ClockThứ Năm, 08/07/2021 10:16

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường châu Âu

Theo các chuyên gia, để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường châu Âu, các doanh nghiệp Viêt Nam cần nắm rõ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật cũng như bắt nhịp được xu hướng tiêu dùng.

Xuất khẩu đồ gỗ vượt ngoài mong đợiXuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng trưởng khả quanXuất nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng cao nhất 10 nămGạo Việt xuất khẩu sang Anh năm 2020 tăng 116%

Phát lệnh xuất khẩu lô càphê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Châu Âu đang là thị trường xuất khẩu lớn, còn nhiều tiềm năng mở rộng thị phần dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng dệt may, thủy sản, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Tuy nhiên, để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường này, các doanh nghiệp Viêt Nam cần nắm rõ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật cũng như bắt nhịp được xu hướng tiêu dùng.

Đây là nội dung được các chuyên gia phân tích tại Hội thảo trực tuyến “Tiếp cận thị trường châu Âu” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam tổ chức, chiều 7/7.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC thông tin hợp tác thương mại Việt Nam-châu Âu đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa nhờ tác động thúc đẩy từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 12 lần từ 4,1 tỷ USD (năm 2000) lên gần 50 tỷ USD (năm 2020); trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 13 lần từ 2,8 tỷ USD lên 35,1 tỷ USD năm 2020.

Năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 bùng nổ, Việt Nam vẫn là nước xuất siêu vào thị trường EU với thặng dư thương mại khoảng 29 triệu USD. Các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam tại EU là Đức, Pháp, Ba Lan...

Theo ông Nguyễn Tuấn, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục gây ảnh hưởng lên kinh tế, thương mại toàn cầu, các hoạt dộng xúc tiến thương mại trực tiếp bị hủy bỏ, Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang tích cực kết nối doanh nghiệp với thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và vận dụng tối đa các kênh bán hàng mới. Nhờ đó, hoạt động giao thương vẫn được duy trì, đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa liên tục cho các đối tác.

Ông Adam Koulaksezian, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFI) cho biết thị trường EU với 27 quốc gia thành viên là khu vực kinh tế lớn thứ 3 thế giới, hiện chiếm 15% tổng lượng hàng hóa thương mại trên toàn cầu. Đây cũng là một thị trường chung, tự do trao đổi hàng hóa nội khối, do đó chỉ cần doanh nghiệp tiếp cận được một thị trường thành viên dễ dàng tiếp cận các thị trường còn lại.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của EU và là đối tác lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và EU, tạo động lực thúc đẩy gia tăng thương mại song phương. Hoạt động xuất nhập khẩu đang trên đà phát triển và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới sẽ là cơ hội lớn cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Adam Koulaksezian cũng nhấn mạnh người tiêu dùng EU đang quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, bao gồm cả truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam nên đánh giá tính bền vững của sản phẩm, đồng thời thiết kế chiến lược xuất khẩu phù hợp với nhu cầu, xu hướng của thị trường.

Bà Nguyễn Đắc Bội Quỳnh, Giám đốc phát triển kinh doanh CCIFI phân tích EU đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của nhiều mặt hàng chủ lực Việt Nam như dệt may, thủy sản, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong nửa đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 song xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời Việt Nam cũng tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ EU phục vụ sản xuất trong nước.

Vải thiều Việt Nam được bày bán tại siêu thị Carrefour Tongres ở thủ đô Brussels. Ảnh: Hương Giang/TTXVN

Theo bà Nguyễn Đắc Bội Quỳnh, mặc dù có nhiều động lực song việc trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam-EU cũng đang đối mặt với không ít thách thức.

Trước tiên là tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh thành phía Nam - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ, chế biến thủy sản xuất khẩu của Việt Nam khiến các doanh nghiệp phải giãn cách, vừa duy trì sản xuất vừa đảm bảo phòng chống dịch. Tiếp đến là các yêu cầu truy xuất nguồn gốc và sự thay đổi xu hướng tiêu dùng của thị trường EU diễn ra nhanh hơn. Ngoài các thủ tục xuất khẩu thông thường, thị trường EU cũng yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải có các chứng nhận chất lượng sản phẩm (CQ), chứng nhận kiểm dịch (CA), chứng nhận vệ sinh...

Đối với nhóm hàng thực phẩm, ông Jean Gabriel Mollard, Giám đốc Truyền thông Toàn cầu của Tập đoàn SIAL cho biết sau đại dịch COVID-19 người tiêu dùng ở nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt là EU ngày càng quan tâm tới sức khỏe, bảo vệ môi trường, chú trọng tới các yếu tố an toàn, thân thiện với thiên nhiên và sự minh bạch thông tin trên sản phẩm mà họ sử dụng.

“Thành phần sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng xem xét kỹ lưỡng. Các sản phẩm được chế biến ít hơn, với danh sách thành phần ngắn hơn. Bao bì ngày càng tối giản nhưng hương vị vẫn được ưu tiên cao đòi hỏi các nhà sản xuất phải cải tiến sản phẩm theo hướng tinh tế và hấp dẫn giác quan hơn," ông Jean Gabriel Mollard nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sang thị trường EU, bà Phạm Thị Hồng Quang, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt cho biết với thị trường mục tiêu là EU, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng nhà máy đạt các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng của các nhà nhập khẩu.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 hạn chế các hoạt động giao thương trực tiếp, doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng sang marketing trực tuyến thông qua các nền tảng kỹ thuật số và thường xuyên cập nhật các xu hướng, thị hiếu tiêu dùng mới phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng. Nhờ đó, doanh thu xuất khẩu sang thị trường EU của doanh nghiệp tăng thêm 20% so với trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Bà Phạm Thị Hồng Quang cũng lưu ý nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU rất coi trọng vấn đề phát triển bền vững như nguồn gốc nguyên liệu, an toàn lao động, môi trường, phúc lợi xã hội. Doanh nghiệp muốn tiếp cận các thị trường này cần đầu tư ngay từ đầu để đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng, đồng thời cập nhật thường xuyên các xu hướng và tận dụng hiệu quả các kênh tiếp thị, thương mại hiện đại.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top