ClockThứ Năm, 08/02/2024 09:15

Hoàn thiện thể chế, tạo ‘đường băng’ tốt nhất cho doanh nghiệp ‘cất cánh’

Vài năm gần đây, những chính sách được Bộ Tài chính tham mưu, ban hành theo thẩm quyền đã giúp doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc  

Năm 2024, chính sách hỗ trợ này được tiếp tục thực hiện ra sao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Thưa Bộ trưởng, thời gian tới, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí sẽ được Bộ Tài chính thực hiện ra sao?

Trong suốt giai đoạn từ năm 2020 đến nay, trước các tác động tiêu cực do ảnh hưởng của COVID-19 cũng như tình hình chính trị, kinh tế thế giới đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, với vai trò và trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700.000 tỷ đồng.

Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Trong đó, quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỷ đồng. Năm 2023, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính đã tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 200.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024. 

Trước mắt, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV và đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 94/2023/NĐ-CP của Chính phủ để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn, cần hỗ trợ (dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuế được giảm khoảng 25.000 tỷ đồng).

Đồng thời, triển khai giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 theo Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến thực hiện Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15 sẽ giảm thu NSNN khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thông tư có hiệu lực từ 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025. Với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Bộ Tài chính đã và đang chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong nước.

Về lâu dài, quán triệt các chủ trương, định hướng đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế; đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.

Dự báo năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN sẽ phải đối mặt ra sao, thưa ông? 

Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành tài chính là rất nặng nề với dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng. Dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng. Bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Để đảm bảo hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2024, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, siết chặt kỷ cương kỷ luật trong quản lý tài chính, NSNN; quyết liệt thực hiện thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính tiếp tục triển khai các nghị quyết, kế hoạch, chương trình của Chính phủ với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ với mục tiêu tiến tới tài chính số.

Ngành Thuế, Hải quan tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng chính sách pháp luật về thuế để bảo đảm công bằng, chú trọng hiệu quả thu thuế.

Bộ Tài chính sẽ theo dõi sát tình hình thực tế, để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian tới; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Bên cạnh nỗ lực hoàn thành dự toán thu NSNN, việc chuyển đổi số của ngành Thuế cũng là điểm sáng trong chuyển đổi số của toàn ngành Tài chính. Bộ trưởng nhận định gì về bước trưởng thành này của ngành Thuế và đâu là những điểm cần lưu ý trong thời gian tới?

“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển nền tài chính số; phát triển các nền tảng hệ thống, cơ sở dữ liệu; nền tảng ứng dụng, dịch vụ số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng… Với các kết quả đã đạt được, theo Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ và cơ quan ngang bộ, năm 2020, 2021, Bộ Tài chính được xếp thứ 1 và năm 2022 xếp thứ 2 về xếp hạng tổng hợp đánh giá mức độ chuyển đổi số.

Trong những thành công chung về chuyển đổi số của Bộ Tài chính đã được Chính phủ ghi nhận, ngành Thuế được đánh giá là một trong các đơn vị đi đầu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ điện tử và các công cụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa trong tất cả các khâu nghiệp vụ quản lý thuế.

Việc chuyển đổi số trong ngành Thuế đã thực sự mang lại hiệu quả cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Theo đó, nhằm hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian, ngành Thuế đã tiếp tục triển khai việc khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.

Từ tháng 6/2023, Tổng cục Thuế triển khai quy trình định danh (ID) các khoản phải nộp hỗ trợ người nộp thuế tra cứu, xác định các khoản nộp theo tính chất, thứ tự thanh toán theo quy định của Luật Quản lý thuế. Từ tháng 8/2023, cơ quan thuế hoàn thành triển khai tích hợp eTax Mobile, iCaNhan xác thực bằng VNeID.

Đồng thời, triển khai Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế, tra cứu thông tin; triển khai Cổng thông tin điện tử nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số, dịch vụ xuyên biên giới để hỗ trợ việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới.

Cơ quan thuế cũng đã thực hiện tích hợp cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; triển khai thủ tục đăng ký thuế lần đầu và thay đổi thông tin trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Mới đây nhất, ngành Thuế tiếp tục nâng cấp ứng dụng quản lý thuế tập trung - TMS, thay thế 16 ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế đang triển khai phân tán, cho phép quản lý tất cả các sắc thuế, phí, lệ phí và đáp ứng được toàn bộ các khâu xử lý dữ liệu cho các quy trình nghiệp vụ; áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu thế quản lý thuế của các nước trên thế giới.

Ngành Thuế cũng đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong việc truy vết, xác định chuỗi liên kết mua bán của doanh nghiệp theo thông tin về mặt hàng trên dữ liệu hóa đơn của doanh nghiệp, giúp xác định các doanh nghiệp có hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Việc áp dụng AI đã hỗ trợ cơ quan thuế phân loại nhanh các hồ sơ hoàn thuế (hoàn trước kiểm tra sau), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Những kết quả chuyển đổi số của ngành Thuế đạt được nói trên đã góp phần vào thành công chung trong hoạt động chuyển đổi số của Bộ Tài chính, hướng tới việc phát triển nền tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch và toàn diện.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt… là những yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng vào sự tăng trưởng
Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top