|
SBH Gloria Hue Resort được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao |
Giữ chân du khách bằng dịch vụ lưu trú chất lượng
Mới đây, Sở Du lịch có Quyết định công nhận cơ sở lưu trú SBH Gloria Hue Resort thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Thanh SBH - GESTVIET (thôn 3, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) đạt tiêu chuẩn khách sạn 3 sao.
SBH Gloria Hue nằm trên bãi biển Vinh Thanh tuyệt đẹp của Huế. Dự án SBH Gloria Huế & SBH Village bao gồm 3 giai đoạn chính. Trong đó giai đoạn 1 đã hoàn thành 120 phòng khách sạn, 1 hồ bơi chính, 1 hồ bơi trẻ em với các tiện ích giải trí tại hồ bơi, spa ngoài trời 18 giường trị liệu, 1 nhà hàng buffet, 1 lobby bar, 1 pool bar và 1 snack bar. Giai đoạn 2 gồm có 20 luxury villas với hồ bơi và thảm tập golf riêng, 1 nhà hàng theo chủ đề. Trong giai đoạn 3 dự kiến sẽ xây dựng 1 khách sạn 500 phòng và 1 cao ốc 400 phòng. SBH Gloria Hue Resort đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến với phong cách nghỉ dưỡng Việt Nam kết hợp Tây Ban Nha mới lạ, độc đáo, lần đầu tiên xuất hiện tại miền Trung Việt Nam.
|
Khách đến nhận phòng tại một khách sạn ở TP. Huế |
Sau nhiều năm dịch vụ lưu trú ở Huế ít có sự biến động, nhất là tăng thêm số lượng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, năm 2024, cùng với sự xuất hiện của khách sạn 3 sao SBH Gloria Hue Resort, tin vui là du lịch Huế có thêm 2 khách sạn được Cục Du lịch quốc gia Việt Nam quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao là khách sạn La Vela Huế (tháng 6/2024) và khách sạn nghỉ dưỡng Langco Bay Retreat (tháng 10/2024), nâng tổng số cơ sở lưu trú 5 sao tại Huế lên con số 10.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, đến đầu tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh có gần 900 cơ sở lưu trú, với hơn 14.300 phòng và hơn 22.900 giường, trong đó có 205 khách sạn với 8.672 phòng và 14.350 giường. Số khách sạn từ 3 - 5 sao có 24 cơ sở.
So với trước đây, nhu cầu lưu trú của khách có nhiều thay đổi. Xu hướng du lịch người dân ngày càng lựa chọn dịch vụ lưu trú cao cấp, nhưng Huế lại đang thiếu rất nhiều. Thực tế, khoảng 20 năm trở lại, các khách sạn 4 - 5 sao tại Huế không tăng lên nhiều. Quỹ phòng trong hệ thống các cơ sở lưu trú không quá lớn, gây khó về tính cạnh tranh với các địa phương về mặt giá và cũng thường xuyên thiếu phòng dịp lễ, giai đoạn cao điểm.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Khách sạn Century Huế cho rằng, hạ tầng dịch vụ phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của du lịch. Ngoài việc hoàn thiện sản phẩm, tour tuyến thì dịch vụ lưu trú đáp ứng được yêu cầu của du khách cũng là giải pháp giữ chân du khách. Tuy nhiên, vẫn có một bài toán khó là vào dịp lễ, cuối tuần, tình trạng “cháy phòng” phổ biến, nhưng các ngày giữa tuần thì công suất chưa thể lấp đầy. Đây là một trăn trở đòi hỏi các nhà đầu tư phải tính toán rất kỹ khi đầu tư.
Cái khó trên, theo các doanh nghiệp du lịch cần có giải pháp gỡ khó. Bởi lẽ, xu hướng phát triển đòi hỏi dịch vụ lưu trú chất lượng. Trong khi đó, quỹ phòng của các khách sạn cao sao chưa đáp ứng, sẽ rất khó để tạo được sức cạnh tranh trong bối cảnh du lịch đang cạnh tranh gay gắt và bài toán giữ chân du khách ngày càng khó khăn.
Nâng tầm du lịch từ thu hút đầu tư
Việc giải bài toán đầu tư du lịch vẫn luôn giữ vai trò quan trọng nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng, thu hút ngày càng nhiều du khách đến, ở lại điểm đến du lịch. Hiện nay, với những dự báo khả quan về một bức tranh sôi động ở phân khúc dịch vụ cao cấp với sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư vào du lịch, tích cực tạo dựng môi trường thông thoáng thu hút đầu tư.
Tại hội thảo “Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tổ chức cuối tháng 10/2024, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút dòng vốn vào các dự án du lịch, từ hạ tầng giao thông đến đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng và dịch vụ giải trí. Nguồn vốn đầu tư vào du lịch đã đạt hàng chục nghìn tỷ đồng, cả vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, để tạo động lực cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam, cần dựa trên nhiều yếu tố nội tại như tiềm năng du lịch và thương hiệu điểm đến địa phương để thúc đẩy thu hút đầu tư vào du lịch, nhất là đầu tư từ nước ngoài. Cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là sự sẵn sàng và chủ động của địa phương trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính trong việc cấp chứng nhận đầu tư du lịch…
Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch, chính quyền địa phương cũng đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng để kêu gọi và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, trong đó có dịch vụ lưu trú đẳng cấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.