|
Thu hoạch cà chua thủy canh |
Hiệu quả bước đầu
Từ khi triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, người dân Hương Thủy bắt đầu hướng đến xây dựng các mô hình nông nghiệp an toàn, công nghệ cao và bền vững. Với các mô hình này đã tạo ra nguồn sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng xu hướng và nhu cầu của thị trường.
Ông Ngô Xuân Phước, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp thủy canh Huế, ở tổ 3, phường Thủy Lương là người tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phương thức sản xuất truyền thống sang trồng rau, củ, quả thủy canh, công nghệ cao vào năm 2023. Tích cóp, dành dụm vốn và vay thêm ngân hàng, ông Phước mạnh dạn đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại để trồng rau, củ, quả thủy canh như cà chua, dưa lưới, mồng tơi, cải, xà lách… Hầu hết các sản phẩm đều sản xuất, canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP trên diện tích 1.000m2.
Ông Ngô Xuân Phước chia sẻ, từ sản xuất truyền thống sang trồng rau, củ, quả công nghệ cao bước đầu gặp một số khó khăn nhất định như vốn, áp dụng quy trình công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, không bón phân hóa học, thuốc trừ sâu, nước tưới cũng phải sạch theo tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, với phương châm vừa học vừa làm, tự tìm tòi nghiên cứu, ông đã vượt qua khó khăn, từng bước ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất một cách bài bản, thuận lợi.
Dù phía trước còn nhiều việc phải làm nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng, nhưng với kết quả ban đầu sau hơn một năm trồng theo phương thức thủy canh, công nghệ cao, mô hình đã cho thấy hướng đi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Thủy Lương nói riêng và trên địa bàn TX. Hương Thủy nói chung. Ông Phước cho hay: “Bình quân mỗi ngày thu hoạch khoảng 35-40kg rau, củ, quả các loại, ước tính giá dao động 30-40 nghìn đồng/kg như hiện nay thì mô hình trồng rau, củ quả thủy canh cho thu nhập 1-1,5 triệu đồng/ngày”.
Tại phường Thủy Dương, mô hình trồng mướp đắng theo quy trình VietGAP cũng đã khẳng định hiệu quả kinh tế trên vùng đất này. Tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Thủy Dương vận động người dân mở rộng diện tích trồng mướp đắng theo hướng hữu cơ, VietGAP. Sản phẩm sau khi thu hoạch vừa bán tươi, vừa phục vụ chế biến trà mướp đắng sấy khô, túi lọc được thị trường ưa chuộng.
Khó khăn cần khắc phục
Chủ tịch UBND phường Thủy Lương, ông Nguyễn Minh Công thông tin, với tiềm năng và lợi thế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn khá lớn, người dân tập trung khai thác trồng các loại rau, củ, quả với diện tích gần 15ha. Nhiều hộ ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển nhờ mô hình trồng rau, củ, quả an toàn. Trước yêu cầu mới, chính quyền địa phương đang từng bước vận động, hướng dẫn người dân chuyển sang mô hình nông nghiệp hữu cơ, an toàn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Trong điều kiện thời tiết khá bất lợi như mưa nắng, lũ lụt, hạn hán bất thường, đòi hỏi người sản xuất phải đầu tư công nghệ tiên tiến. Các hộ đầu tư phát triển sản xuất phải có vốn lớn, được đào tạo, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến một cách bài bản. Sản phẩm từ mô hình nông nghiệp thủy canh, an toàn và hữu cơ cần được quảng bá, tuyên truyền nhiều hơn đến với người tiêu dùng, kết hợp xây dựng thương hiệu và giá cả hợp lý.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các địa phương ở Hương Thủy đều khẳng định, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, hữu cơ là hướng đi tất yếu trước nhu cầu thị trường, đặc biệt là phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Địa phương luôn tạo điều kiện về cơ chế, chính sách về đất đai, hỗ trợ nhân lực, hỗ trợ, tín chấp cho người dân vay vốn ưu đãi và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Trương Công Nghĩa, Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Thủy khẳng định, ngành nông nghiệp đóng góp tỷ trọng rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, ổn định cuộc sống của một bộ phận người dân. Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe như hiện nay, TX. Hương Thủy hướng đến mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, môi trường sinh thái. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ như trồng hàng trăm ha lúa theo chuỗi giá trị, rau, củ, quả thủy canh nhà lưới với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực... đã được Hương Thủy triển khai. Từ đó, giúp người dân từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, hướng đến nền nông nghiệp bền vững.