Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đến năm 2030.

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn Đồng bộ mới hiệu quả
Hiệu quả từ các mô hình bảo vệ trẻ em

Cha ông ta ngày xưa thường quan niệm: "Thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Nhưng cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi, việc sử dụng bạo lực để giáo dục trẻ sẽ ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài đối với sự phát triển thể chất và tinh thần trẻ em. Đó còn là những hành vi vi phạm quyền trẻ em, vi phạm bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới.

Hiệu quả từ các mô hình bảo vệ trẻ em
Hiệu quả từ mô hình kinh tế tập thể

Những năm gần đây, nhờ chú trọng phát triển kinh tế tập thể, nhiều hợp tác xã (HTX) vươn lên làm ăn có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo vị trí trên thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế tập thể
Khai thác hiệu quả loại hình du lịch sẵn có

Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 9/7/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (Nghị quyết 05) được ban hành đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương nói chung và các cá nhân, đơn vị liên quan trong việc phát huy tiềm năng, khai thác hiệu quả loại hình du lịch sẵn có tại địa phương. Nhưng để mang lại hiệu quả lâu dài, vẫn cần nhiều giải pháp.

Khai thác hiệu quả loại hình du lịch sẵn có
Hướng tới thực hiện quy hoạch hiệu quả

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có một bước tiến quan trọng khi HĐND tỉnh vừa thông qua đề án này tại kỳ họp mới đây.

Hướng tới thực hiện quy hoạch hiệu quả

TIN MỚI

Return to top