Sở hữu ngôi nhà rường mang kiến trúc đặc trưng nhà vườn Huế với tuổi đời trên 150 năm, ông Hồ Xuân Đài trú tại 22/12 Thanh Nghị, phường Thủy Biều, đầu tư 500 triệu đồng xây dựng khu phục vụ ẩm thực, trang bị xe đạp và chỉnh trang vườn để đón khách. Sau gần 10 năm làm du lịch, hiện mỗi tháng gia đình đón và phục vụ trên 1 ngàn khách tham quan và thưởng thức các dịch vụ, như đạp xe đạp, ngâm chân bằng thảo mộc, trải nghiệm làm kẹo mè và thưởng thức đặc sản vườn, ẩm thực…Ông Đài trăn trở: “Mong muốn rất lớn hiện nay của các nhà vườn Thủy Biều là tạo ra khu du lịch sinh thái đa dạng và phong phú dịch vụ, như tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm các nghề như làm hương, cày ruộng, làm mứt thanh trà, chăm sóc rau… Do còn quá ít nhà vườn tham gia làm dịch vụ nên chưa tạo được chuỗi liên kết vùng, chưa có nhiều dịch vụ. Thời gian lưu trú của khách do thế còn thấp và số lượng khách đến với Thủy Biều chưa nhiều".
Sau khi UBND tỉnh có quyết định công nhận điểm du lịch đối với nhà vườn Lương Quán - Nguyệt Biều vào đầu năm 2019, đây được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Hiện, mỗi năm Thủy Biều đón và phục vụ hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan và lưu trú. Ngoài các tour du lịch tham quan nhà vườn Kim Long, Thủy Biều, hiện trên địa bàn có khá nhiều địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn, mặc dù chưa được đầu tư và quảng bá rộng rãi, song đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, như đồi Thiên An, Vọng Cảnh hay trải nghiệm chèo thuyền trên sông Hương…
Giám đốc Huetourist Trần Quang Hào cho biết, những năm gần đây thành phố đầu tư hàng chục tỷ đồng để hoàn thiện mạng lưới giao thông, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, như phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu, chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương cũng như kêu gọi các nhà đầu tư lớn đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm, khách sạn, nhà hàng góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Qua đó, DN đã liên kết với các chủ nhà vườn Thủy Biều để đưa khách đến tham quan trong tour du lịch “Sáng Thủy Biều - chiều Tam Giang” với số lượng khách tham gia rất đông, sắp tới sẽ tiếp tục khai thác thêm nhiều tour du lịch sinh thái để đa dạng hóa loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu của khách.
Ông Hào cho rằng, cùng với tiềm năng sẵn có, tỉnh cần đầu tư hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, đặc biệt là mở rộng tuyến đường Bùi Thị Xuân, đoạn từ cầu Long Thọ đến khu vực Lương Quán (Thủy Biều) đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách đối với các phương tiện giao thông, đồng thời xây dựng các bến thuyền dọc hai bờ sông Hương thuận tiện trong việc đón, trả khách.
Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, để khai thác tiềm năng và phát triển du lịch trên địa bàn, thành phố đang tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, như chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương, chỉnh trang đồng bộ không gian hai bờ sông Hương và cửa ngõ Bắc Nam, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, bãi đỗ xe và ưu tiên hạ tầng giao thông tĩnh, các bến thuyền du lịch dọc hai bờ sông Hương. Ngoài ra, sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình du lịch có tiềm năng như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trên sông Hương và các con sông gắn liền với Kinh thành Huế.
Bài, ảnh: KHÁNH THƯ