ClockThứ Bảy, 26/11/2016 05:56

Hứa hẹn từ rừng ngập mặn

TTH - Chiếc xuồng đuôi tôm chở chúng tôi bắt đầu xuất phát từ bến Ngư Mỹ Thạnh, rẽ sóng Tam Giang, luồn lách qua từng dãy nò sáo, trộ chuôm rồi chạy dọc các bãi rừng ngập mặn rộng gần hơn 40 ha được trồng mới cách đây 7 tháng.

Những cánh rừng ngập mặn đang sinh sôi

Đầm phá Tam Giang rộng lớn ở Quảng Điền vẫn còn hoang sơ, chưa có sự tác động tích cực từ con người để ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt. Mùa gió chướng các xã ven phá Tam Giang thường bị sóng đánh, làm hư hại đê điều, ảnh hưởng rất lớn đến nuôi trồng thủy sản, sinh kế của người dân. Việc trồng rừng ngập mặn là điều kiện tất yếu để bảo vệ mùa màng, gắn với phát triển du lịch. Những bãi bồi trông dừa, bần ngập mặn là cơ sở để Quảng Điền phát triển du lịch sinh thái trong vài năm đến.

Nhằm góp phần bảo vệ sản xuất, gắn với phát triển du lịch sinh thái, năm 2015, huyện Quảng Điền xây dựng hoàn thành đê tây phá Tam Giang, đoạn từ Cồn Tộc đến Hà Đồ, kinh phí 11,5 tỷ đồng; năm 2016, đang xây dựng đoạn từ cống Cư Lại đến hết thôn Ngư Mỹ Thạnh, kinh phí 10 tỷ đồng. Sắp đến, Quảng Điền sẽ xây dựng bãi đậu xe, khu vệ sinh, xây dựng nhà trưng bày sản phẩm...

Ông Trương Xàng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Điền thông tin, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với huyện Quảng Điền đã trồng mới 37,5 ha rừng ngập mặn trên phá Tam Giang, gồm dừa nước, bần, gắn với công tác quản lý, bảo vệ nên đang phát triển tốt. Đây sẽ là nơi cư ngụ cho các loài thủy sản, cũng là nơi du khách tận hưởng những giây phút thư giãn, sử dụng ngư cụ truyền thống để đánh bắt cá, tôm. Việc phối hợp với UBND huyện Quảng Điền khảo sát, tiếp tục mở rộng diện tích rừng ngập mặn tại các xã ven phá, gắn với quy hoạch nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ đang được triển khai. Sau khi “hình hài” các khu rừng hình thành (trong 3 năm) sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan, môi trường sinh thái, phát triển du lịch bên phá Tam Giang. Theo đó tại bến đò Cồn Tộc, du khách đi bằng thuyền trên phá vào sáng sớm, chiêm ngưỡng, khám phá đời sống sinh hoạt, mua bán thủy sản của người dân tại chợ nổi. Từ chợ nổi, thuyền chở du khách đến tham quan các bãi bồi rừng ngập mặn, rồi đến khu bảo vệ thủy sản Cồn Mệ. Du khách tha hồ trải nghiệm đánh bắt cá, tôm bằng các ngư cụ truyền thống địa phương, như bủa lưới, nơm, chơm... Điểm dừng chân, nghỉ ngơi có thể tại Cồn Mệ, hoặc bến đò chợ chiều Quảng Ngạn.

Tại Quảng Ngạn, du khách đạp xe dọc biển để tham quan, khám phá đời sống, sản xuất và sinh hoạt của ngư dân. Trên hệ thống đầm phá Quảng Điền còn có tràm chim đang phục hồi, sẽ được đưa vào tour du lịch sinh thái. Am thờ của ngư dân vạn chài cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cũng sẽ được khôi phục, nâng cấp gắn với du lịch tâm linh. Một sự kiện lịch sử vào năm 1947, quy tụ hơn 50 chiếc đò của lực lượng cách mạng tại bến đò Vĩnh Tu cũng được nghiên cứu, đưa vào tour, tuyến...

Một tour khác cũng không kém phần hấp dẫn, du khách có thể đi bằng thuyền từ Cồn Tộc đến Cồn Gai. Gần đó có khu nghỉ dưỡng Tân Mỹ, du khách có thể lưu trú tại đây sau đó ngược về xã Quảng Thành tham quan thành Hóa Châu, rồi di chuyển đến phố cổ Bao Vinh... Sau khi tham quan, khám phá các điểm du lịch sinh thái, đầm phá ở Quảng Điền, du khách có thể đến thăm làng nghề Phước Tích, suối nước nóng Thanh Tân...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mùa nước nổi bên chân phá

Với những ai sống bên vùng chân phá Tam Giang, hẳn là năm nào cũng trải qua một vài đợt lũ lụt. Mùa lũ lụt tất nhiên sẽ hằn thêm nhiều lo âu về đảm bảo an toàn cho tài sản, tính mạng, nhưng cũng là cơ hội để ngư dân tăng thu nhập, bởi mỗi mùa con nước lên sẽ mang theo nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Mùa nước nổi bên chân phá
Đầm Cầu Hai

“Rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai. Có thể nói đây như là một vật báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Huế. Đây cũng là nơi mà ai đã đến thì cũng không muốn về…” – Đó là những lời “có cánh” của trang elephant travel (Công ty Du lịch Con Voi) dành cho đầm Cầu Hai, một địa danh du lịch nổi tiếng thuộc địa phận huyện Phú Lộc, cách TP. Huế khoảng 40km.

Đầm Cầu Hai
Hoàng hôn trên phá Tam Giang

Hoàng hôn trên phá Tam Giang có gì thú vị? Bạn đặt câu hỏi khi tôi nói rằng vừa mới rời khỏi phá Tam Giang và đã có dịp ngắm hoàng hôn ở đó. Tôi muốn nói với bạn thật nhiều điều nhưng lạ thay phút chốc tôi lại chẳng biết phải nói từ đâu, từ khoảnh khắc nào. Bởi, nếu ai từng đến phá Tam Giang, tận hưởng từng phút giây mới có thể hiểu được nỗi lòng.

Hoàng hôn trên phá Tam Giang
Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang

Ngày 27/5, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” năm 2024 cho biết, lần đầu tiên địa phương tổ chức biểu diễn bộ môn dù lượn trên phá Tam Giang và trên các bãi biển địa phương để phục vụ người dân và du khách.

Sẽ có biểu diễn dù lượn tại ngày hội Sóng nước Tam Giang

TIN MỚI

Return to top