ClockChủ Nhật, 01/12/2024 06:32

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số

TTH - Theo UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, tỉnh tiếp tục xác định cải cách hành chính (CCHC) gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 là chương trình trọng điểm để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Chuyển đổi số tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy liên kết vùngPhát triển dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn thông tin mạng80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến

 Người dân thao tác thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Chuyên nghiệp, hiện đại

Trò chuyện với tôi, song chị Trịnh Thị Kim Lan, phường Trường An, TP. Huế vẫn tranh thủ làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con trên máy điện thoại thông minh của mình. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, chị Lan đã hoàn thành các bước. “Trước đây, khi làm thủ tục hành chính (TTHC), chúng tôi phải mất cả ngày xếp hàng chờ đợi, rồi đi lại nhiều lần để bổ sung giấy tờ. Giờ đây, tôi có thể ngồi nhà thực hiện các thủ tục đăng ký, chỉ cần một chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối internet là có thể truy cập vào hệ thống dịch vụ công của tỉnh để nộp hồ sơ. Điều này không chỉ giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, mà còn tránh được những khó khăn khi phải đi lại”, chị  Lan nói.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh không chỉ phục vụ các TTHC cơ bản như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà còn tích hợp thêm các dịch vụ về bảo hiểm, thuế và nhiều thủ tục khác. Các dịch vụ này được triển khai với công nghệ bảo mật tiên tiến, tạo sự yên tâm cho người dân trong quá trình sử dụng.

Bà Đặng Thị Dương, Chủ tịch Hội Doanh nhân nữ tỉnh chia sẻ: “Là doanh nghiệp, chúng tôi hài lòng về nỗ lực CCHC của tỉnh trong thời gian qua. Những thủ tục trước đây mất đến hàng tuần, thậm chí cả tháng, thì giờ đây có thể hoàn tất trong vài ngày nhờ vào sự minh bạch và đơn giản của quy trình. Việc này giúp doanh nghiệp chúng tôi có thể linh hoạt và chủ động hơn rất nhiều trong kế hoạch kinh doanh”.

Ứng dụng Hue-S ra đời như một cầu nối quan trọng, là nơi người dân và doanh nghiệp có thể phản ánh, kiến nghị về các vấn đề an ninh trật tự, môi trường và giao thông công cộng chỉ qua vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động. Ông Nguyễn Thanh Lâm, một chủ doanh nghiệp nhỏ ở Huế cho hay: “Nhờ ứng dụng này, những khó khăn chúng tôi gặp phải có thể được gửi đến chính quyền và xử lý nhanh chóng. Sự gắn kết giữa chính quyền và người dân thực sự giúp chúng tôi thêm phần tin tưởng”.

Phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, liên tục những năm qua, chỉ số xếp hạng của Thừa Thiên Huế ngày càng được cải thiện và luôn nằm trong top đầu về các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh trong toàn quốc.

Đòn bẩy chuyển đổi số

Một trong những điểm sáng nổi bật trong quá trình CCHC tại Thừa Thiên Huế là sự thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Tỉnh đã chủ động triển khai các dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ hành chính công một cách nhanh chóng, tiện lợi và minh bạch. Hiện nay, phần lớn các TTHC trên địa bàn đều đã được số hóa, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm bớt các quy trình phức tạp và loại bỏ sự phiền hà.

Việc hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền số luôn được chú trọng triển khai và để lại những dấu ấn rõ nét. Theo ông Phạm Quang Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trong năm 2024 có sự cải thiện rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng. Ở cấp tỉnh, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến năm 2024 đạt 87%, tăng gần 11,8% so với năm 2023 (75,2%).

Hiện trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã cung cấp 2.444 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.121 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chiếm tỷ lệ 44% và 1.323 dịch vụ công trực tuyến một phần, chiếm tỷ lệ 52%. Đồng thời, 100% các cơ quan nhà nước trong tỉnh duy trì sử dụng thư điện tử công vụ và hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh phục vụ hoạt động của đơn vị; 100% các văn bản được các cơ quan nhà nước trong tỉnh trao đổi hoàn toàn dưới dạng văn bản điện tử (trừ văn bản mật) và sử dụng chữ ký số.

Mô hình dịch vụ đô thị thông minh và nền tảng Hue-S được xem là niềm tự hào của Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số. Thông qua Hue-S, chính quyền đã lắng nghe, quan sát những nhu cầu chính đáng, những rào cản hành chính mà người dân, doanh nghiệp đang gặp phải. Có trên 124.000 phản ánh được tiếp nhận kể từ khi triển khai, với tỷ lệ hài lòng và chấp nhận đạt 90,8%. Thời gian xử lý các phản ánh của người dân rút ngắn từ 60 đến 70%, có những vụ việc rút ngắn đến 90%, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách cũng như chi phí xã hội.

Ông Trần Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành để rà soát, cải tiến các TTHC, loại bỏ những thủ tục rườm rà, không cần thiết. Đề xuất các giải pháp CCHC dựa trên nền tảng công nghệ, tăng cường dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Đề xuất kế hoạch tuyển dụng, điều chỉnh nhân sự phù hợp với nhu cầu ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính.

“Tỉnh đã đề ra chiến lược rõ ràng, lấy xây dựng chính quyền điện tử làm nền tảng, tiến tới phát triển chính quyền số, với mục tiêu minh bạch hóa hoạt động hành chính, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, giảm thiểu chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các giải pháp số hóa trong quản lý, Thừa Thiên Huế đã triển khai các nền tảng số tiêu biểu như Hue-S, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, và hệ thống quản lý văn bản điện tử”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 5 bậc so với năm 2022; Chỉ số CCHC (PARINDEX) xếp thứ 17, tăng 2 bậc so với năm 2022; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong top 10 toàn quốc (xếp vị thứ 8); Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương xếp thứ 2/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, thứ 14/63 tỉnh/thành cả nước; nền tảng làm việc số tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024.

HẢI THUẬN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân

“Cay, ngon, sạch” - sản phẩm nước ớt và tương ớt của Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân do anh Tô Đông Thoạn, ở Vinh Xuân, Phú Vang sản xuất đã và đang được thị trường đón nhận. Hiện, chủ cơ sở sản xuất đang tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu riêng khi Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân vừa được chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023”.

Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân
Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ năng động & sáng tạo

Trong danh sách 30 cá nhân được Ban Thường vụ Tỉnh ủy khen thưởng có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024, có 3 cán bộ trẻ là Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản (ĐTNCS) Hồ Chí Minh. Đó là Hồ Thanh Tiến, Bí thư Đoàn thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang; Trương Quang Truyền, Bí thư Đoàn xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền và Nguyễn Minh Hành, Bí thư Đoàn Bệnh viện Trung ương Huế.

Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ năng động  sáng tạo
Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm là mục tiêu xuyên suốt của TX. Hương Thủy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Những lưu ý trong xây dựng nhà dân dụng

Xây dựng một ngôi nhà là ước mơ của nhiều người, là khoản đầu tư có chi phí khá lớn so với các khoản đầu tư khác. Tuy nhiên, không ít chủ nhà vẫn mắc lỗi trong quá trình thi công, xây dựng ngôi nhà của mình dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng, chi phí và tính bền vững của công trình.

Những lưu ý trong xây dựng nhà dân dụng

TIN MỚI

Return to top